Tăng cường kiểm tra, thu hồi bánh Trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm

  • 07:45 | Thứ Ba, 06/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế và Ban quản lý an toàn thực phẩm các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh Trung thu; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm để người dân biết và không sử dụng.

Tăng cường kiểm tra, thu hồi bánh trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, thu hồi bánh trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Gần đến Trung thu, thị trường bánh Trung thu ngày càng đa dạng và phong phú. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn có nhiều cảnh báo về bánh trung thu bẩn, nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm.
 
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công thương, Sở NN&PTNT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
 
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm-Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
 
Trong đó, nội dung tuyên truyền cần tập trung vào 2 đối tượng gồm: Thứ nhất, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
 
Thứ hai, đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
 
Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân mua bánh kẹo, bánh trung thu cần phải có xuất xứ rõ ràng.
 
Trước đó, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cảnh báo người dân về bánh Trung thu nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm... Theo Bộ Công an, thị trường bánh trung thu đang rất nhộn nhịp, sôi động, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, xuất xứ, không ít sản phẩm là hàng nhập lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ..., đồng thời, Trung thu cũng là dịp nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì hám lợi nhuận mà vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung chủ yếu là các hành vi nhập lậu các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh Trung thu; kinh doanh các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu, phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng; tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm để bán ra thị trường...
 
Tính riêng tháng 8/2022, thời điểm cận Tết Trung thu, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 593 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, với 606 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 565 vụ, với 503 cá nhân, 67 tổ chức, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng.
Theo Thúy Hà (Chinhphu.vn) 

tin liên quan

Công bố quyết định đặc xá năm 2022

Sáng 31/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, các cơ quan có liên quan tổ chức họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2022.

Người phụ nữ nỗ lực thoát nghèo

(QBĐT) - Với đức tính cần cù, chịu khó nên khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bố Trạch tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, gia đình chị Hồ Thị Loan (SN 1980), thôn 4, xã Xuân Trạch đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những nông dân điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương"

(QBĐT) - Tối 30/8, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương".