"Ai cũng có đam mê"

  • 07:38 | Thứ Sáu, 07/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mai Anh Hà (SN 1989, ở tiểu khu 3, TT. Đồng Lê, Tuyên Hóa) đã nói với tôi như vậy với lối diễn đạt bập bẹ, khá khó khăn. Thế nhưng, chàng trai này đã vượt qua những mặc cảm khiếm khuyết của bản thân và biết vươn lên, biết sống với đam mê. Và cũng chính từ niềm đam mê ấy, Hà đã sáng chế thành công nhiều loại máy móc hữu ích.
 
Hàng xóm sống xung quanh xưởng cơ khí Đức Cường, ở tiểu khu 3, TT. Đồng Lê (Tuyên Hóa) không ít lần bất chợt thức giấc giữa đêm khuya, vì tiếng búa, tiếng máy cắt sắt của Hà. Đã có người phàn nàn, nhắc nhở.
 
Nhưng người phàn nàn nhiều nhất vẫn là vợ và mẹ Hà. Họ nhắc nhở, rồi phản đối lối làm việc, sinh hoạt thất thường của Hà. Bởi mỗi lần bắt tay vào chế tạo một loại máy móc nào đó, Hà lại không ăn không ngủ. Suốt ngày lủi thủi một mình ở trong xưởng đục, cắt, tính toán. Có lúc giữa đêm, bất chợt Hà thức dậy làm việc cho đến sáng.
 
Nhưng suốt nhiều năm qua, không ai ngăn cản được niềm đam mê chế tạo máy của Hà. Hà cho biết: “Mỗi khi bắt tay vào chế tạo là gần như ban đêm em không thể ngủ được. Nửa đêm đang nằm ngủ, bất chợt nghĩ ra một chi tiết nào đó là em phải thức dậy để làm ngay, kẻo đợi đến sáng mai là sẽ quên”. 
Mai Anh Hà bên chiếc bếp không khói
Mai Anh Hà bên chiếc bếp không khói
Từ lúc mới sinh, Hà đã không có may mắn như những người bạn cùng trang lứa. Hà bị tật nói lắp và rất khó nói. Cũng chính vì điều này, có lúc Hà đã tự ti, rồi sinh ra chán nản. Hà tâm sự, lúc còn học phổ thông vì các bạn đã quen thân, nên không ai nói gì.
 
Nhưng những năm vào học nghề điện (Trường cao đẳng Phương Đông, TP. Đà Nẵng), Hà càng tự ti về bản thân vì không thể nói năng lưu loát, bình thường như người khác. Mỗi lần, Hà nói chuyện, mọi người đều cười. Hà rất khó chịu. Thế rồi, Hà nghĩ, nhiều người khác còn thiếu may mắn hơn mình nhiều. Có người còn nằm một chỗ không thể đi đứng được, mình được như thế này là may mắn lắm rồi. Nhưng phải mất một thời gian khá lâu, Hà mới vượt qua được mặc cảm và chấp nhận khiếm khuyết của bản thân.
 
Chưa hết, năm 2019, trong một chuyến đi chơi, Hà không may bị tai nạn rất nặng. Cột sống bị tổn thương, phải đóng đinh cố định, nằm điều tại chỗ nhiều tháng liền ở Bệnh viện Trung ương Huế. Cũng vì điều đó, bác sỹ khuyên Hà không nên làm những việc nặng nhọc. Giờ đây, trong thân thể của Hà vẫn còn 2 chiếc đinh.
 
Năm 2010, sau 3 năm theo học cao đẳng điện, Hà ra trường về nhà tự học và làm cơ khí tại xưởng cơ khí của bố (xưởng cơ khí Đức Cường), vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Ban đầu, Hà nghĩ mình sẽ không học được. Bởi, riêng việc học tiện ren, nhiều người chỉ học 1 tháng là làm được. Còn Hà phải mất thời gian 1 năm. Thế nhưng cũng từ đó, Hà lại thích và đam mê nghề, đặc biệt là chế tạo. Cứ như vậy, vừa học, vừa làm, Hà vừa tự mày mò chế tạo các loại máy móc. Cho đến bây giờ, Hà không nhớ là đã chế tạo được bao nhiêu loại máy móc.
 

Sống ở miền núi, thấy người dân quê mình phải đi bóc vỏ keo tràm bằng tay rất vất vả, năm 2018, Hà chế tạo ra một chiếc máy bóc vỏ keo, tràm. Chiếc máy này, Hà sử dụng động cơ Đông Phong của xe công nông cũ và dùng xích đập để tách vỏ từ thân keo tràm.

Trung bình một giờ, máy có thể bóc được một nửa tấn vỏ keo tràm, nhanh, tiện và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với bóc thủ công bằng tay. Chiếc máy này sau đó, Hà đã bán cho một người dân ở xã Đồng Hóa với giá 10 triệu đồng. Cũng trong năm này, Hà tiếp tục sáng chế ra sản phẩm máy tách hạt ngô, sử dụng xích đập và động cơ xe máy. Đến nay, Hà đã bán được khá nhiều chiếc.

