Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai

  • 14:08 | Thứ Năm, 18/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Xác định vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm (AN-ATTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vì vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã luôn quan tâm, tăng cường chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để bảo đảm AN-ATTP lâu dài và bền vững không chỉ các cấp chính quyền, lực lượng chức năng mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Còn nhiều bất cập trong bảo đảm ATTP
 
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo ATTP tỉnh: Trong năm 2022, liên ngành của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã phối hợp triển khai thanh, kiểm tra, hậu kiểm tại 6.268 cơ sở. Kết quả: có 1.046 cơ sở không đạt, chiếm tỷ lệ 16,7%; đã xử phạt vi phạm hành chính 217 cơ sở, thu phạt trên 734 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 1,4 tỷ đồng.   
Cần đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Cần đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh thông qua kiểm nghiệm tại phòng xét nghiệm và sử dụng test nhanh, trong tổng số 2.235 mẫu thực phẩm có 1,52% mẫu không đạt yêu cầu về ATTP.
 
Riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” diễn ra từ ngày 15/4-15/5/2023, đoàn liên ngành của tỉnh đã triển khai kiểm tra 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, đã phát hiện 2/24 cơ sở vi phạm, đoàn đã xử phạt tiền gần 9 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số mặt hàng thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên bao bì. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo đảm AN-ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định ATTP; tình trạng buôn lậu thực phẩm, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp… Trong khi đó, lực lượng làm công tác ATTP, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn, vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu về số lượng và thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động. 
 
Ông Lê Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trao đổi: Do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ở các địa phương có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
 
Đơn cử như một số cơ sở sản xuất bún, bánh phở tươi… có quy mô hộ gia đình nhưng sản lượng sản xuất rất lớn, tiêu thụ tại nhiều địa bàn trong tỉnh, nhưng không thành lập doanh nghiệp nên không thuộc diện cấp ciấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ cao mất vệ sinh ATTP. 
Các trường mầm non luôn chú trọng bảo đảm ATTP cho các bữa ăn của trẻ.
Các trường mầm non luôn chú trọng bảo đảm ATTP cho các bữa ăn của trẻ.
Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán hàng hóa thông qua hoạt động thương mại điện tử diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng việc phát hiện địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng kinh doanh gặp nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Tình trạng bán thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các điểm tập trung đông người, như: Công viên, khu vui chơi, cổng trường và xung quanh các trường học... vẫn còn diễn ra.
 
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP chủ yếu diễn ra ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã triển khai còn hạn chế, chưa đa dạng và chủ yếu phát thông điệp ATTP trên hệ thống phát thanh. Do đó, việc nắm bắt các quy định pháp luật về ATTP ở cơ sở còn hạn chế, vẫn để xảy ra tình trạng bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn mác; người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.
 
“Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm ATTP còn hạn chế. Các cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện kiểm tra, phân tích mẫu nên việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các mặt hàng nông sản, rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn lúng túng và chưa có biện pháp xử lý; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh…Vì vậy, rất khó khăn trong quá trình đấu tranh, xử lý vi phạm AN-ATTP”, ông Lê Minh Tiến bày tỏ. 
 
Đề cao tinh thần trách nhiệm
 
Với sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp tăng cường công tác bảo đảm ATTP thời gian qua đã góp phần rất lớn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thực phẩm trong và ngoài tỉnh.  
Các đoàn liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.
Các đoàn liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh, chia sẻ: Khách du lịch đến với Quảng Bình ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì hải sản và những món ăn đặc sản địa phương là điểm quan trọng thu hút du khách. Xác định, ATTP là yếu tố mấu chốt sống còn quyết định đến thương hiệu uy tín và sự thành công của doanh nghiệp, vì vậy, Khu nghỉ mát Sun Spa Resort luôn đặt tiêu chí bảo đảm vệ sinh ATTP  lên hàng đầu cho công tác phục vụ khách.
 
