Ngôi nhà sàn đặc biệt

  • 08:47 | Thứ Bảy, 04/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lưu giữ hơn 500 hiện vật lịch sử, văn hóa, với một nhà truyền thống cấp huyện đó là một nơi đáng để tự hào. Càng ngạc nhiên hơn nữa, số hiện vật đó chỉ được sưu tầm vỏn vẹn trong 2 năm và bây giờ ngày càng tăng dần lên.
 
“Chạm vào” lịch sử
 
Nổi bật giữa những khối nhà công sở của UBND huyện Tuyên Hóa là một kiến trúc mô phỏng nhà sàn truyền thống. Đó là công trình Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa, nhà truyền thống cấp huyện đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Khối kiến trúc kết cấu bê tông, cốt thép độc đáo hiện diện nơi đây như một lời nhắc nhớ. Nó đủ “lạ” để hấp dẫn và khơi gợi trí tò mò.
 
Danh xưng Tuyên Hóa có cách đây gần 150 năm. Sử sách còn ghi lại rằng, năm Tự Đức thứ 28 (1874), vua Tự Đức cho thành lập huyện Tuyên Hóa, một huyện phía tây phủ Quảng Trạch (thành lập năm 1838, dưới thời vua Minh Mạng). Chủ nhân người Tuyên Hóa trong thời kỳ tiền sử sống chủ yếu trong các hang động và núi đá. Những nhà khảo cổ học đã xếp các di chỉ khảo cổ ở Tuyên Hóa thuộc về nền văn hóa tối cổ của Việt Nam. Từ nền văn hóa miền thượng nguồn sông Gianh, người nguyên thủy ở Tuyên Hóa tiến về miền xuôi, chinh phục thiên nhiên để tồn tại và phát triển.
 
Tuy nhiên, lịch sử tạo lập làng quê ở Tuyên Hóa phát triển mạnh từ khi các triều đại phong kiến Việt Nam hình thành đến giai đoạn cực thịnh dưới thời Hậu Lê. Với chính sách khẩn hoang có quy mô vào triều vua Lê Thánh Tông, nhiều xóm làng ở phía đông huyện Tuyên Hóa bắt đầu hình thành. Có thời kỳ, ranh giới hành chính huyện Tuyên Hóa bao trọn cả huyện Minh Hóa và một số xã của huyện Quảng Trạch. Sau nhiều lần nhập, tách, huyện Tuyên Hóa được định hình như ngày hôm nay.
 
“Không một ai có thể sáng tạo nên lịch sử, văn hóa. Bởi lịch sử, văn hóa chính là sự sáng tạo tiếp nối không ngừng nghỉ của bao thế hệ con người. Những hiện vật do cha ông để lại không chỉ là dấu tích lịch sử, đặc trưng văn hóa của một vùng đất mà còn là kết tinh trí tuệ và sức lao động, sáng tạo của con người nơi đây.
 
Nói cách khác, hiện vật chính là “vật chứng” của truyền thống văn hóa, lịch sử. Nó cần được sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ đúng với giá trị của nó, để góp phần giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ”, ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (từ năm 1999-2008) đã nói với chúng tôi như vậy.
Bộ rìu đá, bàn mài đá, chày đá cổ, có niên đại khoảng 4.000 năm đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa.
Bộ rìu đá, bàn mài đá, chày đá cổ, có niên đại khoảng 4.000 năm đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa.

Giờ đây, ông Hồ Duy Thiện rất vui vì đã đóng góp chút công sức cho việc lưu giữ kho hiện vật văn hóa, lịch sử của quê hương bởi ông đã đưa ra ý tưởng xây dựng Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa. Vốn là một đại úy quân đội, một người lính từng vào sinh ra tử, cầm súng chiến đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, hơn ai hết, vị nguyên Chủ tịch UBND huyện thấu hiểu được giá trị của việc lưu giữ truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương.

Chuyện người sưu tầm
 
Khá bất ngờ khi biết Trưởng đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Tuyên Hóa Nguyễn Minh Thụ lại là người đã từng dày công sưu tầm kho hiện vật lịch sử, văn hóa này, dù trước đó đã nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò. Đó là thời kỳ ông trưởng đài huyện còn đương chức Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa.
 
Ông Thụ nhớ lại, một buổi chiều giữa năm 2007, sau khi huyện có chủ trương xây dựng Nhà truyền thống, Chủ tịch UBND huyện Hồ Duy Thiện gấp gáp gọi ông sang phòng làm việc bởi ban đầu, khi trình bày đề xuất này, cũng có ý kiến lo lắng sợ không có hiện vật để trưng bày. Ngay sau đó, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện được cấp khoản kinh phí 30 triệu đồng để sưu tầm hiện vật trưng bày. Việc rất gấp, mà ông thì chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Hôm sau, ông bắt xe vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nhờ giúp đỡ và hướng dẫn nghiệp vụ sưu tầm. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng sốt sắng cử cán bộ theo ông Thụ ra huyện bắt tay vào công việc.
 
