Tuổi đôi mươi... nghiệt ngã
(QBĐT) - Tuổi 19, đôi mươi là độ tuổi khởi đầu cho những ước mơ và hy vọng. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, với Dương Thị Thu Hiền (SN 2001) ở thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) giờ đây chỉ biết ước mong một cuộc sống bình thường như bao cô gái khác.
Trụ cột kinh tế của gia đình
Hôm chúng tôi đến, Hiền mới phát bệnh hơn 2 tháng, nhưng có cảm giác như cô gái mới hơn 20 tuổi ấy đã nằm liệt giường từ lúc vừa sinh ra. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều phải có người giúp đỡ. Thân thể Hiền vốn đã gầy gò, ốm yếu ấy, nay teo quắt lại. Từ ngày phát bệnh, đôi chân của Hiền cũng co rút lại, không thể duỗi thẳng như bình thường. Đến như việc uống nước, Hiền cũng phải nhờ mẹ bón từng thìa, chứ 2 bàn tay không thể cầm được ly nước. Hiền cũng không thể nói chuyện liên tục, mà phải có những quãng nghỉ giữa chừng vì hụt hơi và khó thở.
Đứng bên cạnh giường của em, thật sự, tôi đã không dám nhìn vào cái cơ thể gầy yếu, tong teo ấy. Nói như mẹ của em, bà Cao Thị Lan, từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, Hiền vẫn phát triển bình thường và lành lặn như bao đứa trẻ khác. Chỉ khác là vì nhà nghèo, vì ba mẹ ốm đau bệnh tật, nên con gái của bà không có được cuộc sống đủ đầy, ăn học đến nơi đến chốn và phải chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.
Và giờ đây, cô con gái út chịu thương chịu khó này lại mắc phải căn bệnh quái ác. “Từ nhỏ đến lớn, Hiền chưa bao giờ làm phiền lòng ba mẹ. Nhất là khi chúng tôi trở bệnh ốm đau, nó đã sớm biết mình cần phải làm gì, mà chưa nghĩ hoặc chưa kịp nghĩ bản thân cần làm gì và đang phải chịu thiệt thòi như thế nào”, bà Lan kể.
Năm Hiền học xong lớp 9, ba Hiền, ông Dương Ánh Hồng phải nhập viện chữa trị căn bệnh lao phổi. Dằng dặc suốt 2 năm sau đó, Hiền phải bỏ học, khăn gói bám bệnh viện chăm sóc ba, hết bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh ra đến bệnh viện ở Hà Nội.
Thời gian này, bà Lan ở nhà cũng phát bệnh hở van tim và nhồi máu cơ tim. Bà Lan đành cắn răng chịu đựng, sống chung với bệnh để dành tiền cho chồng chữa bệnh. Ở nhà, cứ tài sản nào có giá trị bà lại đem bán. Mà ngôi nhà nhỏ, tồi tàn chỉ mới xây táp lô thô, chưa kịp hoàn thiện ấy, thì lấy gì để bán.
Vậy là, hết bán mấy con trâu, bà lại bán số gốc mít lâu năm trong vườn nhà. Được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu vậy. May sao, căn bệnh của ông Hồng cũng thuyên giảm. Biết ba mẹ giờ đây là những con bệnh nặng, khó có thể lao động bình thường, Hiền đứng ra cáng đáng việc kiếm tiền nuôi ba mẹ. Vừa chân ướt chân ráo trở về nhà, Hiền vào TP. Đà Nẵng xin làm công nhân (chị gái của Hiền cũng đang làm công nhân tại TP. Đà Nẵng-PV). Lúc đó, Hiền vừa bước sang tuổi 18.
Ước có một phép nhiệm màu
Kể từ đó, cô gái đang tuổi ăn, tuổi học trở thành lao động chính và “trụ cột” kinh tế cho gia đình, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang tiếp tục “vẽ” ước mơ cho mình và sống trong sự bảo bọc của gia đình. “Em nghĩ rằng, đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của một người con đối với ba mẹ. Lúc đó, em chỉ mong ba mẹ luôn khỏe mạnh thôi”, Hiền nói thều thào trong hơi thở khó nhọc.