Những năm qua, đơn vị luôn tuân thủ việc tập huấn định kỳ hàng năm về kiến thức ATTP cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đối với các bộ phận trực tiếp; khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên bổ túc kiến thức và có các bài giảng nội bộ liên quan đến kiến thức ATTP cho nhân viên; đưa tiêu chí bảo đảm ATTP vào chương trình hành động để đánh giá xếp loại cho thành viên đối với các tổ chức, như: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhằm tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong thực hiện. 
Trong quá trình kiểm tra các đoàn liên ngành đã kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm vệ sinh ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nắm bắt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn liên ngành kết hợp tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm vệ sinh ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
“Đặc biệt, trong giai đoạn mà ngành Du lịch Quảng Bình cùng với cả nước đang đón khách trở lại sau hơn hai năm đại dịch Covid-19, những  doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, cũng như các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và mỗi người dân hãy coi công tác bảo đảm ATTP là trách nhiệm của mình, vì bản thân, gia đình và toàn xã hội. Mỗi chúng ta hãy là một giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP. Đơn vị chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần này cho toàn thể cán bộ, nhân viên để có sự tập trung cao độ cho công tác bảo đảm ATTP, nhất là khi mùa cao điểm du lịch hè 2023 đã đến”, ông Nguyễn Vũ Tuấn nêu quyết tâm.  
 
Công ty TNHH TMDV Mai Thịnh là một trong số ít đơn vị chuyên sản xuất và chế biến thủy sản tại Quảng Bình đạt hệ thống quản lý chất lượng ISO. Ông Trần Mạnh Thịnh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Xác định ATTP là trước hết và làm sao đưa được đặc sản tươi ngon của Quảng Bình đến với mọi người, nên doanh nghiệp tiên phong áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình đóng gói, bảo quản thủy hải sản khi sử dụng công nghệ khí cải tiến MAP. Công nghệ này tạo ra dòng hải sản mát giúp hải sản tươi ngon như hải sản sống và bảo quản được trong 7 ngày chỉ ở nhiệt độ tủ mát từ 0-4 độ C”.  
Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện nghiêm túc quy trình về bảo đảm ATTP, đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện nghiêm túc quy trình về bảo đảm ATTP, đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ, các thị trường nhập khẩu tăng các rào cản kỹ thuật, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã mạnh dạn sáng lập chuỗi thực phẩm sạch, thương hiệu Hải sản Mai Thịnh với mong muốn làm cầu nối giữa ngư dân và thực khách trong và ngoài nước yêu thích hải sản Quảng Bình. Và hơn hết là cùng chung tay hỗ trợ đầu ra cho bà con nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tại tỉnh nhà”, ông Trần Mạnh Thịnh bộc bạch.
 
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP
 
AN-ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Tại lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo ATTP tỉnh yêu cầu: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, UBND các cấp tổ chức các đoàn liên ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về AN-ATTP không chỉ trong tháng cao điểm mà phải làm thường xuyên, liên tục để Quảng Bình đón mùa du lịch hè 2023 an toàn, tạo niềm tin tưởng cho du khách trong nước và quốc tế.  
Cần thường xuyên kiểm tra và xiết chặt quản lý công tác bảo đảm ATTP đối với các quầy hàng thực phẩm bán cho học sinh trước cổng trường học.
Cần thường xuyên kiểm tra và xiết chặt quản lý công tác bảo đảm ATTP đối với các quầy hàng thực phẩm bán cho học sinh trước cổng trường học.
Cùng với đó, các địa phương phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác hành vi vi phạm AN-ATTP, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm ATTP, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. 
 
Đồng chí đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về vấn đề ATTP tại các bếp ăn bán trú trong trường học; thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý các quầy hàng thực phẩm bán cho học sinh trước cổng trường học không bảo đảm ATTP; kết hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về vệ sinh ATTP cho giáo viên, phụ huynh và học sinh nói không với đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc...
 
Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, cơ quan báo chí truyền thông và người tiêu dùng tích cực phối hợp, hỗ trợ cho công tác bảo đảm AN-ATTP; kịp thời thông tin, tuyên truyền các mô hình sản xuất, chuỗi thực phẩm an toàn, sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương... gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm an toàn tại thị trường trong tỉnh và cả nước.
 
Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm AN-ATTP; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về AN-ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm AN-TTP; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm AN-ATTP trên địa bàn do mình phụ trách.
Nội Hà

tin liên quan

Số ca mắc COVID-19 gia tăng, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế

Theo Bộ Y tế, qua kết quả giám sát giải trình tự gene cho thấy các biến thể phụ của Omicron phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

"Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"

(QBĐT) - Đó là chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 được Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh tổ chức lễ phát động vào sáng nay, 18/4, tại TP. Đồng Hới.

Tăng cường tiêm chủng, sử dụng hiệu quả vaccine COVID-19 đã phân bổ

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có công văn số 603/VSDTTU-TCQG gửi Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vaccine COVID-19 AstraZeneca trong tháng 4 - 6/2023.