"Quê hương nghĩa nặng tình sâu"

  • 10:07 | Thứ Ba, 05/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở lại trạng thái “bình thường mới”, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con, Quảng Bình đã chủ động triển khai kế hoạch đón người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 về quê. Thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ và chia sẻ với các tỉnh, thành phố phía Nam, tỉnh cũng nắm tình hình, động viên người trong độ tuổi lao động tiếp tục ở lại, đồng hành cùng các tỉnh, thành phố khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh.

Vòng tay yêu thương

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ như in về hai “chuyến bay lịch sử” đón gần 400 công dân Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi, tất cả mọi thủ tục để đón gần 400 công dân là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em… bằng máy bay được hoàn tất trong bối cảnh các hoạt động vận tải gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ được đón về trong
Các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ được đón về trong "chuyến bay lịch sử"

Về quê, mọi người được đón tiếp chu đáo, kiểm tra sức khỏe, cách ly tại khách sạn 4 sao với chế độ chăm sóc đặc biệt. Sau 14 ngày cách ly, mọi người chia tay trong sự lưu luyến. Các bà mẹ đã viết những dòng thư cảm động để cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của tỉnh nhà.

Chỉ ba ngày sau khi “chuyến bay lịch sử” hạ cánh an toàn, ngày 25-8, Quảng Bình đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn. Đến thời điểm này, con số bệnh nhân đã gần 1.800 ca. Một tháng qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh căng mình chống dịch. Với cách tiếp cận chủ động, linh hoạt, dự báo chính xác tình hình, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình được sử dụng làm KCLTT
Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình được sử dụng làm KCLTT

Huy động tổng lực chống dịch và tích cực triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, Quảng Bình vẫn luôn quan tâm chăm lo cho đời sống của bà con các tỉnh, thành phía Nam. Sau khi các tỉnh, thành nới lỏng giãn cách, nhiều bà con có nhu cầu về quê. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân trên hành trình trở về, ngày 1-10, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương đón bà con thuộc các trường hợp: phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, học sinh, người già thăm thân về quê. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các địa phương tổ chức cho bà con đăng ký, lập danh sách để đón bà con về quê bằng tàu hỏa trước ngày 10-10.

Cùng với việc đón bà con về quê, đối với đồng bào ở các tỉnh, thành phố phía Nam gặp khó khăn do dịch bệnh, tỉnh cũng đã hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, đây là nỗ lực lớn của tỉnh để động viên, chia sẻ cùng bà con vững lòng vượt qua dịch bệnh.

Nỗ lực vì đồng bào ruột thịt

“Ngay khi tỉnh ban hành kế hoạch, chúng tôi đã phối hợp, chỉ đạo các phòng ban, địa phương triển khai trong cả hai ngày cuối tuần để bà con đăng ký. 16 giờ chiều 4-10, chúng tôi nhận thông tin từ các huyện và phân loại, rà soát để trình UBND tỉnh xét duyệt. Sở đã huy động lực lượng làm việc cả ngày nghỉ và buổi tối để xây dựng kế hoạch đón bà con cụ thể, chu đáo nhất!”, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Cán bộ, nhân viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc cả ngày nghỉ để cập nhật thông tin bà con đăng ký về quê.
Cán bộ, nhân viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc cả ngày nghỉ để cập nhật thông tin bà con đăng ký về quê.

Theo kế hoạch, bà con sẽ được đón tại các ga Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và xuống tàu tại các ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Minh Lệ, Đồng Lê. Tỉnh thanh toán toàn bộ chi phí vận chuyển. Tổ công tác đặc biệt của tỉnh sẽ liên hệ, phối hợp với các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục và mọi điều kiện cho hành trình về quê.

Bố Trạch là địa phương có số lượng lớn người đăng ký về quê đợt này. Để bảo đảm an toàn cho bà con và công tác phòng, chống dịch, huyện đã chủ động các kế hoạch đón tiếp. Đồng chí Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chiều 4-10, huyện đã họp trực tuyến với các địa phương để chuẩn bị đón công dân. Ngoài hai khu cách ly tập trung (KCLTT) với quy mô 300 người, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng kích hoạt các KCLTT tại địa phương với phương châm “4 tại chỗ”.

Những dòng người về quê qua chốt kiểm soát Covid-19 xã Sen Thủy.
Những dòng người về quê qua chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 xã Sen Thủy.

“Ngoài việc đón tiếp bà con về trong đợt này, dự đoán thời gian tới, lượng người dân về quê sẽ còn nhiều, chúng tôi yêu cầu mỗi địa phương phải có KCLTT quy mô tối thiểu 100 người. Vì các trường học sắp mở cửa trở lại nên sẽ sử dụng nhà văn hóa thôn, hội trường, nhà nghỉ, khách sạn…

Các KCLTT cũng phải bảo đảm an toàn trước thiên tai. Chúng tôi cũng nắm thông tin lao động địa phương tại các tỉnh, thành phố phía Nam để gia đình, chính quyền phối hợp động viên, tuyên truyền bà con ở lại, đồng hành cùng các tỉnh, thành phố khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.”, đồng chí Nguyễn Hữu Hồng cho biết thêm.

