Đỗ Thành Đồng nhịp đổ sắc không

  • 07:59 | Chủ Nhật, 08/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đỗ Thành Đồng trước khi trở thành nhà thơ phóng túng về thi pháp (chữ quen dùng của những người làm lý luận là xếp anh vào trường phái hậu hiện đại) là một người giỏi về thơ Đường luật. Có nghĩa là khoái cảm thi pháp đã thay đổi.
 
“Tình nhân” gồm 39 bài, được Đỗ Thành Đồng cấu tứ như một bài thơ dài, gồm 39 khúc; hay nói cách khác là 39 sát na của sự khoái cảm với “tình nhân”. Đó không phải là sự theo mốt (mode) về hình thức thơ mà chắc chắn có chủ ý của tác giả về văn bản. Theo quan niệm của J.Kristeva (nhà phân tâm học, nhà phê bình văn học Bungari), thì nó là 39 chỗ “giao cắt của các mặt phẳng văn bản khác nhau” của Đỗ Thành Đồng.
 
Nhà thơ chỉ là người ghi chép lại sự xáo trộn những nhiễu loạn cảm xúc thành văn bản. Trong 39 khúc “Tình nhân” thì các chữ “tình nhân”“nhân tình” có hơn 50 lần anh sử dụng; dẫu có khúc không có nhưng bình quân mỗi khúc hơn một lần anh sử dụng. Có bài/ khúc sử dụng đến 3 lần, ví dụ khúc 3 có 1 lần “tình nhân” và 2 lần “nhân tình”, khúc 13 có 3 lần sử dụng “tình nhân”. Như vậy liệu có nhiều, ẩn đi được không? Tôi cho rằng, Đỗ Thành Đồng bị ám ảnh suốt cả trường cảm xúc.
 
Trong tiếng Việt, “tình nhân” hoặc “nhân tình” có ý nghĩa như nhau; muốn nói đến người yêu hoặc người đang yêu trong tình yêu nam nữ, hoặc có tình cảm với nhau. Nhân tình hiểu rộng ra là căn tính “máu chảy ruột mềm”, tình người với nhau; nhưng “Tình nhân” trước hết là tập thơ tình, nên nó có nghĩa na ná.
 
Cho nhau một chút tình nhân/nhỡ mai mưa gió lại cần có nhau/nhỡ mai trầu chẳng còn cau/thì vôi kia cũng trắng phau nhân tình”, (khúc 3). Ở khúc 3 này, chữ “nhân tình” được hiểu như là tình người còn mãi mai sau với những người từng yêu nhau/ tình nhân. Tức là tác giả gửi đến thông điệp về văn hóa. Yêu nhau không lấy được nhau là đau khổ/hôn nhân được gọi là “tổ ấm”, nhưng biết bao đôi lứa phải rời tổ này, lập tổ khác đó sao? Vậy nhưng cái nghĩa “nhân tình” nó lớn lắm, cần được “thờ phụng”. Điều này thì rõ ràng, văn hóa đôi lứa, trên thực tế nhiều khi đang bị “khuyết tật”. Biết bao án mạng từng xảy ra, kiện tụng “động trời”, đã và đang xảy ra, đó sao? Như vậy là, “nhân tình” có ý nghĩa thông điệp về cái đẹp.
Bìa cuốn
Bìa cuốn "Tình nhân" của nhà thơ Đỗ Thành Đồng.
Còn gì nữa để tình nhân
dây chuông đã đứt tiếng ngân cũng rè
trăng giờ treo lưỡi cành tre
có còn ai ngắm mà khoe cho vàng
(Khúc 1)
 
Đỗ Thành Đồng bắt đầu với “Tình nhân” như thế. Trong Phật giáo gọi là tâm trạng tưởng uẩn. Xin lưu ý, ở hai khổ (4 câu) đầu, của bài dẫn nhập này còn có yếu tố thức uẩn: “..../dây chuông đã đứt tiếng ngân cũng rè/trăng giờ treo lưỡi cành tre...”. Ai đã từng sống ở làng quê, sống với đêm muộn mới hình dung ra trăng treo lưỡi cành tre. Hẳn là rất muộn rồi. “Muộn” nhưng khoái cảm không mất đi, vì thế mới vật vã cùng “tình nhân”.
 
Trong tâm hồn Đỗ Thành Đồng có một “ngôi đền tình nhân” như anh xác quyết trong khúc 5. Đó là nơi thờ phụng, tôn nghiêm, siêu thoát, không hẳn là những tục lụy mà anh có thể đã trải qua khi có cảm xúc yêu đương khác giới, dẫu đó là phần thưởng giới của tạo hóa. Đỗ Thành Đồng yêu tất cả, “tình nhân” của anh có thể là cỏ, cây, hoa, lá, trăng, sao...chứ không chỉ là cái “chớp mắt” của ai đó làm thi sĩ liêu xiêu mà thành thơ.
...
tiếng gà thắt ngực cô liêu
thế gian còn bận những điều xa xăm
ta tình nhân với vầng trăng
để xin mãi được sống bằng niềm tin
(khúc 10)
 
Dưới mỗi khúc cảm, nhà thơ Đỗ Thành Đồng ghi rõ thời gian sáng tác. Anh thường ngủ muộn, dậy sớm. Đỗ Thành Đồng sáng tác trong khoảng 23 giờ, có bài anh sáng tác lúc 3 giờ ngày hôm sau. Có nghĩa là, trong anh, con người sinh vật rất ít ngủ, con người thơ vật vã cùng “tình nhân” vào thời khắc rất đặc biệt. Thời khắc vàng của cô đơn, nỗi buồn thi sĩ thăng hoa.
 
Trong một dòng trạng thái (status) mới nhất trên trang cá nhân, trả lời một bạn yêu thơ mình, Đỗ Thành Đồng chia sẻ: “Thơ là tự sự của bản ngã cô đơn, đau đớn, vật vã. Là gom nỗi đau của người khác thành của mình. Tuy nhiên, thơ luôn cần sự đồng cảm của người khác. Đồng cảm không có nghĩa là họ phải hiểu như ý mình, mà đồng cảm ở chỗ, thơ “gợi mở” cho họ được điều gì!”. Để làm được cái việc “gom nỗi đau của người khác thành của mình”, về phần “con” cũng như phần người phải là người thực sự thấu cảm, chia sẻ biết đau, ngộ đau cùng đồng loại.
 
Chia sẻ của anh làm tôi nhớ một câu trên mạng xã hội “Thà biết rồi thất vọng còn hơn không bao giờ biết và luôn băn khoăn”. Con người đều giống nhau về hạnh phúc cũng như nỗi buồn, lo âu cũng như hy vọng, bất phân màu da, quốc tịch. Ngay trong tình yêu cũng vậy “em giờ như nhánh trúc xinh/trăm năm ai biết mái đình phế hoang”, (khúc 3). Tâm trạng hối tiếc, vọng tình, rõ mồn một.
 
Thơ trước hết là tâm trạng cá nhân, nhưng để trở thành tâm trạng của người yêu thơ (họ nhận ra giống mình) lại phụ thuộc vào cái tài của thi sĩ. Cuộc sống luôn là sự chuyển dịch từ “cánh đồng mình” đến “cánh đồng người”, từ tất yếu đến tự do. Khoái cảm thơ cũng vậy.
 
39 khúc cảm trong nhân tình được Đỗ Thành Đồng sử dụng thi pháp truyền thống lục bát. Câu nói, gần như ai cũng đã từng nghe, không có “bản quyền” là lục bát dễ làm, nhưng khó hay. Làm cho ra một câu lục bát đúng là thi ca, mới, lạ...nhiều khi phải “trời mách”. Không cẩn thận dễ sa vào “ép vần” thành “vần vè”, “đánh đắm” nhà thơ (chữ của nhà thơ Trần Đăng Khoa). Do vậy, chọn lục bát để “truyền tải” cảm xúc với “Tình nhân”, nhà thơ Đỗ Thành Đồng đã chọn phương pháp mạo hiểm. Có điều, anh tự tin.
...
đêm ru giấc ngủ từ bi
tiếng chuông vô thỉ vẫn lì lợm rung
(khúc 20)
 
...
gió đêm lật bóng tre già
nỗi trăng sấp ngửa nỗi nhòa canh thâu
(khúc 21)
 
Trong “Tình nhân”, Đỗ Thành Đồng có nhiều câu lục bát hay, nói chữ là tạo ra hiệu ứng “dư ba”, tạo ra sự liên tưởng minh triết trong thơ, cả đạo và đời.
 
Tôi là người đọc “Tình nhân” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng ngay từ những bài đầu tiên được anh công bố trên trang cá nhân. Tôi nhận ra chất liêu trai trong một nhà thơ Đỗ Thành Đồng chiết tự nên cổ vũ anh làm tiếp. “Cố gắng in một tập”, tôi "chát" với anh.
 
Ban đầu, Đỗ Thành Đồng dự định làm mươi bài, nhưng rồi mạch cảm xúc cứ dẫn anh đi cho đến bài thứ 39 mới dừng lại. Đỗ Thành Đồng với “Tình nhân” như bị “ma xui, quỷ ám”; chí ít cũng bị tình nhân “xách mũi” đến đó mới buông tha.
 
“Tình nhân” đã ra đời, đã đến để nói hộ những cung bậc có thể thoáng qua, có thể gây choáng ngợp mà người này người kia đã từng “can qua” trong ái tình, đã từng yêu hết thảy. “Đỗ Thành Đồng, nhịp đổ sắc không”, “Tin thì tin không tin thì thôi”, (Nguyễn Trọng Tạo), bằng cảm xúc chân thành.
Ngô Đức Hành

tin liên quan