Quốc kỳ với Tết cổ truyền
(QBĐT) - Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, ngọn quốc kỳ lại được nâng niu, quý trọng như ở đất nước Việt Nam. Lá cờ Tổ quốc có mặt trong mọi biểu hiện đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Ngoài biểu tượng thiêng liêng cho hồn thiêng sông núi, cờ Tổ quốc còn được xem là tín hiệu của sự no ấm, hạnh phúc, đủ đầy và mang lại nhiều điều may mắn, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Đã thành nét đẹp truyền thống, cứ chiều 30 Tết, khi mâm cơm tất niên được dâng lên bàn thờ gia tiên, người dân quê tôi lại treo lá cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất (thường là trước bàn thờ trời, chính giữa phía trước sân). Việc treo cờ Tổ quốc vào dịp Tết cổ truyền thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Nhân dân gửi vào đó niềm hy vọng một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Dù bận rộn tới đâu thì việc lựa chọn cán cờ vẫn rất được chú trọng. Những cây tre thẳng, dài, sau khi tỉa hết phần cành lá, chỉ để lại phần lá phía trên cùng rồi treo lá cờ đỏ sao vàng mới tinh vào. Thiêng liêng và rất gần gũi, thân thương.
Vì sao người Việt lại yêu lá cờ Tổ quốc của mình đến thế? Có lẽ bởi hơn ai hết, nhân dân ta ý thức sâu sắc rằng, tự do độc lập hôm nay được đánh đổi từ máu xương, từ tuổi xuân của bao thế hệ tiền nhân đi trước.Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam. Năm cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân (sĩ, nông, công, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng Tổ quốc.
Xuất phát từ ý nghĩa sâu xa đó, người Việt ta, dù buôn đâu bán đâu, dù đang giữ cương vị, trọng trách gì, theo hoặc không theo tôn giáo nào… đều hướng lòng mình về “Ngọn quốc kỳ”, bởi:
"...Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn,
Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh.
Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng,
Bay mãi trên trời, treo sứ mệnh!..."
(Ngọn Quốc kỳ-Xuân Diệu)
Hướng về quốc kỳ là hướng về quê hương xứ sở, hướng về độc lập tự do, hướng về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về hạnh phúc ấm no. Bởi vậy, không chỉ trong ngày Tết cổ truyền mà hầu như ở các lễ hội lớn nhỏ, người dân Việt Nam đều dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đến ngọn quốc kỳ.
Cờ Tổ quốc được treo lên rợp trời, từ khắp đường làng ngõ xóm đến chốn thị thành phồn hoa đô hội; từ miền ngược đến miền xuôi; từ trung du đến miền núi đồi; từ đất liền tới hải đảo xa xôi và từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái… Đến đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, mang tất cả những vẻ đẹp hồn hậu, thuần khiết của dân tộc Việt Nam.
Rồi lá cờ Tổ quốc lại hiên ngang tung bay tại các lễ thượng cờ trong các hội nghị và sự kiện quan trọng với bè bạn bốn biển năm châu. Cờ rực đỏ trên vai quàng của các vận động viên trong các kỳ thi đấu thể thao quốc tế. Nhìn lá cờ thiêng, lòng ta rưng rưng trong nỗi niềm tri ân bao vị tiên liệt anh hùng đã đổ máu đào cho nền độc lập tự do thống nhất của Tổ quốc!
Xuân về, đi trên mảnh đất quê hương, qua những cổng chào, tới những lệ hội văn hóa đầu năm… chúng ta lại được đắm mình vào màu cờ đỏ sao vàng huy hoàng trong phơi phới xuân sang. Đi dưới lá cờ Tổ quốc vinh quang, lòng ta rộn lên khúc tráng ca tự hào:
“...Cờ là đó, Việt Nam này vẫn đó
Hồ Chí Minh, muôn thuở
Tiến quân ca.
Sáng muôn năm, nền Dân chủ
cộng hoà...”.
(Ngọn Quốc kỳ-Xuân Diệu)
Đỗ Đức Thuần
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.