Chú trọng đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững

  • 06:52 | Thứ Bảy, 03/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, TX. Ba Đồn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo, cận nghèo. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực đó là quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 
 
Là mẹ đơn thân, chị Nguyễn Thị Hường, thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) phải chật vật lo cái ăn, cái mặc cho 3 con nhỏ. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Cuối năm 2022, Hội Nông dân xã Quảng Hòa đã tạo điều kiện cho chị Hường được học lớp đào tạo nghề trồng nấm do các cán bộ ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề và hỗ trợ Nông dân-Phụ nữ Quảng Bình giảng dạy. Tại lớp học, các học viên đã được hướng dẫn cách tận dụng những diện tích nhà bị bỏ trống, các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa để trồng nấm thực phẩm và dược liệu.
 
Nhờ được sự hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ, chi tiết nên chị Hường đã học rất nhanh. Hoàn thành chương trình học, chị đã trồng thử 50 bịch nấm sò và đã cho kết quả như mong đợi. Thành công từ lần trồng thử nghiệm, chị đã mạnh dạn vay mượn thêm vốn để mở rộng mô hình.
Chú trọng công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được TX. Ba Đồn ưu tiên trong chiến lược giảm nghèo bền vững.
Chú trọng công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được TX. Ba Đồn ưu tiên trong chiến lược giảm nghèo bền vững.
Chị Hường chia sẻ, chị đã suy nghĩ rất nhiều cách để kiếm thêm thu nhập nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ lại không có vốn nên dù có ý định làm gì cũng không thành công. Sau khi tham gia lớp học trồng nấm, chị đã rất chăm chú, tiếp thu hết những kiến thức được học và nhanh chóng áp dụng vào thực tế. Mô hình trồng nấm này thực sự rất phù hợp với chị, vừa có thời gian chăm con, vừa hoàn thành việc đồng áng, vừa tận dụng được phế phẩm sẵn có từ nông nghiệp. Hiện, mô hình chưa lớn mạnh, nhưng cũng đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định giúp chị có thêm động lực phấn đấu thoát khỏi hộ cận nghèo trong thời gian tới.
 
Tương tự như hoàn cảnh của chị Hường, tại thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn, hộ gia đình cận nghèo, mẹ đơn thân của chị Mai Thị Hòa cũng không khá hơn là mấy. Kinh tế của 2 mẹ con dựa vào việc may nón lá. Những năm gần đây, giá thành của nón lá thủ công không được cao nên thu nhập của chị Hòa cũng bấp bênh.
 
Để tăng sức cạnh tranh, tạo sức hút cho nón lá của địa phương, Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên TX. Ba Đồn đã mở lớp học thêu ren trên nón. Sau khi hoàn thành 1 chiếc nón lá, học viên sẽ sử dụng những cuộn len đủ màu sắc để tạo những họa tiết ấn tượng, mang tính đặc sắc của địa phương. Nếu như 1 chiếc nón bình thường có giá từ 30.000-40.000 đồng thì 1 chiếc nón được thêu ren có giá cao gấp đôi.
Chú trọng công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được TX. Ba Đồn ưu tiên trong chiến lược giảm nghèo bền vững.
Chú trọng công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được TX. Ba Đồn ưu tiên trong chiến lược giảm nghèo bền vững.
Chị Mai Thị Hòa cho biết, để hoàn thiện một chiếc nón mất rất nhiều thời gian, nhưng giá thành lại khá rẻ. Từ khi được học lớp thêu ren trên nón, những chiếc nón lá làm ra nhìn đẹp hơn, thu hút hơn nên được nhiều người đặt mua với giá thành cao hơn. Nhờ vậy mà nguồn thu từ may nón của chị Hòa ổn định hơn, cuộc sống của hai mẹ con khấm khá lên từng ngày. Cũng theo chị Hòa, việc thêu ren trên nón cũng khá đơn giản nên chị đã dạy lại cho con và các cháu của mình để có thêm thu nhập khi rảnh rỗi.
 
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Tình cho biết, từ năm 2022 cho đến nay, toàn thị xã đã mở được 17 lớp cho gần 600 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động, lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 50%. Để các lớp học nghề phát huy được hiệu quả, ứng dụng được vào thực tiễn, phù hợp với tình hình của từng địa phương, thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, phường khảo sát nhu cầu học nghề của từng đối tượng lao động, xem xét những nghề phù hợp để xây dựng kế hoạch mở lớp.
 
Đến thời điểm này, hầu hết những người lao động được học nghề đều đã áp dụng thành công, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu bền vững, ông Nguyễn Văn Tình cho biết thêm.
                                                                                                                                                  X.P
 

tin liên quan

Tuyên Hóa: Hỏa hoạn làm cháy rụi một ngôi nhà

(QBĐT) - Sáng 31/5, thông tin lãnh đạo UBND xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy rụi một ngôi nhà tại bản Cà Xen.

Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Đa dạng hóa sinh kế đang là giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong tỉnh thoát khỏi khó khăn về kinh tế. 

Hơn 300 đoàn viên, thanh niên tham gia làm sạch bãi biển Nhật Lệ

(QBĐT) - Chiều 30/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường biển, phong trào "Chống rác thải nhựa".