Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
(QBĐT) - Ngày 8/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án 1163). Tại địa bàn tỉnh, việc triển khai hiệu quả Đề án 1163 giúp đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu tiếp cận các chuẩn pháp luật, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Giai đoạn 2017-2021, Ban Dân tộc, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án 1163 tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công 6 lớp tập huấn cho 350 học viên là đội ngũ cán bộ, công chức xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS); phối hợp với Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho 106 người uy tín. Ngoài ra, đã biên soạn, cấp phát 1.800 tờ rơi, lắp đặt 3 cụm pano tuyên truyền ở các xã có đồng bào DTTS sinh sống.
Nội dung tập huấn, tuyên truyền tập trung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc; vận động người dân tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững... Riêng lĩnh vực PBGDPL, chú trọng giúp đồng bào tiếp cận, nắm bắt một số bộ luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Giao thông đường bộ...
Quá trình thực hiện Đề án 1163 trên địa bàn tỉnh qua thực tiễn đã góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức, hoạt động quản lý nhà nước cấp cơ sở vùng đồng bào DTTS. Nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào được nâng lên. Đồng bào DTTS tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giác đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng trong quá trình thực hiện pháp luật, giữ gìn trật tự, trị an bản làng và chủ quyền an ninh biên giới.
Để Đề án 1163 tiếp tục đi vào cuộc sống, nâng cao trình độ tiếp cận, hiểu biết của đồng bào DTTS về pháp luật, theo đơn vị chủ trì thực hiện là Ban Dân tộc tỉnh, thời gian tới cần triển khai theo các hướng: Mở rộng tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật đến các hộ đồng bào dân tộc. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động; ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện để người dân tiếp cận khoa học, công nghệ, xóa bỏ hủ tục mê tín, lạc hậu, bảo tồn, phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng; chú trọng phát huy vai trò đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, các tổ chức chính trị-xã hội và chủ thể người dân trong PBGDPL, sống, học tập và làm theo pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Lài, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Một số nhiệm vụ cụ thể thực hiện Đề án 1163 thời gian tới bao gồm: Tăng cường tập huấn, PBGDPL cho đội ngũ tuyên truyền viên, người dân ở cơ sở, chú trọng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan sát thực đến khu vực, đời sống đồng bào DTTS; ưu tiên công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các bản làng vùng sâu, vùng xa, những tộc người điều kiện kinh tế-xã hội đang còn khó khăn; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi kết hợp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hay lồng ghép, bổ sung vào hương ước, quy ước của từng bản làng...
Hồ An