Chuyện trong mùa lũ
(QBĐT) - Sinh sống ở vùng đất thường xuyên xảy ra mưa, bão lớn nên người dân miền Trung nói riêng và Quảng Bình nói chung đã có những sáng tạo để ứng phó với thiên tai. Sau nhiều trận lũ lớn, bà con rút ra được bài học và nhiều cách để chung sống với lũ đơn giản, hiệu quả.
Lan tỏa “nhà phao”
Hơn chục năm nay, vùng rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa) đã không còn lo sợ khi mùa mưa lũ đến và đỉnh lũ ngập mái nhà đến vài mét nước. Bởi từ lâu, người dân vùng rốn lũ này đã tự làm hoặc được hỗ trợ hàng trăm nhà phao bè. Đó là những ngôi nhà rộng từ 15-30m tùy theo từng hộ dân. Nhà được thiết kế chắc chắn nằm trên hệ thống phao (là những thùng phuy nhựa). Khi lũ dâng đến đâu thì nhà phao nổi lên đến đó. Tài sản, lương thực, vật nuôi được bà con đưa lên đó và an toàn trong những ngày mưa lũ.
Vùng lũ xã Tân Ninh (Quảng Ninh) nhiều gia đình đã áp dụng kiểu nhà phao để chế những bè nổi làm nơi chất đồ đạc, tài sản. Nước dâng, bè phao nổi. Vậy là yên tâm.
Nhà ông Lê Văn Thế (xã Tân Ninh) có mái tôn chắc chắn. Trước lũ, ông kêu người phụ giúp, dùng dây “treo” hẳn mấy cái xe máy lên cao chạm mái tôn. Lũ năm ngoái, xe bị ngâm nước, tốn gần triệu bạc mới nổ máy được. Trong lũ năm nay, ông Tân xoa tay: “Giờ thì khỏi lo. Nước lũ vừa rút là hạ xe xuống để có phương tiện đi lại ngay và khỏi mất tiền bảo dưỡng”.
Thấy nhà ông cậu có nuôi mấy con lợn nái, cứ đến mùa mưa lũ là lo cuống cuồng sơ tán lợn lên chỗ cao cho khỏi ngập, anh Nguyễn Long (Hàm Ninh, Quảng Ninh) hiến kế bảo cậu sửa lại chuồng lợn, đào thấp xuống, dưới đó kê 4 cái thùng phi nhựa rồi gác đá, lát sàn. Bình thường lợn ở yên, khi lũ dâng, phao cũng dâng lên, lợn ở yên trong chuồng. Anh Long hồ hởi: “Từ nay, lũ có ngập mái nhà thì mấy con lợn nái của cậu vẫn cứ không bị ảnh hưởng gì. Lũ rút, chuồng từ từ hạ xuống trở lại bình thường thôi”.
Chúng tôi về xã Duy Ninh (Quảng Ninh) ghé thăm nhà ông Nguyễn Mậu Sơn để xem chiếc thuyền trị giá 2 triệu đồng lại rất hiệu quả của ông. Ông Sơn bảo, thấy lũ năm ngoái khủng khiếp quá, nhà ai cũng kêu cứu vì không có phương tiện. Sau mấy đêm suy tính, ông Sơn nhớ chuyện phao bè nên đi mua hơn chục ống nhựa loại tốt có “phi” 90. Ống nhựa dài 4m, ông cắt nối thành 6m rồi ghép thành con thuyền. Phía sau đuôi thuyền được nối vắt ngược lên để khi cần là rắp máy đẩy vào cho thuận tiện.
Những ống nhựa được kết nối bằng hệ thống kẹp thép chắc chắn. Hai bên có kẹp chặt hai ống nước lớn làm ống giảm lắc cho con thuyền khỏi tròng trành. Khi sử dụng, trong lòng thuyền có thể lát tôn, ván hoặc tấm bạt dày là được, nước không vào lòng thuyền. Ưu điểm của con thuyền ống nhựa này là rất khó chìm và nếu nước vào đầy thì nó vẫn lập lờ nổi chứ không chìm nghỉm như thuyền tôn (sắt).
Mấy hôm bão số 8 vừa rồi, ông Sơn hạ thủy con thuyền xuống để phục vụ bà con. Ông Sơn so sánh, nếu một thuyền tôn sức chở chỉ 2-3 người là 6-7 triệu đồng. “Trong khi đó, chi phí của thuyền ống nước chỉ hết 2 triệu đồng có sức chở đến 8 người lớn. Ngoài hệ số an toàn cao hơn hẳn thì thuyền ống nhựa đưa vào sử dụng làm đồng, thu hoạch lúa, vận chuyển hàng nặng cũng rất thuận tiện. Nếu ai cần thì tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật làm thuyền”, ông Sơn nói.
Sống chung với lũ
Sau cơn lũ lịch sử năm ngoái, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đầu tư xây dựng cho các vùng dân cư nhà cộng đồng tránh bão lũ, nhà tránh lũ gia đình nên bà con đã có được nơi tránh trú an toàn. Khi lũ lớn đến, bà con không phải di dời xa.