Chính vì mong ước đó, nên suốt hơn 2 năm làm công nhân của một công ty lắp ráp điện tử ở Đà Nẵng, Hiền bao giờ cũng nỗ lực gấp đôi người khác. Bởi, nếu làm đúng ca 8 tiếng đồng hồ/ngày, tiền lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, còn làm khoảng 12 tiếng thì thu nhập cao hơn, khoảng hơn 6 triệu đồng. Tất tật tiền kiếm được, Hiền đều dành dụm gửi về cho ba mẹ ở quê. Năm 2022, Hiền còn đưa mẹ vào TP. Đà Nẵng để khám, chữa bệnh. Nhưng muốn chữa lành bệnh, mẹ Hiền phải phẫu thuật với chi phí rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Phạm Tiến Dũng cho biết: “Nhiều năm nay, ông Dương Ánh Hồng và bà Cao Thị Lan bị bệnh tật hiểm nghèo. Từ ngày biết tin Hiền bị bệnh nặng, chính quyền, nhân dân thôn xóm ai cũng xót xa. Hiện giờ, gia đình em rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhất là em Hiền. Chính quyền địa phương đã kêu gọi các đoàn thể, Mặt trận hỏi thăm, hỗ trợ, chia sẻ động viên”. |
Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách, nhưng thử thách của cô gái nhỏ như Hiền quá lớn. Những tưởng cuộc sống khó khăn rồi dần qua đi, nhưng không ngờ mọi thứ giờ đây bỗng nhiên sụp đổ. Khoảng tháng 5/2022, Hiền thấy mình mỏi mệt, khó thở và ho nhiều. Lúc đầu Hiền chỉ nghĩ, chắc do mình làm việc nhiều, nên không đi khám. Tình trạng nói trên kéo dài suốt 3 tháng liền. Đến đầu tháng 8/2022, Hiền bắt đầu ho nhiều hơn và ho ra cả máu, chân tay cứ thế yếu dần. Sợ ba mẹ lo lắng, Hiền không dám kể. Cứ như thế, Hiền lụy dần, sức khỏe suy kiệt và ngủ mê man, ly bì suốt ngày. Khi mẹ Hiền vào đưa đi cấp cứu, thì Hiền không thể tự đi lại được. Hai chân đã teo quắt và co rút lại. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chẩn đoán, Hiền bị giãn phế quản, kèm theo bệnh thiếu máu, suy kiệt cơ thể nặng. Điều trị tại bệnh viện được 10 ngày, Hiền được mẹ đưa về nhà. Từ đó đến nay, Hiền nằm liệt giường. Chưa hết, ngày Hiền về nhà, cũng là lúc, bố Hiền phải nhập viện vì căn bệnh lao phổi, ho ra máu tái phát.
Bà Cao Thị Lan cố nén nỗi nghẹn ngào, không dám khóc vì sợ con gái buồn: "Trẻ cậy tra, già cậy con”. Lúc trước, vợ chồng tôi không có được sức khỏe như người khác, nên con đã phải sớm chịu khổ. Giờ đây, khi tuổi đã lớn, cần trông nhờ vào con, thì con lại ốm đau bệnh tật. Căn bệnh gì mà lạ, tay chân cứ co quắp lại, đến nỗi không nhấc nổi mình mà đi. Vợ chồng tôi đã già, thôi đành chịu thiệt thân cũng được, nhưng con còn nhỏ dại quá, năm dài tháng rộng còn ở phía trước, mà giờ đây phải nằm liệt giường như thế này. Giờ cũng muốn đưa con đi bệnh viện, nhưng ai cũng bệnh nặng không thể đưa đi được”.
Dương Công Hợp
Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc hảo tâm với em Dương Thị Thu Hiền, xin vui lòng liên hệ chị Dương Thị Thùy Trang (chị gái Hiền) qua số điện thoại 0984 721 334 (ở thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình).
Hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.
|
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.