Phấn đấu đạt được 1 triệu sáng kiến chiến thắng đại dịch COVID-19

  • 08:26 | Thứ Bảy, 08/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra Chương trình “1 triệu sáng kiến” cho 2 năm (từ 1/9/2021 đến 1/9/2023) với mong muốn cứ 10 đoàn viên công đoàn, sẽ phấn đấu có 1 sáng kiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ tuyên dương tập thể và cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình ’75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển’ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 28/12/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ tuyên dương tập thể và cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 28/12/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
 
Chiều 7/1, phát biểu tại tọa đàm “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19," Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết tiếp nối thành công của Chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” trong Tháng Công nhân năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19."
 
Chương trình nhằm phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo, ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân, phấn đấu vì khát vọng một Việt Nam phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
 
Theo ông Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, kéo theo trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm.
 
"Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba là phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam và tổ chức công đoàn mong muốn mỗi người lao động thêm một nỗ lực để cùng doanh nghiệp, cùng đất nước đi qua những khó khăn trước mắt và có tinh thần nỗ lực vươn lên, có khát vọng phát triển vì hạnh phúc của chính mình, gia đình mình, sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp và sự phồn vinh của đất nước. Đó cũng là thông điệp vượt khó của chương trình này," ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
 
Điểm mới của Chương trình là sự vận dụng các quan niệm về sáng kiến để phù hợp với sự đa dạng trong đối tượng đoàn viên công đoàn, nhất là những người lao động trực tiếp.
 
Trong Chương trình này, sáng kiến mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn ở người lao động là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hoặc đề tài nghiên cứu khoa học.
 
Lý giải về con số 1 triệu sáng kiến, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai trong 80 ngày đã thu được trên 250.000 sáng kiến.
 
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra Chương trình “1 triệu sáng kiến” cho 2 năm (từ 1/9/2021 đến 1/9/2023) với mong muốn cứ 10 đoàn viên công đoàn, sẽ phấn đấu có 1 sáng kiến.
 
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ công đoàn phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và trách nhiệm nhất trong việc triển khai chương trình.
 
Hơn 20 năm nay, các cấp Công đoàn Hà Nội đã duy trì, triển khai phong trào phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” trong công nhân viên chức lao động. Hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến-nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, ông Hùng cho biết đội ngũ công nhân lao động Thủ đô sẽ đóng góp ít nhất 100.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch; phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn.
 
Nhiều đại biểu cho rằng đây là chương trình rất ý nghĩa, trong đó ý nghĩa đầu tiên là đem lại quyền lợi cho người lao động và quyền lợi cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Công nhân viên chức lao động có thể không có trình độ cao về học vấn, nhưng trong quá trình sản xuất, họ say mê, có sáng kiến làm lợi cho công ty, giảm bớt quy trình, giá thành sản phẩm… thì sẽ đem lại giá trị sản xuất cao, thu nhập người lao động tăng lên, việc làm tốt hơn.
 
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Chuyện thường ngày:

(QBĐT) - Đừng cả nể!

Ký kết giao ước thi đua năm 2022

(QBĐT)- Ngày 7/1, Khối thi đua các hội đặc thù tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2021 và ký kết giao ước thi đua năm 2022.

Trao tiền tiết kiệm cho gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Sáng nay, 7/1, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tại Quảng Bình, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức trao tiền tiết kiệm cho cháu Ngô Bảo Ngọc, ở thôn 11, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới).