"Đánh thức" công nghiệp văn hóa

Bài 2: Để không lãng phí "tài nguyên" công nghiệp văn hóa

  • 07:24 | Thứ Ba, 27/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa khai phá hết, các ngành công nghiệp văn hóa Quảng Bình vẫn đang chờ đợi những “cú hích” để có những đổi thay, thực sự mang lại giá trị kinh tế tương xứng với thế mạnh vốn có. Trong đó, việc tiếp tục đề ra kế hoạch, chương trình, các giải pháp thực hiện trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm nền công nghiệp này phát triển chất lượng, hiệu quả, bền vững đóng vai trò quan trọng.
 
 
Với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao; Cục Văn hóa cơ sở, sự phối hợp của các địa phương, ban, ngành để bám sát kế hoạch, chủ động nhạy bén, nắm bắt tình hình, đề ra những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh việc phối hợp tổ chức hoạt động; xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền.
 
Đơn vị cũng chủ động tham gia và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động với quy mô cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia; đồng thời, chú trọng công tác hướng dẫn cơ sở, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tạo ra nhiều hoạt động văn hóa có chiều sâu, toàn diện.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi trình độ, năng lực của một số cán bộ, viên chức còn hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tham mưu về chuyên môn nghiệp vụ trong một số hoạt động. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động nghiệp vụ còn ít không đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động.
 
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm chính là đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút nhiều đối tượng tham gia; thực hiện tốt các công tác hoạt động tại chỗ, phục vụ các sự kiện diễn ra tại trung tâm. Đồng thời, trung tâm sẽ nghiên cứu, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ sát với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
 
Thực tế cho thấy, không chỉ Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy tối đa công năng, hiệu quả hoạt động mà nhiều thiết chế văn hóa khác trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào “thế khó” trong thu hút nguồn lực xã hội hóa, trở thành “sân chơi” nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhu cầu công chúng, thực sự góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến ngành nghệ thuật biểu diễn chưa có nhiều đóng góp cho công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Cuộc thi The Vocalist-Giọng hát hay Quảng Bình 2022 là một trong những chương trình biểu diễn được xã hội hóa thành công trên địa bàn tỉnh thời gian qua. (Ảnh: BTC)
Cuộc thi The Vocalist-Giọng hát hay Quảng Bình 2022 là một trong những chương trình biểu diễn được xã hội hóa thành công trên địa bàn tỉnh thời gian qua. (Ảnh: BTC)

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được sự thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Do đó, việc phát triển công nghiệp văn hóa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến cơ sở trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức; xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương liên quan đến việc triển khai chiến lược này; đồng thời chú trọng đẩy mạnh việc chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tại địa phương.

Bên cạnh đó, sở sẽ tham mưu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực phù hợp, cũng như đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Việc nâng cao vai trò trách nhiệm, công tác phối hợp thực hiện đối với các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương nhằm bảo đảm hiệu quả trước mắt và lâu dài đối với nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, tỉnh căn cứ từng giai đoạn phát triển, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để có giải pháp đúng đắn, phù hợp điều kiện, lĩnh vực đặc thù, qua đó, ưu tiên đầu tư phát triển trong tổng thể chung nhằm mang lại hiệu quả.
 
Trong tầm nhìn đến năm 2030 để phát triển công nghiệp văn hóa, Quảng Bình tiếp tục quan tâm chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao đội ngũ quản lý nhà nước về lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển đúng hướng, phù hợp với giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước, địa phương.
 
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục quan tâm thu hút và hỗ trợ đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền xúc tiến đầu tư các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có, đặc thù tiềm năng, như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo… Đáng chú ý, việc khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, sản xuất các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa sẽ được quan tâm đẩy mạnh.
 
Việc thực hiện và phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững, hiệu quả, cho nên, công tác phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan quản lý sẽ được quan tâm chú trọng. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động tại địa phương được triển khai kịp thời.
Mai Nhân

tin liên quan

Bài 1: Sẵn tiềm năng, khó khai phá

(QBĐT) - Quảng Bình là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên…, từ đó, phát triển kinh tế-xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) -  Dòng nước mát lành từ phía thượng nguồn đi qua ghềnh thác như bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc luôn mang đến trải nghiệm khó quên.

Những ngày cuối năm

(QBĐT) - Tết, dù muốn dù không thì đó vẫn là thời khắc nhất định sẽ đến để bắt đầu cho một năm mới, như bất cứ khắc nào trong 365 ngày, ta đều phải trải qua mà không có phép màu thay đổi được.