Hà đang hoàn thiện chiếc máy làm đất do khách hàng đặt
Hà đang hoàn thiện chiếc máy làm đất do khách hàng đặt

Chưa dừng lại, năm 2020, Hà tiếp tục cho ra đời sản phẩm máy hút bùn. Ý tưởng về chiếc máy này là do một người khách thấy được tài năng của Hà nên đã đặt hàng. Điều đặc biệt ở chiếc máy là có thể vừa quét, gom bùn, vừa hút được bùn và được sử dụng động cơ xe gắn máy. Hà cho hay, phải đến lần thứ 2, Hà mới chế tạo thành công.

Chiếc máy thứ nhất Hà phải mất hơn 1 tháng trời vừa nghĩ vừa làm. Lúc khởi động, thấy các bộ phận đều hoạt động, Hà mừng lắm. Nhưng khi đưa ra thử nghiệm thực tế thì phần chổi quét quay quá nhanh làm bùn bắn tung tóe lên hết cả, còn phần hút thì lại yếu, không hút bùn kịp. Suýt chút nữa Hà bỏ cuộc vì chán nản.

Phải mất một thời gian sau đó, Hà mới tìm được nguyên nhân là do vòng tua quay giữa bộ phận quét và hút chênh lệch nhau quá nhiều. Chả nhẽ phải phá bỏ toàn bộ và làm lại từ đầu? Hà tự hỏi. Sau gần 1 tháng tính toán và thử tốc độ vòng tua quay giữa 2 bộ phận theo các tỷ lệ khác nhau, Hà mới tìm được phương án để giải quyết vấn đề trên. Để trung hòa vòng tua (tỷ lệ 3:1), Hà nối thêm trục trung gian giữa 2 bộ phận. Và rồi, cuối cùng chiếc máy đã hoạt động đúng như Hà mong đợi.
 
Điều đáng nói, tất cả các loại máy móc Hà chế tạo đều là đồ tận dụng lại của những máy móc đã hỏng. Hôm chúng tôi đến, Mai Anh Hà còn lấm lem dầu mỡ lắp ráp 2 sản phẩm vừa mới chế tạo. Đó là 1 chiếc bếp không khói và 1 chiếc máy làm đất. Chiếc máy làm đất do một khách hàng ở xã Kim Hóa đặt. Ban đầu người khách này muốn Hà chế tạo một thiết bị gắn bánh xe đạp, đẩy bằng tay để làm đất trồng ngô, lạc. Nhưng sau đó, Hà bảo sẽ làm một chiếc máy làm đất, gắn động cơ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hà đã chế tạo thành công và đưa ra chạy thử nghiệm.
 
Còn chiếc bếp không khói là do một người bạn đặt hàng, vì thấy mẹ nấu bếp củi, nhiều khói rất độc hại. Chiếc bếp của Hà chế tạo có buồng thu khói và dẫn được khói ra ngoài thông qua một chiếc quạt gió, nên lúc sử dụng sẽ không có khói. Hà chia sẻ: “Tất cả các loại máy móc đó, em làm chỉ vì đam mê, chứ không phải điều gì khác. Bởi, nếu không có đam mê, chắc chắn em không đủ kiên trì để làm”. Hà nói vậy, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu không có niềm đam mê ấy, Hà sẽ không có những sản phẩm của sự sáng tạo nói trên.
 

Anh Võ Văn Tình (SN 1981) ở thôn Hạ Lào, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa), một khách hàng thường xuyên đến sửa chữa máy móc ở xưởng cơ khí của Mai Anh Hà cho biết: “Mặc dù Hà là chàng trai bị khuyết tật, nhưng rất thông minh và sáng tạo. Đầu năm 2020, thấy Hà làm được máy bóc hạt ngô, tôi đã đặt Hà làm 1 chiếc, đến nay vẫn còn sử dụng rất tốt.

Chiếc máy này đã giúp cho gia đình tôi tiết kiệm công sức rất nhiều. Bởi nếu bóc thủ công (bỏ ngô vào bì và đập-PV) một người phải mất 2 ngày mới tách được 1 tấn ngô. Từ khi có máy tách hạt ngô của Hà, để tách 1 tấn ngô chỉ mất gần 1 giờ đồng hồ”. 

Dương Công Hợp

 

 
 
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Chuyện thường ngày:

(QBĐT) - Đừng cả nể!

Trao quà cho bà con Vân Kiều xã Trường Sơn

(QBĐT) - Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh vừa phối hợp với các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến thăm, tặng quà cho bà con Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
 

 

Cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp trong năm 2021 vì COVID-19

Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với thị trường lao động, cả nước có tới hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, số lao động có việc làm cũng giảm 1 triệu người so với năm 2020.