Người phụ nữ tâm huyết với công tác dân số
(QBĐT) - 30 năm - đó là khoảng thời gian mà bà Trần Thị Hải Mận (83 tuổi) ở thôn Lê Lợi (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã dành trọn tâm huyết cho công việc cộng tác viên dân số. Nhờ sự kiên trì, năng nổ của bà Mận mà công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Dáng người gầy cao, cách nói chuyện lưu loát, rành mạch cùng cử chỉ ân cần, niềm nở là điều mà chúng tôi ấn tượng nhất khi tiếp xúc, trò chuyện với bà Trần Thị Hải Mận. Chồng mất sớm, một mình bà Mận phải tần tảo nuôi con, chăm lo cho các con được ăn học đến nơi đến chốn.
Theo lời kể của bà Mận thì sau những năm tháng cống hiến cho ngành Giáo dục, năm 1990, bà về hưu và năm 1991, bà bắt đầu làm cộng tác viên dân số cho đến tận bây giờ. Khi mới tiếp cận với công tác dân số, bà Mận cũng gặp nhiều khó khăn, như: Một số gia đình còn tư tưởng đông con hơn đông của, trọng nam kinh nữ, phải có con trai nối dõi tông đường, sinh nhiều con để đề phòng rủi ro trong tai nạn, bệnh tật... Không nản lòng trước những khó khăn, bà Mận vẫn luôn hết lòng hết sức vì công việc và là “cầu nối” đưa các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ vào đời sống nhân dân.
Cùng với chiếc xe đạp cũ, bà Mận in dấu từng con đường, từng ngõ xóm dẫn vào mỗi gia đình trong thôn. Những biến động dân số của thôn 30 năm qua được bà theo dõi sát sao, ghi chép đầy đủ, cẩn thận trong cuốn sổ cá nhân đã nhuốm màu thời gian. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà đã không quản ngày đêm, mưa nắng tích cực đi tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân số tới từng hộ dân, vận động mỗi gia đình dừng lại ở 2 con để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con tốt và tập trung phát triển kinh tế.
Bằng cách giám sát địa bàn, tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, bà đã khéo léo trò chuyện, tâm sự, phân tích để mọi người được chính sách DS-KHHGĐ. Mỗi đối tượng, mỗi gia đình, bà có từng cách vận động, giải thích phù hợp để đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, bà còn kết hợp chặt chẽ với Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên và thường xuyên báo cáo những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong công việc với Ban công tác Mặt trận thôn Lê Lợi để tạo ra sức mạnh tập thể, cùng nhau tháo gỡ, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện. Không chỉ tranh thủ tuyên truyền về DS-KHHGĐ ngay trong các cuộc họp, hội nghị, các dịp sinh hoạt câu lạc bộ, văn hóa-văn nghệ của thôn, bà Mận còn “gặp đâu tuyên truyền đấy” để trang bị thêm kiến thức cho người dân.
Trong tuyên truyền, vận động, bà thường chú ý, quan tâm hơn đến những cặp vợ chồng sinh con một bề, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình khá giả có nguy cơ sinh con thứ 3 để tư vấn những biện pháp tránh thai hiện đại, động viên họ thực hiện KHHGĐ. Có những trường hợp bà phải kiên trì, nhẫn nại gặp gỡ, trao đổi nhiều lần mới thuyết phục được.
Chị Lê Thị Giáo (sinh năm 1980) ở thôn Lê Lợi chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 2 đứa con gái. Trước đây, vợ chồng tôi cũng muốn sinh thêm con để cho “có nếp có tẻ”. Nhưng được sự khuyên bảo tận tình của bà Mận nên vợ chồng tôi đã quyết định không sinh thêm nữa. Cũng nhờ sinh ít con mà gia đình tôi đã thoát nghèo được 3 năm và lo cho con gái đầu học đại học."
Chia sẻ kinh nghiệm được tích lũy trong thời gian dài làm công tác DS-KHHGĐ, bà Mận cho biết thêm: "Công việc của một công tác viên dân số tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề dễ dàng, bởi việc tiếp cận người dân để họ tin tưởng và làm theo thì không phải là ngày một ngày hai mà cả một quá trình nên đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó, nỗ lực. Tôi thường nói với mọi người là “Trai mà chi, gái mà chi. Có hiếu có đạo thế thì tốt thôi. Hai con là đủ lắm rồi. Cho con ăn học nên người là hơn”.
Với những đóng góp, nỗ lực của mình, bà Mận đã được tặng kỷ niệm chương, giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, chế độ đãi ngộ thấp (100 nghìn đồng phụ cấp mỗi tháng) song với lòng tận tâm và trách nhiệm, bà Trần Thị Hải Mận vẫn luôn lặng thầm cống hiến, góp sức mình làm việc có ích cho cộng đồng, xã hội.
Nhận xét về bà Mận, ông Đỗ Ngọc Hưng, Phó phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết: Trong những năm qua, nhận thức của người dân về các chính sách DS-KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Để đạt được kết quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của hơn 200 cộng tác viên dân số trên địa bàn, trong đó có bà Trần Thị Hải Mận. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà Mận vẫn rất nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Bằng lòng nhiệt huyết của mình, bà Mận đã góp phần giúp người dân thôn Lê Lợi thực hiện tốt các chính sách dân số ở địa phương. |
Cát Tường
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.