Sau một tuần theo học phương pháp điền dã sưu tầm, ông Thụ cùng cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện “độc lập tác chiến”. Ông Thụ kể: “Thời điểm đó, trên địa bàn huyện xuất hiện rất nhiều người đến “săn lùng” cổ vật. Tìm đến các địa phương, người dân còn nghĩ chúng tôi là những tay buôn đồ cổ để kiếm lời. Những năm đó, hễ nghe ở đâu có hiện vật có giá trị, chúng tôi liền tìm đến, nhờ cán bộ, công an địa phương dẫn đi và mang theo thông báo của huyện để vận động, thuyết phục hiến tặng hoặc mua cho bằng được. Có những hiện vật đến với mình như một sự tình cờ lẫn may mắn. Nhưng cũng có những hiện vật, anh em phải dày công đi lại, thuyết phục, vận động rất nhiều lần mới có được”.
 
“Nếu không biết gìn giữ và bảo vệ những hiện vật của cha ông để lại, các thế hệ con cháu mai sau sẽ không có cơ hội được “chạm” vào lịch sử, văn hóa của quê hương. Và quan trọng hơn, đó là nơi nuôi dưỡng niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước”, ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết.

Khoảng năm 2006, trong lúc đào móng làm nhà, một gia đình ở thôn Tân Lập, TT. Đồng Lê đã phát hiện một bộ rìu đá, bàn mài đá, chày đá cổ có niên đại khoảng 4.000 năm. Đáng nói, khi biết được thông tin, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã nhiều lần đến mua nhưng đều không thành. Không chịu bỏ cuộc, ông Nguyễn Minh Thụ nhiều lần lân la tiếp cận, làm quen, rồi vận động, thuyết phục để gia đình bán lại cho Nhà truyền thống huyện. Rằng, nếu được trưng bày tại Nhà truyền thống huyện, cổ vật này sẽ được gìn giữ, bảo quản mãi mãi. Rằng, tên tuổi của “chủ nhân” sẽ được khắc ghi bởi họ đã phát hiện và trao tặng cho Nhà truyền thống huyện. Phải nhiều tháng, ông Thụ mới được gia đình này đồng ý giao số cổ vật nói trên. Ngày nay, tên tuổi, địa chỉ những “chủ nhân”, người phát hiện, hiến tặng đều được ghi lại cẩn thận và khá trang trọng bên cạnh các hiện vật được trưng bày nơi đây.

Ông Thụ nhớ lại, năm 2007, một người dân đi chăn bò ở xã Sơn Hóa phát hiện một số đồng tiền vàng cổ phát lộ ở dưới khe nước sau lũ. Sau khi xác định được đó là những đồng tiền vàng dưới thời vua Hàm Nghi, ông cùng cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đến tiếp cận để mua. Thế nhưng, mua thế nào, giá cả bao nhiêu, bởi đó vừa là hiện vật lịch sử, vừa là vàng ròng, thì ông Thụ phải lần giở lại hệ thống quy định, tham vấn cơ quan quản lý văn hóa tỉnh. Cuối cùng, ông đã mang được 3 đồng tiền vàng về Nhà truyền thống huyện. Hiện tại, Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa đang lưu giữ 1 đồng tiền vàng (2 đồng tiền còn lại hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh).
 
“Mỗi hiện vật ở đây đều lưu giữ trong nó một câu chuyện lịch sử, văn hóa riêng. Có những hiện vật quý giá đã gắn bó và trở thành niềm tự hào của nhiều gia đình. Sau mỗi chuyến đi thành công, cầm được hiện vật trên tay, chúng tôi chỉ nghĩ, sự may mắn đó có thể nhờ “cái duyên” mới có được”, ông Thụ chia sẻ.
 
Cứ như vậy, những cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa đã sưu tầm gần 1.000 hiện vật, trong đó có khoảng 500 hiện vật được chọn lọc để trưng bày. Ngày Nhà truyền thống huyện Tuyên Hóa khai trương, nhiều người khá ngỡ ngàng khi những hiện vật phong phú và có giá trị cao về văn hóa, lịch sử được trưng bày dù chỉ được sưu tầm trong một khoảng thời gian ngắn. Điều đáng mừng hơn nữa là kho hiện vật này đang được những cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa ngày nay tiếp tục làm đầy thêm.
 
Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa Nguyễn Minh Tám cho biết: “Từ lâu, Nhà truyền thống huyện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo vệ các hiện vật lịch sử, văn hóa mà còn trở thành địa chỉ của nhiều thế hệ trẻ tìm về nguồn cội, nơi kết nối những giá trị truyền thống lịch sử của mảnh đất, con người Tuyên Hóa. Nhận thức được điều đó, hàng năm, cán bộ trung tâm đều dành công sức, tâm huyết sưu tầm, tìm kiếm các hiện vật để bổ sung cho Nhà truyền thống huyện”.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Hình tượng Bác Hồ trong sáng tác văn học - nghệ thuật

(QBĐT) - Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ (VNS) cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng để sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật có giá trị. 

Họp báo về kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình

(QBĐT) - Chiều 30/5, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo định kỳ tháng 5/2022 để thông tin về các hoạt động Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.

Trăng

(QBĐT) - Trăng lên