Nhớ Tết quê

  • 07:46 | Thứ Sáu, 06/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở quê tôi, sang tháng Chạp là mùa chạp mả; con, cháu các họ tộc, gồm họ lớn, họ nhỏ, các chi, nhánh của các dòng họ lại tụ hội về nhà trưởng họ để cùng ra đồng, sửa sang, dọn dẹp sạch sẽ lại mồ mả, nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ (với người đã mất). Ngày trước, khi còn mộ đất thì dùng cuốc, xẻng để làm cỏ, phát quang bờ bụi, nay hầu hết đã xây lăng mộ kiên cố thì dùng thau, chậu, chổi, nước để lau, rửa gạch đá xây lăng mộ sạch sẽ, thắp hương, mời ông bà tổ tiên, cha mẹ về ăn Chạp và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Chợ hoa ngày giáp Tết               Ảnh: T.H
Chợ hoa ngày giáp Tết.                Ảnh: T.H
Cỗ chạp để cúng ông bà tổ tiên, cha mẹ thường là mâm xôi, trên có đặt miếng thịt heo hoặc con gà trống đã luộc chín. Nay cuộc sống đầy đủ hơn nên chủ nhà nơi đặt bàn thờ họ tộc còn sắm thêm các món ăn uống phong phú như thịt, cá, bún, chả, bánh trái các loại để sau khi cúng ông bà, con cháu tụ họp ăn uống vui vẻ, ấm cúng.
 
Ngồi liên hoan bên cỗ chạp, khi có sự ấm nồng của chén rượu, cốc bia, các cụ cao niên ở quê nghe con cháu kể chuyện làm ăn từ các nơi về, có đứa đem theo cả dâu, rể mới (hoặc người yêu) để ra mắt, giới thiệu với họ hàng càng làm thêm phần rôm rả. Chuyện trên trời, dưới bể, chuyện mùa màng, làm ăn, chuyện vui là chủ yếu và cũng xen lẫn vài chuyện buồn, rủi ro với ai đó trong họ đều được chia sẻ với tình cảm chan hòa, đầm ấm, họ hàng thân thương…
 
Sau mấy ngày chạp, khoảng sau ngày 20 tháng Chạp là bước vào cấy lúa vụ đông-xuân. Ngày trước, tôi nhớ tháng Chạp, mưa dầm dề, mưa quất cái lạnh lên vai gầy của mẹ tôi. Mấy sào ruộng nước sâu tận gối, lúa cấy xong èo uột, vật vờ trong gió lạnh. Mang tơi, đội nón, trước lúc ra đồng, mẹ dặn: Ở nhà, con nhớ tranh thủ chặt mấy tàu lá chuối, nhỡ lúc trời tạnh mà phơi để mẹ gói bánh. Tôi ra vườn chặt lá chuối, tàu chuối được phơi dọc hàng rào, đợi khi héo đem rọc, rửa sạch, lau khô chờ ngày gói bánh.
 
Trong những ngày giáp Tết này, tôi lại cùng lũ bạn vào rừng hái củi để dùng đun nấu những ngày Tết, đứa nào cũng săn lùng cố kiếm được mấy gốc cây khô to để đem về luộc bánh.
 
Đêm 28 Tết, bên ngọn đèn dầu leo lét, lúc ông nội còn khỏe, ông gói bánh, năm nào ba tôi về Tết kịp thì ba gói (ba tôi thoát ly công tác xa nhà). Bánh chưng, bánh tày được ông nội hoặc ba gói, mấy anh chị em chúng tôi ngồi quây quần bên nong tròn thi nhau buộc từng chiếc bánh sao cho đẹp. Buộc bánh cũng phải đúng kỹ thuật, nếu buộc chặt quá thì bánh dễ sống, không chín; buộc lỏng quá thì bánh dễ nhão, không ngon.
 
Thời kỳ đói khổ, bánh được gói riêng nếp chỉ được mấy cặp để dọn bàn thờ tổ tiên, còn lại là những chiếc bánh gói trộn cả nếp và sắn nạo. Ba gói riêng cho anh chị em chúng tôi mỗi đứa một chiếc bánh tày nhỏ như chiếc đèn pin để đeo khoe với bạn bè trong mấy ngày Tết. Đêm, bên ngoài trời tối đen, mưa phùn, gió lạnh, trong bếp, bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, ba tôi đặt chiếc chõng tre nằm trực, canh đun nấu bánh.
 
Thỉnh thoảng, ông anh đầu của tôi thay cho ba nghỉ, còn lũ chúng tôi vùi sâu trong tấm chăn chiên ngủ ngon lành. Sáng ra, bánh chín được vớt ra rổ cho ráo, ba bóc thử một chiếc bánh, cắt ra cho cả nhà ăn, bánh vừa nóng, vừa dẻo, vừa ngon, ăn xong còn thòm thèm nhưng phải để dành nên không có ăn nhiều.
 
Đêm 29 Tết, nhà hàng xóm mổ lợn kêu eng éc. Con lợn chỉ hơn 40 ký, nhưng khi làm thịt đã phải đóng thuế sát sinh và các thứ mất một phần ba. Số còn lại mỗi nhà chia nhau mua, người nhiều thì được một ký, người ít thì 5-7 lạng để về rán lấy mỡ chiên xào trong ba ngày Tết cho có mùi thịt. Còn lại bộ lòng lợn thì đem nấu nồi cháo to tướng, mấy nhà hàng xóm ngồi lại ăn chung với nhau chan chứa tình thân. Một bát cháo lòng nóng hổi, dĩa lòng dồi, ly rượu trắng nuốt đến đâu sướng ran đến nấy…
 
Sáng mồng 1 Tết, cả xóm tập trung ra sân kho hợp tác xã làm lễ chào cờ Tổ quốc, thắp hương nghĩa trang liệt sỹ xã, sau đó tỏa về các nhà chúc Tết đầu năm. Từng đoàn, từng đoàn người cười nói râm ran, cùng uống rượu xuân, ăn bánh Tết đầm ấm bên gia đình, bà con.
 
Lũ trẻ nhỏ chúng tôi được xúng xính trong bộ quần áo mới, suốt ngày chơi đánh xu, đánh đáo. Có lúc ba mẹ gọi về quát mắng cho một trận vì tội chơi quên cả ăn uống. Sáng mồng 2 cùng ba mẹ, hoặc anh chị đi chúc Tết bà con nội, ngoại, được ăn cỗ Tết đầy đủ bánh trái, xôi, chè thật ngon, lại còn được người lớn lì xì cho khi thì đòn bánh tét, khi thì mấy đồng xu thật vui không kể xiết. Vui như ba ngày Tết, Tết ở quê nhà thời ấy tuy nghèo nhưng thật vui đúng nghĩa.
 
Sau ba ngày Tết, ba tôi lại lên huyện công tác, các anh, chị lớp trước đi học xa nhà, các cô chú, cậu dì, anh chị xa quê lại lên tàu chợ, xe đò trở về nhiệm sở. Bà con làng quê lại ra đồng chăm lo vườn ruộng, mong mưa thuận gió hòa để có một mùa thu hoạch no đủ hơn. Sau những nếp nhà nhấp nhô dưới lũy tre làng, mùi rơm rạ, mùi khói lam chiều lại tỏa, khói bay lên không trung ấm áp, mơ màng…
 
Tân Phương

tin liên quan