"Đánh thức" công nghiệp văn hóa

Bài 1: Sẵn tiềm năng, khó khai phá

  • 07:47 | Thứ Hai, 26/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên…, từ đó, phát triển kinh tế-xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Qua hơn 5 năm triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một số ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để công nghiệp văn hóa thực sự trở thành thế mạnh của Quảng Bình.
 
Theo Kế hoạch số 727/KH-UBND, ngày 3/5/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu của Quảng Bình là từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa... trở thành những ngành kinh tế dịch vụ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Vậy nhưng, để hoàn thành những mục tiêu này lại không phải là việc dễ dàng.
 
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, du lịch văn hóa được đánh giá là một trong những thế mạnh của công nghiệp văn hóa Quảng Bình và thời gian qua đã có nhiều nét đột phá để khẳng định vị thế. Quảng Bình đã dành nhiều sự quan tâm đến phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
 
Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp; cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, lưu niệm; loại hình vận chuyển hành khách; điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới phát triển; các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch để xây dựng môi trường văn hóa tại một số điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
 
Tỉnh cũng đã có các chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển đầu tư các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng..., liên kết vùng, địa phương xây dựng, khai thác tour, tuyến du lịch, phát triển các loại hình du lịch, giới thiệu quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch trong nước, khu vực.
 
Quảng Bình đã quản lý, khai thác và phát huy một cách phù hợp các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đồng thời, xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước.
Với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài chòi tại phố đi bộ (TP. Đồng Hới) vẫn chưa thực sự tạo sức hút với du khách thập phương.
Với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài chòi tại phố đi bộ (TP. Đồng Hới) vẫn chưa thực sự tạo sức hút với du khách thập phương.
Những năm gần đây, Quảng Bình đã đưa vào khai thác, khai thác thử nghiệm một số sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa, trong đó có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Riêng năm 2022, Sở Du lịch đã tiếp nhận, nghiên cứu, lấy ý kiến, thẩm định và đề xuất UBND tỉnh cho phép khai thác thử nghiệm nhiều sản phẩm du lịch mới, như: “Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều”, “Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan di tích, danh thắng lịch sử”, “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa (Minh Hóa),  “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa”…
 
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa của Quảng Bình vẫn chưa thực sự được khai thác hết. Sau quãng thời gian bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, TP. Đồng Hới khởi động lại phố đi bộ trong dịp tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, với kỳ vọng sẽ mang lại một điểm hẹn nhiều màu sắc cho du khách thập phương. Trong đó, được tổ chức vào hai ngày cuối tuần, bài chòi chính là điểm nhấn văn hóa ấn tượng, vừa góp phần bảo tồn các giá trị di sản truyền thống, vừa mang đến một không gian văn hóa bản sắc cho du khách.
 
Bí thư Thành đoàn Đồng Hới Hà Quốc Vương Anh cho biết, với kinh nghiệm tổ chức bài chòi trong nhiều sự kiện trước đây, Thành đoàn đã triển khai chu đáo từ khâu chuẩn bị đến triển khai tổ chức; đồng thời, cũng mạnh dạn đổi mới một số nội dung trong quá trình thực hiện để bài chòi gần gũi hơn với công chúng, khách du lịch. Nhưng, mặc dù nỗ lực, lượng du khách tham gia bài chòi vẫn chưa thực sự đông đảo, do đó, sau một thời gian ngắn, bài chòi phải ngừng triển khai tại phố đi bộ.
 
Lý giải cho việc thiếu mặn mà với bài chòi, anh Hà Quốc Vương Anh chia sẻ, phố đi bộ Đồng Hới vẫn chưa có nhiều hoạt động mang bản sắc riêng, đủ sức níu chân du khách và hấp dẫn người dân địa phương, nhất là với người trẻ. Thêm nữa, do tính thời vụ của du lịch Quảng Bình nên những tháng cuối năm hầu như lượng khách ít dần. Vậy nên, bài chòi khó có được “chỗ đứng”. Thời gian tới, các hoạt động của phố đi bộ cần được đa dạng hơn, đầu tư hơn, tạo được phong cách độc đáo. Bên cạnh bài chòi, nhiều loại hình văn hóa văn nghệ dân gian khác cần được đưa vào khai thác để thu hút du khách. Ông Hoàng Thế Việt, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới cho hay, năm 2023, nhiều hoạt động của phố đi bộ sẽ được triển khai với mong muốn mang lại màu sắc mới, hấp dẫn và thu hút thêm du khách.
 
Thời gian qua, việc trải nghiệm, khám phá nhiều loại hình di sản văn hóa đã được lồng ghép trong các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, như: Biểu diễn ca trù, hò khoan Lệ Thủy, các lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống, tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, với 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh…, Quảng Bình vẫn chưa có được một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, bền vững, đủ sức tạo chỗ đứng và thương hiệu riêng, mang lại điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà.
 
Công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Một thế mạnh khác của công nghiệp văn hóa đang được Quảng Bình quan tâm triển khai là về nghệ thuật biểu diễn. Tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn; mở rộng giao lưu, hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực và tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn.
 
Thời gian qua, tỉnh cũng khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, chương trình biểu diễn, tổ chức sự kiện (7 doanh nghiệp thành lập đã đi vào hoạt động góp phần làm phong phú loại hình kinh doanh này); tăng cường hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực liên quan với nghệ thuật biểu diễn. Nhiều chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao có quy mô lớn được tổ chức nhân các sự kiện quan trọng. Nhưng, thực tế cho thấy nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, đời sống văn hóa nghệ thuật vẫn còn trầm lắng, chưa đáp ứng xu hướng hiện đại.
 
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết thêm, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có phạm trù rộng, loại hình phát triển mới, đa lĩnh vực. Vì vậy, để thực hiện đồng bộ, bảo đảm chất lượng hiệu quả thì cần phải có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi phương diện (chủ trương, chính sách, thể chế, đào tạo, phát triển nguồn lực...). Trong khi đó, với điều kiện hiện nay, cơ sở hạ tầng của Quảng Bình có quy mô phát triển chưa đồng bộ, đang ở mức trung bình trong mặt bằng chung của cả nước về tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
 
Đồng thời, đội ngũ làm công tác quản lý và hoạt động chuyên sâu lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa còn lúng túng trước sự phát triển mới mẻ của lĩnh vực. Việc triển khai nhiệm vụ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tại địa phương tuy có sự chuyển biến tích cực, nhưng vẫn gặp phải hạn chế nhất định.
 
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác triển khai thực hiện đôi khi còn bị động, thiếu nhất quán. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo tại địa phương không được tổ chức. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh.
Mai Nhân
 
Bài 2: Để không lãng phí “tài nguyên” công nghiệp văn hóa

tin liên quan

Những ngày cuối năm

(QBĐT) - Tết, dù muốn dù không thì đó vẫn là thời khắc nhất định sẽ đến để bắt đầu cho một năm mới, như bất cứ khắc nào trong 365 ngày, ta đều phải trải qua mà không có phép màu thay đổi được. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) -  Dòng nước mát lành từ phía thượng nguồn đi qua ghềnh thác như bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc luôn mang đến trải nghiệm khó quên.

2 nhạc sỹ Quảng Bình giành giải thưởng Âm nhạc năm 2022

(QBĐT) - Tối 23/12, tại Hà Nội, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập (1957-2022) và trao giải thưởng âm nhạc năm 2022. Quảng Bình có 2 nhạc sỹ có tác phẩm đoạt giải B.