Nhà bà Nguyễn Thị Lê (xã Tân Ninh) có 4 mẹ con và khá khó khăn. Năm ngoái, trong lũ lớn phải kêu cứu lực lượng trong đêm băng lũ để đưa 3 mẹ con lên trụ sở UBND xã. Năm nay, nhờ căn nhà tránh lũ nên cả nhà và mấy nhà hàng xóm dọn đến. Bà bộc bạch: "Trong thôn có thêm nhà cộng đồng và mấy nhà tránh lũ mới nên bà con đỡ khổ rồi. Mọi người không phải kêu cứu và không di chuyển xa vất vả”.
Nhiều gia đình được hỗ trợ hoặc dành dụm thu nhập để mua sắm thuyền sử dụng khi lũ đến. Những vùng thấp lũ, ở khu dân cư cũng đã có 5, 7 con thuyền. Anh Nguyễn Văn Thành (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy) hồ hởi: "Nếu mỗi xóm có hơn chục cái thuyền thì yên tâm lắm. Mọi gia đình có thể hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Khi nước dâng thì chỉ cần một lúc là di chuyển được người, tài sản nhẹ đến nơi an toàn. Riêng thóc lúa, xe cộ thì đã được kê cao trước đó rồi”.
Vùng lũ An Ninh (Quảng Ninh) cũng đã có cảnh sinh hoạt khác. Thay vì phải dọn hàng như trước thì bà con vẫn chủ động mua bán lương thực, thực phẩm, đồ sinh hoạt… như bình thường. Trong gian hàng đã được bày trên sạp gỗ, tre được kê lên vật liệu xốp nổi. Trên đó là rau, dưa, đồ gia vị, đồ khô… đủ thứ. Bà con ai cần thì cứ chèo thuyền đến là cảnh mua bán diễn ra.
Bà Phan Thị Hải, chủ sạp bán tạp hóa cười tươi: “Bữa nay, bà con biết cách rồi. Bão thì mới thu xếp dọn chứ lũ cao đến mấy cũng mua bán được. Rau xanh, thịt, cá, gạo, mắm… được lấy từ chỗ không bị ngập về. Bà con có nhu cầu cứ bơi thuyền theo đường thôn đến là có đủ hết. Lũ lớn cũng không phải lo lắng nhiều như trước”.
Nhớ trận lũ năm ngoái, cả huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh… bị ngập sâu. Sau lũ, nhiều xe ô tô du lịch phải kéo đi bảo dưỡng. Nhà ít thì vài chục triệu, nhà nhiều thì lên cả trăm triệu. Rất xót. Năm nay, ngoài việc chế sàn phao cho ô tô lên thì nhiều người mua tấm bạt lớn trải rộng sau đó chạy ô tô lên giữa rồi cuốn chặt cả bốn góc, dùng dây cao su buộc túm chặt tấm bạt lên nóc ô tô.
Khi ngập thì nước không thể làm ngập ô tô được. Sau khi lũ rút, tháo bỏ bạt là ô tô khô ráo. Anh Lê Thế Vũ (xã Mai Thủy, Lệ Thủy) hào hứng: “Năm ngoái, tôi mất 40 triệu đồng tiền sửa ô tô. Năm nay, tôi mua bạt về làm. Mấy hôm lũ ngập vừa rồi, do buộc chưa cẩn thận nên nước có vào nhưng chỉ ngập chưa đến nửa bánh ô tô thôi. An toàn và tiện lắm. Không phải lo ngay ngáy cảnh chạy mấy cây số lên vùng cao gửi nhờ xe nữa”.
Ở vùng trũng Lệ Thủy, bà con đã dùng phương pháp “đóng nắp giếng” để có nước sạch dùng khi lũ chưa rút. Nhà ông Đặng Văn Lý (xã Phong Thủy, Lệ Thủy) có cái giếng sâu, nước ngọt. Khi lũ chưa dâng, ông Lý lấy tấm nilon phủ kín miệng giếng rồi dùng dây cao su buộc chặt lại.
Khi lũ vừa rút thấp hơn miệng giếng nước là ông lội ra tháo tấm nilon. Nước trong giếng vẫn trong mát, nhiều nhà trong thôn không có giếng cứ lội đến lấy về dùng thoải mái. Ông Lý bảo: "Trước đây, không làm vậy, khi lũ rút phải khau giếng rồi vệ sinh bằng thuốc Cloruamin B mới dùng được. Nay thì khỏe rồi. Với cách này không còn nỗi lo thiếu nước sạch”.
Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho rằng, chỉ sau trận lũ lớn năm ngoái thì bà con rút ra được nhiều bài học và nhiều cách để chung sống với lũ đơn giản và hiệu quả. Người dân đã chủ động hơn, bình tĩnh hơn trong cách ứng phó với mưa lũ. Cứ qua mỗi trận lũ, thì bà con miền Trung càng nhiều kinh nghiệm để sống chung với lũ lụt theo phương châm "4 tại chỗ”.
Hạnh Châu