Huyện Bố Trạch chuẩn bị sẵn sàng các KCLTT để đón công dân.
Huyện Bố Trạch chuẩn bị sẵn sàng các KCLTT để đón công dân.

Cùng với Bố Trạch, các địa phương khác trong tỉnh cũng cập nhật tình hình con em, chia sẻ với những khó khăn của lao động xa quê và động viên mọi người ở lại các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục làm việc. Một mặt vẫn sẵn sàng kế hoạch cách ly để bảo đảm an toàn phòng chống dịch và đón con em chu đáo trước “làn sóng” về quê sau ngày 1-10.

"Đất lạ hóa quê hương"

Khi nghe tin tỉnh đón một số trường hợp người Quảng Bình về quê, gia đình anh chị Nguyễn Văn Định - Phạm Thị Liên (xã Thái Thủy, Lệ Thủy) vừa mừng vừa hồi hộp.

“Bà con tại các tỉnh, thành phía Nam là bộ phận máu thịt của quê hương. Đón công dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 về quê là trách nhiệm, sự sẻ chia kịp thời của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn những bà con có sức khỏe, có điều kiện sẽ tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để lao động, sản xuất. Tổ chức đảng, địa phương, đơn vị, đặc biệt là mỗi gia đình có con em đang sinh sống, lao động tại các tỉnh thành động viên người thân yên tâm, đồng thuận với chủ trương của Chính phủ, tin tưởng vào giải pháp của chính quyền sở tại để chung tay chống dịch và khôi phục sản xuất hiệu quả”, đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Hai vợ chồng anh chị là công nhân khu chế xuất Linh Trung 1 hiện sống trong phòng trọ với 3 đứa con, lần lượt 10 tuổi, 4 tuổi và 10 tháng. Trước khi dịch bệnh xảy ra, các con đi học và đi nhà trẻ, hai vợ chồng cùng đi làm. Sau 4 tháng giãn cách, đến nay, họ đã có thể trở lại nhà máy làm việc. Thế nhưng hiện tại, các trường học chưa mở cửa, anh chị dự định sẽ gửi các con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

“Chúng tôi muốn cả 3 con đều được về quê nhưng theo quy định thì chỉ cháu út là đủ điều kiện về cùng vợ tôi. Nếu hai cháu lớn ở lại thì ba cha con vẫn có thể thu xếp. Nhưng dịch bệnh chưa kiểm soát hoàn toàn, nếu nhà máy xuất hiện ca dương tính và áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, tôi sẽ không thể chăm sóc các con. Đây là bài toán mà vợ chồng tôi đang đau đầu!”, anh Định chia sẻ.

Băn khoăn là thế nhưng với TP. Hồ Chí Minh, nơi họ đã gần 15 năm gắn bó, trải qua 4 tháng đầy khó khăn, họ vẫn quyết tâm ở lại. “Về quê bây giờ có mẹ cha, có thể nương tựa vào nhau. Nhưng chúng tôi đã được tiêm hai mũi vắc xin, nên nếu được thì sau khi đưa các con về, tôi sẽ trở lại thành phố để làm việc, tôi cũng tin tình hình sẽ ngày càng tốt hơn!”, chị Liên tâm sự.

Gia đình anh chị Nguyễn Văn Định - Phạm Thị Liên
Gia đình anh chị Nguyễn Văn Định - Phạm Thị Liên

Lựa chọn của gia đình anh chị Định-Liên cũng là lựa chọn của nhiều người dân nói chung, người Quảng Bình nói riêng. Bởi sau nhiều năm mưu sinh, gắn bó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đối với họ đã “đất lạ hóa quê hương”. Sự lựa chọn của họ là động lực quan trọng để các địa phương phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, tiếp tục phát triển trong trạng thái “bình thường mới”.

“Các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 135.000 lao động, chiếm tỷ lệ 46% so giai đoạn trước 1-10. Các doanh nghiệp đang rà soát để tuyển dụng, bổ sung nguồn lao động”, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch chiều 4-10.

Ngọc Mai

tin liên quan

Tập huấn kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

(QBĐT) - Ngày 30-9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức tập huấn trực tuyến kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và kỹ năng theo dõi, giám sát thông tin xấu, độc trên không gian mạng cho lãnh đạo, người phát ngôn của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.

Rác thải "đe dọa'' kênh mương thủy lợi

(QBĐT) - Hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nhiều tuyến kênh mương đang phải "cõng" một lượng rác khổng lồ, không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thủy nông điều tiết nước sản xuất, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương.

Những tấm lòng nhân ái giữa đại dịch

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã có nghĩa cử cao đẹp góp phần san sẻ, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, tạo nên tinh thần đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.