Góp sức vì cộng đồng
(QBĐT) - Những hành động thiết thực, ý nghĩa của các nhóm thiện nguyện, cá nhân vì cộng đồng, người nghèo trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Và, hy vọng rằng, sự tử tế, tình yêu thương xuất phát từ tâm lan tỏa trong cộng đồng...
Hướng về cộng đồng trong đại dịch
Thời gian gần đây, mỗi ngày, anh Đỗ Đức Thuần (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy), thành viên của nhóm thiện nguyện Lệ Thủy (TNLT) đều phải có mặt từ rất sớm để phụ giúp các thành viên trong nhóm nấu cơm hỗ trợ cho các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện. Dù vất vả nhưng anh Thuần cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình với cộng đồng.
“Ban đầu, kinh phí những chuyến thiện nguyện của chúng tôi thực hiện chủ yếu là do anh em trong nhóm tự đóng góp, vận động. Dần dần, nhóm nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, gửi gắm của nhiều nhà hảo tâm để kịp thời giúp đỡ những mảnh đời khó khăn…”, anh Thuần cho biết.
Anh Đỗ Bá Thắng, Trưởng nhóm TNLT cho biết: Nhóm được thành lập đúng thời điểm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam bị phong tỏa bởi dịch Covid-19. Do vậy, nhóm đã kêu gọi, huy động và tập hợp được hơn 60 tấn hàng hóa gồm: Gạo, miến, mì ăn liền, rau củ quả… hỗ trợ đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 ở xã Ngư Thủy Bắc vừa qua, nhóm đã tổ chức nấu 1.216 suất ăn miễn phí, tặng 315 suất quà, tổ chức đi chợ cho bà con trong khu cách ly, cán bộ các điểm chốt và cho người dân.
Ngoài ra, nhóm còn nấu khoảng 1.000 suất cơm cho bà con và các lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Lệ Thủy; kêu gọi hỗ trợ, kết nối cho những trường hợp yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, như: Gia đình anh Trần Văn Chính (xã Sơn Thủy); gia đình em Phạm Thị Mai (xã Mỹ Thủy)... và tặng nhiều suất quà cho những gia đình neo đơn, không nơi nương tựa…
Theo ông Trần Quang Cả, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Ngư Thủy Bắc: “Những món quà của nhóm TNLT rất có ý nghĩa, góp phần bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian địa phương thực hiện Chỉ thị số 16. Xin cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của nhóm vì người dân, vì cộng đồng…”
“Cầu nối” của những mảnh đời
Chuyện của nhóm TNLT hướng về cộng đồng trong đại dịch Covid-19 đang lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người quan tâm. Ngoài câu chuyện này, một số cá nhân ở Lệ Thủy còn là “cầu nối” giữa những mảnh đời cùng cực với các tấm lòng thảo thơm.
20 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, bục giảng, thầy giáo Ngô Mậu Tình (SN 1979, xã An Thủy, Lệ Thủy) đã có 10 năm làm thiện nguyện. Cuộc sống đã trải qua nhiều nỗi vất vả, gian truân nên thầy luôn tâm niệm phải làm thật tốt công việc của mình và làm thiện nguyện như là “món nợ tình thương cần phải trả”.
Ông Nguyễn Quang Sắt (thị trấn Kiến Giang), thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại địa phương. Ngôi nhà cũ nát, xuống cấp là nơi sinh sống của ông, người con gái và cháu gái bị khuyết tật bẩm sinh. Ba mảnh đời cùng cực bám víu vào nhau. Cuộc sống hàng ngày của họ dựa vào nguồn trợ cấp ít ỏi.
Trong trận lũ lụt lịch sử năm 2020, ngôi nhà của ông Sắt bị nước lũ nhấn chìm, cả gia đình phải đi sơ tán. Biết được gia cảnh của ông Sắt, thầy Tình đã kết nối được với Quỹ “Hành trình xanh” và từ đó các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình ông Sắt hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà mới.
“Được xây dựng nhà ở mới, tránh được lũ lụt hàng năm, đó là giấc mơ chưa bao giờ chạm tới của tôi. Gia đình tôi rất biết ơn và trân trọng sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm thông qua “cầu nối” của thầy Tình…”, ông Sắt tâm sự.
Cũng như gia đình ông Sắt, hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Vang và ông Ngô Mậu Mão (thôn Mỹ Lộc Hạ, xã An Thủy) cũng thuộc diện cực kỳ khó khăn ở địa phương. Biết vậy, thầy giáo Ngô Mậu Tình đã đứng ra kết nối, kêu gọi được hơn 10 triệu đồng để phụ giúp gia đình.
“Hai vợ chồng tôi đều bị ung thư, thu nhập chỉ trông chờ vào hơn 1 mẫu lúa nước. Gần đây, bệnh tình hai vợ chồng trở nặng, chi phí điều trị lại cao, với mong muốn có ít kinh phí để "còn nước, còn tát", thầy Tình đã đứng ra kêu gọi và gia đình đã nhận được sự quan tâm về vật chất và tinh thần từ cộng đồng, nhà hảo tâm…”, bà Vang bộc bạch.
Được biết, nhiều năm qua, bằng uy tín và sự nhiệt tâm của mình, thầy Tình đã kết nối được các nhà hảo tâm từ Bắc vô Nam để xây dựng nhà cửa, tặng lợn giống, hạt giống và vốn làm ăn cho bà con nghèo. Trong cơn "đại hồng thủy" năm 2020, thầy đã thành lập đội xung kích “Tia chớp” chở bà con đi tránh lũ, vượt sóng mang lương thực, nước uống cho các vùng bị chia cắt, ngập lụt.
“Cuộc sống có những điều tựa như ly cà phê đen đã cho đường, nếu chưa khuấy thì đắng, khuấy lên sẽ ngọt và những hoạt động từ thiện sẽ giúp cho cuộc sống ý nghĩa hơn. 10 năm qua, tôi đã kết nối được hàng tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo, người yếu thế…”, thầy Tình chia sẻ.
Vai trò của những nhóm thiện nguyện, cá nhân trong hoạt động từ thiện, nhân đạo trên địa bàn Lệ Thủy những năm qua đều được đánh giá rất cao. Xuất phát từ tâm, họ đã huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…, bà Nguyễn Thị Thắm,Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy cho hay. |
Ngọc Hải