Một gia đình giàu truyền thống cách mạng
(QBĐT) - Tại xã Hải Trạch (Bố Trạch) có một gia đình cả 7 người con đều trực tiếp tham gia kháng chiến. Trong đó, có người đang nằm lại đâu đó ở chiến trường, có người một thời sinh tử trên những con tàu không số… Trong chiến đấu, họ chấp nhận hy sinh vì ngày toàn thắng. Và hôm nay, những người con ấy tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống cách mạng của gia đình vững vàng trên mặt trận chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, vì sự giàu đẹp của quê hương
Gia đình cụ Hoàng Ngọc Đương và cụ bà Hoàng Thị Lam (đều đã qua đời), ở thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, có 7 người con (6 trai, 1 gái) đều tham gia Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, trong đó có 5 người là đảng viên.
Anh cả Hoàng Duy Ban, nhập ngũ vào lực lượng công an tháng 5-1953, nay nghỉ hưu. Chị là Hoàng Thị Thẻn, dân quân xã giai đoạn 1965-1975, nay là thương binh 4/4. Anh thứ ba Hoàng Hữu Thăng, nhập ngũ, tham gia vào đoàn tàu không số-Quân chủng Hải quân tháng 4-1964, hiện là thương binh, nghỉ hưu.
Anh thứ tư Hoàng Trung Nhật, bộ đội đặc công rừng Sác, hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ đặt mìn đánh tàu địch. Anh thứ năm Hoàng Duy Thật, nhập ngũ vào lực lượng công an tháng 3-1972, hiện nghỉ hưu. Anh thứ sáu Hoàng Duy Lập, đại tá, nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, hiện nghỉ hưu tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Anh thứ bảy Hoàng Minh Thạnh, là con út của gia đình, hơn 11 năm công tác tại D234 Cục Hậu cần Quân khu 5, nghỉ chế độ từ năm 1990 đến nay.
Như vậy, trong 7 người con của hai cụ, có hai chiến sỹ công an, hai chiến sỹ hải quân, một chiến sỹ đặc công, một dân quân tự vệ và một bộ đội hậu cần. Những cựu binh một thời xông pha ấy, hầu hết tuổi cao sức yếu, song mỗi người đều giữ vững phẩm chất của người chiến sỹ. Tại địa phương, họ luôn đi đầu trong chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu gương sáng động viên con cháu biết thực hiện đúng đường lối của Đảng, trong sinh hoạt cũng như trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, họ còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, sẵn sàng phản bác những quan điểm sai trái, lối sống hưởng thụ, ngại cống hiến…
Nhờ có được giáo dục tốt, con em của họ đều noi gương cha mẹ, chú bác. Nhiều người đã trở thành người lính hoặc theo học các trường đại học trong quân đội, tiếp bước sự nghiệp của ông cha.
Một số người đã phấn đấu trở thành đảng viên, có người là công chức trong cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Đặc biệt, còn có cả những chủ tàu đánh bắt xa bờ, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Hoàng Hữu Thăng (gần 80 tuổi), thủy thủ đoàn tàu không số năm xưa tâm sự: “Được may mắn trở về đoàn tụ cùng gia đình, anh em chúng tôi vẫn còn canh cánh trách nhiệm với người thân… Hơn 50 năm qua, việc tìm kiếm phần mộ liệt sỹ Hoàng Trung Nhật luôn là mong mỏi khắc khoải nhất của các cụ. Giờ đây các bậc sinh thành đã về với tổ tiên, các anh chị lần lượt sức mòn gối mỏi, trong khi lượng thông tin liên quan chưa đủ để xác định vị trí cụ thể của phần mộ, đây chính là lý do khiến chúng tôi trăn trở cho đến ngày hôm nay."
Liệt sỹ Hoàng Trung Nhật (SN 1943), nhập ngũ tháng 4-1963, là đặc công nước thuộc C2, D8, E10 chiến khu rừng Sác, miền Đông Nam bộ. Giấy báo tử số 16C/QB của Cục Cán bộ-Tổng cục Chính trị, ngày 1-5-1973 ghi: “Đồng chí Hoàng Trung Nhựt (miền Nam phiên âm "â" thành "ư"). Chức vụ Đại đội phó. Đơn vị thuộc NB.
Nguyên quán xã Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Sinh năm 1943. Nhập ngũ tháng 4-1963. Ngày vào Đảng tháng 1-1967, chính thức tháng 10-1967... Đã hy sinh ngày 3-11-1970, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Được xác nhận là liệt sỹ. Thi hài đã mai táng tại khu vực riêng của đơn vị, gần mặt trận”.
Theo đại tá Hoàng Duy Lập, em trai của liệt sỹ, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình đã tìm gặp nhiều nhân chứng, trong đó có trung tá, cựu đặc công rừng Sác, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Xuân Bảng ở xã Quảng Hưng (Quảng Trạch), là chỉ huy tổ đánh tàu Mỹ năm ấy để tìm hiểu thêm thông tin phần mộ liệt sỹ Hoàng Trung Nhật. Khi chứng kiến danh sách liệt sỹ đặc công rừng Sác, hồ sơ Phòng Chính sách Quân khu 7, hồ sơ Bộ chỉ huy Quân sự TP. Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai… đều không có tên liệt sỹ Nhật, thì gia đình không yên tâm.
Băn khoăn của họ hoàn toàn đúng với lương tâm, đạo lý của con người Việt Nam. Bài viết như một nén tâm nhang, mong việc tìm kiếm mộ chí liệt sỹ Hoàng Trung Nhật sớm có kết quả, để ông được về yên nghỉ giữa lòng đất mẹ, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, động viên những con người can trường của xã biển Hải Trạch, phát huy truyền thống gia đình và quê hương, tiếp tục đóng góp vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Tiến Nên