Nhiều hiệp hội ngành nghề kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương

  • 07:44 | Thứ Hai, 18/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, làm họ khó khăn, kiệt quệ.
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Mới đây, đại diện 8 hiệp hội có lượng lao động lớn đã cùng ký vào văn bản CHH/14042022 để kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 như hiện nay theo quyết định của Hội đồng tiền lương Quốc gia.
 
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng.
 
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, làm họ khó khăn, kiệt quệ. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
 
Các hiệp hội cũng cho rằng các khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất.
 
Nếu tăng lương vào đầu tháng Bảy tới, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.
 
Kiến nghị cũng nêu nhiều doanh nghiệp sẽ phải bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, hoặc cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất...
 
Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7 tới, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
 
Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, với phương án này, dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,5-0,6%, trong đó dệt may, da giày tăng 1,1-1,2%.
 
Trong phiên họp này, đại diện cho giới chủ, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình việc điều chỉnh lương, song muốn thời điểm thực hiện vào đầu năm 2023. VCCI đề xuất mức tăng nằm trong khoảng 3-5%.
 
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Từ ngày 21/5, công an xã được cấp đăng ký, biển số xe

(QBĐT) - Theo Thông tư số 15/2022/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 21/5/2022, người dân có thể đến công an xã để thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp biển số đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).

Mùa hoa sim bên mái Hoành Sơn

(QBĐT) - Tháng 4, bên mái Hoành Sơn thuộc huyện Quảng Trạch, hoa sim bắt đầu bung nở. Sắc màu tím biếc của hoa sim không chỉ "chen chúc" bên những sười đồi mà nó còn "dệt thảm" trên những cánh rừng sim đã được người dân trồng và khoanh nuôi.

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình...

(QBĐT) - Giữa bộn bề đời thường đầy âu lo, toan tính, họ chọn sống bình tâm, lặng lẽ với những việc làm tốt đẹp bằng tấm lòng bao dung rộng mở. Chúng tôi đang nói đến vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh (SN 1980) và chị Ngô Thị Hồng (SN 1983), thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch (Bố Trạch). Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của anh chị là mái ấm nuôi dưỡng những "mầm xanh" người Bru-Vân Kiều ở bản Rào Con (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch).