Tấm chăn mùa đông

  • 12:49 | Thứ Tư, 04/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa đông năm nay rét muộn. Những tưởng “biến đổi khí hậu” sẽ khiến cái “kho” chăn được nằm yên. Nhưng rồi, đùng đùng gió bấc thổi về. Vợ tôi lại thích thú kéo “bộ sưu tập” chăn của mình xuống. Gớm, nhà con cái đi vắng, chỉ còn hai vợ chồng mà “cơ man” là chăn.
 
Vợ tôi giải thích, chăn này cho se lạnh, chăn này cho rét vừa, chăn kia thì cho rét đậm, rét hại… Đã thế mỗi loại thời tiết còn có vài ba chăn, đủ chất liệu, màu mè. Đó là chưa kể mấy cái chăn của các con, rồi số chăn bông ba cân, năm cân cổ lỗ sĩ mà “bỏ thì thương, sương thì nặng” không “diễm phúc” được bà chủ đụng đến.
 
Tôi đứng lặng nhìn “thành quả” của thời đại không còn là mơ ước “cơm no, áo ấm”, mà chạnh lòng nhớ lại ngày xưa. Cái thuở ấy, mấy anh em tôi, cùng chung tấm phản, nằm “úp khu đọi”-úp lưng bát vào hai bên cha để tìm hơi ấm, vì ai cũng muốn gần, nên cha phải chọn giải pháp nằm giữa. Phía trên là một tấm chăn chiên mỏng, mà tôi và anh cả nằm hai đầu, thường cãi nhau xem ai kéo phần chăn của ai.
 
Để tăng thêm độ ấm cho chồng con và bảo vệ tấm chăn chiên quý giá, mạ tôi tần tảo, lo tìm mối mua được mấy cái bao “phíp” đựng lót phân đạm của hợp tác xã, về nối lại may thêm cái vỏ chăn. Vậy là anh em chúng tôi sung sướng vì được ấm thêm, lại được hít hà mùi vải lạ. Tuy nhiên, chỉ được mấy hôm, do đùn đi kéo lại, đêm ngủ vung chân, vung tay, cái chăn chiên dồn về một góc vỏ bọc, vậy là xảy ra “chiến tranh”. Mạ tôi tự nhận lỗi sơ ý, tháo chăn ra, chắp thêm một lô dây dợ để định vị thì mới yên được.
 
Đó là mấy cha con, chắc có lẽ do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên còn được ưu tiên. Chứ phía trong buồng, mạ và các em gái chỉ có được cái bọc chăn vải cũ. Mùa đông, đã ăn đói lại rét thấu xương. Đêm, em nhỏ dại đòi bú liên tục, dầm dề cả giường. Những lúc ấy, tiếng em khóc, tiếng ru con của mạ tôi cất lên run rẩy. Tôi biết mạ và em rét lắm, nhưng chỉ im lặng chảy nước mắt. Cha tôi thỉnh thoảng lại cất tiếng thở dài bất lực. Để tránh phải thường xuyên giặt cái bọc chăn và tăng độ ấm, mạ tôi kiếm được tấm nilon mỏng đắp lên người, trước khi phủ cái bọc chăn lên. Đêm trở mình cứ nghe sột soạt.
 
Phía giường bà nội có vẻ khá hơn. Số là, bà còn giữ được tấm chăn bông đơn từ thời… các cụ kị cho làm của hồi môn khi về nhà chồng thì phải. Tôi đoán vậy chứ không dám hỏi, vì nhìn thấy cái màu xỉn, xẹp lép và rách thủng lỗ chỗ của nó. Tuy nhiên, đó là khi bà đem phơi tôi mới thấy, còn thường thì nó được bảo vệ bởi cái vỏ bọc có màu sắc sặc sỡ.
 
Về cái vỏ bọc này, đó là một kỳ công của bà nội và có phần góp sức của anh em chúng tôi. Tôi còn nhớ, lúc mình khoảng năm tuổi, bà đưa chăn ra phơi và diệt rệp. Bà đứng vuốt từng lỗ thủng và sợi bông xơ, thở dài: “Chao ôi, cứ như ri thì mi tan nát mất chăn ơi, để ả (chị) tìm cách may cho mi cái bọc”.
 
Nói là làm, bà tôi bắt đầu lục cái thúng vải vụn năm xưa của cha làm thợ may ở nhà, tìm những mảnh vải nhỏ như bàn tay trẻ con trở lên, cắt vuông vuông rồi bắt đầu chắp vá. Dạo này tất cả thợ may đã gom vào hợp tác xã may mặc, bàn máy may đã đem về trụ sở, nên bà rất khó khăn để kiếm vải vụn. Tuy vậy, nhờ vào tính chịu khó, bà đi đến từng nhà thợ may thân quen xin vải vụn nên cũng chắp được một tấm rõ to.
 
Anh cả và tôi thương bà, nên ngày nào cũng giả vờ ra trụ sở hợp tác xã để “thăm ba”, nhưng thực chất là để nhặt vải vụn đưa về cho bà. Hôm nào nhặt được nhiều mảnh vải đẹp, bà thưởng cho mỗi đứa một thìa đường cát nho nhỏ. Kiên trì như vậy, sau khoảng hai hay ba năm gì đó, bà tôi đã có cái vỏ bọc chăn cỡ 1,8mx1,2m, với những ô vuông sặc sỡ, trông vui mắt đáo để. Tôi đi học, đọc chuyện nàng Bân may áo ấm cho chồng trễ cả mùa đông mà lòng thêm cảm phục bà.
 
Nhà tôi rét mướt như vậy, nhưng còn khá hơn bác láng giềng. Nhà bác cũng con đông nhưng không hề có tấm chăn nào cả. Vụ mùa xong, bác kiếm gánh rơm của hợp tác xã đem về phơi khô. Bác lấy 2 tấm ván mỏng, đóng khung chữ nhật vào một góc nhà phên đất, bỏ rơm vào giẫm chân ép chặt, trải chiếu lên rơm để con nằm cho ấm. Cả trai cả gái đều nằm chung. Đêm lạnh quá, bèn sáng kiến, lấy cái nong làm chăn, đắp lên trên cho ấm.
 
Gần sáng, gọi con dậy làm nón, bác lấy thanh tre đập vào “chăn” nghe bộp bộp, vừa xa xót vừa vui tai. Còn hai bác thì nằm giường, mỗi người xỏ chân vào một bao bố cũ (bao tải đựng gạo) nằm co lại cho ấm. Đã thế, bác trai còn vui tính hát hò: “Nông dân sung sướng như ri… A li hò lờ… Đêm nằm xỏ bố ngang đì (bụng dưới) ấm thân…” làm anh em chúng tôi ôm nhau cười rưng rức. Mạ tôi bảo: “Câu hò nớ sau thời kỳ cải cách ruộng đất, mạ đã nghe rồi các con ạ!”.
 
Mùa đông, được nằm trong nệm ấm chăn êm, lòng bồi hồi nhớ chuyện ngày xưa. Tôi thường nói với các con mình, “ôn cố” là để “tri tân”. Chúng ta không được phép lãng quên quá khứ và cần ghi nhận thành quả của những tháng năm đổi mới.
Đỗ Thành Đồng 

tin liên quan