Khó khăn trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Lệ Thủy

  • 07:44 | Thứ Ba, 19/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy luôn tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Lệ Thủy vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
 
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, bên cạnh việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan, huyện Lệ Thủy tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của NLĐ trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho từng nhóm đối tượng; liên kết trong việc chuyển giao, tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động qua đào tạo, tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề. 
 
Hàng năm huyện đều tổ chức khảo sát thực trạng lao động, việc làm tại các địa phương và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động. Trên cơ sở đó, huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo thêm việc làm mới cho NLĐ và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề.
 
Việc chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Lệ Thủy theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm mới, cải thiện đời sống cho người dân. Các chế độ chính sách liên quan đến hộ nghèo và chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn; nhiều mô hình trang trại, kinh tế hợp tác xã... ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều mô hình kinh tế nhỏ lẻ, chưa thu hút nhiều lao động.
Nhiều mô hình kinh tế ở huyện Lệ Thủy còn nhỏ lẻ, chưa thu hút nhiều lao động.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 800 lao động đã được giải quyết việc làm, trong đó có 29% lao động đã qua đào tạo nghề, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với cùng kỳ năm trước là 6,98%.
 
Tuy nhiên, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Việc tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm chưa sâu rộng, chưa thường xuyên; công tác phối hợp đào tạo nghề giữa các ban, ngành chức năng cấp huyện với cấp xã còn hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa quyết liệt; chưa chú trọng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn.
 
Công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, số học viên học nghề giảm. Việc đào tạo ngắn hạn còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng. Nhiều lao động qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, thiếu tác phong lao động công nghiệp…
 
Đặc biệt, nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm từ Trung ương phân bổ hàng năm và nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp, trong khi nhu cầu vay vốn của NLĐ rất cao, nhất là nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành nghề, vốn vay xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, huyện chưa có chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Vốn sự nghiệp hàng năm còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
 
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho NLĐ tại các xã nghèo còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vì vậy, chưa kích thích phát triển sản xuất tại chỗ. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít nên chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động khu vực nông thôn thiếu việc làm còn nhiều; mô hình trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn hiệu quả còn ít, quy mô nhỏ lẻ, chưa thu hút nhiều lao động. Việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp chưa được nhân rộng, hình thức đào tạo nghề theo mô hình gắn với doanh nghiệp đặt hàng chưa nhiều...
 
Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Năm 2022, huyện Lệ Thủy phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng trên 4.500 lao động. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn, kiểm tra công tác cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề trên địa bàn; rà soát các điều kiện đăng ký hoạt động dạy nghề của các cơ sở dạy nghề công lập.
 
Huyện tập trung triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khuyến khích các mô hình, dự án tạo việc làm tại chỗ; thực hiện hiệu quả chính sách cho NLĐ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho những lĩnh vực mũi nhọn; bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...
 
Hiền Phương

tin liên quan

Bàn giao công trình điện "Thắp sáng đường quê"

(QBĐT) - Chiều 18/4, Ban CHQS huyện Tuyên Hóa và UBND xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) đã khánh thành đưa vào sử dụng công trình đường điện "Thắp sáng đường quê" tại xã Châu Hóa.

Phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong hội viên nông dân, phụ nữ

(QBĐ) - Chiều 18/4, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp liên ngành giữa BHXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh về công tác BHXH, bảo hiểm y tế năm 2021 và ký kết chương trình phối hợp năm 2022. 

Nhiều hiệp hội ngành nghề kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, làm họ khó khăn, kiệt quệ.