Để mùa hè không còn nỗi lo đuối nước

  • 07:16 | Thứ Sáu, 19/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ là do không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, việc phổ cập bơi, cung cấp, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản là giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ.
 
Giúp trẻ học bơi
 
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước cho học sinh (HS). Nhiều trường học đã thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước vào các môn học, nhất là những hoạt động ngoại khóa. HS còn được thực hành diễn tập cứu đuối, sơ cấp cứu người bị nạn và thực hành các kỹ thuật bơi, như: Bơi sải, bơi ngửa, bơi ếch...
 
Đặc biệt, qua từng năm học, ngành luôn tổ chức các giải điền kinh bơi lội, hội thi thể thao HS cấp tỉnh nhằm tạo cho HS những sân chơi bổ ích để rèn luyện sức khỏe. Qua đó, phát hiện nhiều tài năng thể thao, nhất là những HS có năng khiếu về bơi lội. 
 
Đồng hành cùng với ngành GD-ĐT trong công tác phòng, chống đuối nước cho HS là Dự án bơi an toàn (Swim for life) thuộc tổ chức nhân đạo Golden West. Từ sự hỗ trợ của dự án đã có rất nhiều HS tiểu học (TH), THCS được học bơi miễn phí, nhiều giáo viên (GV) dạy giáo dục thể chất được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi. Dự án còn hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất cho nhiều bể bơi ở các trường trên địa bàn tỉnh.
 
Quản lý Dự án Swim for life tại Quảng Bình, bà Đặng Thị Hải Yến cho biết: Dự án hoạt động trên địa bàn Quảng Bình được 9 năm (từ năm 2014). Ban đầu dự án triển khai thí điểm trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh với việc đầu tư hồ bơi cho Trường TH Đồng Phú (TP. Đồng Hới) và Trường TH thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh). Để tổ chức tốt việc dạy bơi cho HS, dự án đã tiến hành tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ GV dạy giáo dục thể chất.
 
Từ hai mô hình điểm này, dự án đã mở rộng địa bàn hoạt động đến các địa phương khác, như: Minh Hóa, Lệ Thủy... Đến nay, đã có hàng trăm lượt GV được tập huấn nâng cao năng lực về phương pháp dạy bơi. Dự án còn tổ chức nhiều hoạt động trên cả 3 hợp phần, gồm: Bơi an toàn, bơi sống sót; giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
 
Hiện tại, dự án đã hỗ trợ hoạt động dạy bơi an toàn cho khoảng 10.000 HS và tổ chức nhiều đợt tập huấn trang bị kiến thức dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho đội ngũ GV dạy môn giáo dục thể chất và tổng phụ trách Đội ở các trường học. 
 
Đối với các trường chưa có bể bơi, dự án tập trung các hoạt động phổ biến kiến thức về an toàn trong môi trường nước. Từ sự hỗ trợ của dự án, hầu hết các đơn vị trường học có bể bơi đã triển khai tốt hoạt động dạy bơi. Dự án luôn phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành khảo sát các địa bàn có nguy cơ cao như vùng dọc sông Gianh, các địa bàn có ao, hồ, sông, suối, đập, tràn... để cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
 
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dự án còn tặng cặp phao cho HS có hoàn cảnh khó khăn ở vùng thấp trũng, vùng hay xảy ra sạt lở, lũ quét ở các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy; đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa-Thể thao triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống đuối nước. Cùng với việc hỗ trợ học phí học bơi 200.000/HS, dự án còn hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học bơi, hướng dẫn cho các trường cách xử lý bể bơi đúng kỹ thuật.
Hoạt động dạy bơi cho HS ở một trường tiểu học tại huyện Quảng Ninh.
Hoạt động dạy bơi cho HS ở một trường tiểu học tại huyện Quảng Ninh.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 30 trường học trên địa bàn tỉnh khảo sát xong đầu ra các khóa dạy bơi an toàn cho HS. Kết quả có 1.401/1.492 HS của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa đạt các tiêu chí, như: Hoàn thành kỹ năng đứng nước/nổi ngửa chân không chạm đất 120 giây, đạt 8/10 câu hỏi kiểm tra kiến thức an toàn dưới nước, thực hiện được kỹ năng cứu hộ gián tiếp bằng vật nổi (cây, gậy, dây thừng). Dự án còn tặng 350 áo phao, 170 cặp phao cho các em HS trên địa bàn tỉnh. 
 
Bà Đặng Thị Hải Yến cho biết thêm: Năm 2023, dự án sẽ hỗ trợ cho 1.500 HS được học bơi miễn phí và tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu nguy cơ đuối nước, tạo môi trường luyện tập kỹ thuật bơi an toàn cho trẻ.
 
Cần lắm sự chung tay
 
Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em song tình hình trẻ bị đuối nước trên địa bàn vẫn diễn ra hàng năm, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tính từ tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Đơn cử như trường hợp 1 HS lớp 7 ở xã An Ninh (Quảng Ninh) bị đuối nước dẫn đến tử vong ở khu vực hồ chứa nước thủy lợi Rào Đá (xã Trường Xuân).
 
Một trường hợp khác cũng là HS lớp 7 ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) bị đuối nước, tử vong khi tắm biển Bảo Ninh và một HS lớp 10 quê ở xã Mỹ Trạch, Bố Trạch bị đuối nước, tử vong khi cứu bạn tại sông gần nhà...
 
Những vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước vẫn đang thường trực, nhất là trẻ em khi kỳ nghỉ hè đang đến gần. Thực trạng đó đòi hỏi mỗi gia đình, cấp chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ chủ yếu là do trẻ không biết bơi và thiếu kiến thức kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự giám sát của gia đình, thiếu kỹ năng sống... Các em chưa nhận thức được sự nguy hiểm khi tắm biển, ao hồ, sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn, chưa nhận biết được những nơi thiếu an toàn...
 
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, đặc biệt là trong dịp hè, các bậc phụ huynh cần theo dõi, nhắc nhở trẻ không được đến những nơi thiếu an toàn để tắm, vui chơi. Và điều quan trọng nhất là tạo điều kiện cho trẻ học bơi, cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản giúp trẻ nhận biết các môi trường nước nguy hiểm để phòng tránh nhằm tự bảo vệ bản thân. 
 
Bơi là môn thể thao hữu ích, tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống. Tuy nhiên hoạt động dạy bơi cho HS ở trường học còn gặp không ít khó khăn như thiếu bể bơi, một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc cho con mình đi học bơi, nhất là các địa bàn vùng nông thôn.
 
Dạy bơi và cung cấp kiến thức cho HS từ bậc TH là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đuối nước. Song để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường. Và điều quan trọng nữa và phải thực hiện tốt việc xã hội hóa trang bị bể bơi trong trường học nhằm bảo đảm cơ sở vật chất để triển khai tốt hoạt động dạy bơi, góp phần thúc đẩy những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
 
Hiện, toàn tỉnh có 70 bể bơi ở các trường học, trong đó có 67 bể bơi đủ các điều kiện. Huyện Lệ Thủy là đơn vị có số bể bơi cao nhất (23 bể), tiếp tới là huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới. Thời gian tới sẽ có thêm một số bể bơi mới được lắp đặt tại các trường TH trên địa bàn tỉnh qua sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Nh.V

tin liên quan

Công đoàn PC Quảng Bình: Tổ chức nhiều hoạt động hướng về người lao động

(QBĐT) - Thực hiện chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức", trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023, Công đoàn Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động.

Minh Hóa: Một học sinh đuối nước thương tâm

(QBĐT) - Sáng 18/5, ông Đinh Mạnh Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hóa Thanh (Minh Hóa) cho biết, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 17/5, trên địa bàn đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. 

Trao nhiều công trình, phần quà ý nghĩa cho người dân nghèo xã Quảng Tiến

(QBĐT) - Ngày 18/5, tại xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" và hưởng ứng "Tháng Nhân đạo" năm 2023.