Hình tượng Bác Hồ trong sáng tác văn học - nghệ thuật

  • 07:59 | Thứ Ba, 31/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ (VNS) cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng để sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật (VHNT) có giá trị. Tùy theo đặc trưng của mỗi thể loại, VNS Quảng Bình đã xây dựng hình tượng Bác ở nhiều góc độ khác nhau, thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính sâu sắc dành cho Người.
 
Đối với Quảng Bình, vùng đất vinh dự được đón Bác “vô” thăm, tình cảm của người dân và VNS dành cho Bác càng sâu đậm hơn, thể hiện qua rất nhiều tác phẩm VHNT. Một trong những người gần như dành trọn cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình để viết nên những vần thơ về Bác đó là cố nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Dinh. Trong sự nghiệp thơ ca của mình, ông đã có rất nhiều bài thơ về Bác.
 
Sự kiện Bác về thăm Quảng Bình được ông ghi lại bằng niềm tự hào và tình cảm thiêng liêng qua một số bài thơ. Ở bài “Hai con sóng”, ông viết: “Sóng Cảng Nhà Rồng tiễn Bác ra đi. Sóng Nhật Lệ đón Người về năm ấy. Hai con sóng qua nửa vòng thế kỷ. Để ngàn đời lịch sử còn ghi”. Qua thơ ông, người đọc còn bắt gặp những tấm gương kiên trinh, nặng sâu tình cảm với Bác.
 
Đó là họa sĩ, chiến sĩ, đại tá Lê Duy Ứng, Anh hùng lực lượng vũ trang đã lấy máu mình vẽ chân dung Bác khi bị thương nặng, hay một cụ già sống giữa đại ngàn Trường Sơn cất giữ tấm vải lụa Bác tặng làm kỷ vật, là anh thương binh đi bằng đôi nạng gỗ đến làng Sen thắp hương viếng Bác… Với các tập thơ về đề tài Bác Hồ như: “Hai con sóng”, “Nhớ Bác Hồ”. “Nhớ Bác Hồ-115 bài thơ tứ tuyệt”…,  ông được bạn đọc yêu mến vinh danh là người có nhiều bài thơ về Bác Hồ nhất ở Quảng Bình.
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng vẽ chân dung Bác Hồ.
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng vẽ chân dung Bác Hồ.

Mang trong mình niềm kính yêu vô hạn đối với Bác, cố nhà giáo, nhà biên kịch Phan Xuân Hải đã vẽ chân dung Bác Hồ từ năm 12 tuổi và đã có trên 50 tác phẩm về Bác với đủ kích thước lớn, nhỏ. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nhận định: “Có lẽ, thầy Phan Xuân Hải là người vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất và đẹp nhất ở Quảng Bình”… Và điều đặc biệt hơn là ông vẽ Bác để bày tỏ tình cảm, sự tôn kính với Bác chứ không phải để thể hiện tài năng nghệ thuật.

Đề tài Bác Hồ có sức hút đặc biệt đối với VNS Quảng Bình. Nhiều tác phẩm của các hội viên VHNT được Ban Tuyên giáo Trung ương, các hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trao giải. Nổi bật là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với ca khúc “Lời Người vọng mãi” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải thưởng hàng năm; ca khúc “Tình Người hương lúa” được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải B... Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm ấn tượng, như: Ca khúc “Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người” (nhạc sĩ Dương Viết Chiến), “Quê ta in dấu chân Người” (cố nhạc sĩ Quách Mộng Lân), “Quảng Bình nhớ ơn Người” (nhạc sĩ Lê Đức Trí), tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghép bằng bẹ chuối (họa sĩ Nguyễn Văn Đắc), tranh và tranh cổ động của các họa sĩ: Nguyễn Lương Sáng, Lê Thuận Long… Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà văn, nhà thơ có tác phẩm hay về đề tài Bác Hồ, như: Hoàng Vũ Thuật, Đặng Thị Kim Liên, Lý Hoài Xuân…
 
Ở thế hệ trẻ, nhà điêu khắc Võ Tuấn Hải cũng dành nhiều thời gian tâm huyết để sáng tác những tác phẩm về đề tài Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên cơ sở nghiên cứu tư liệu, anh đã xây dựng tác phẩm của mình theo phong cách, bố cục riêng.
 
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, đề tài Bác Hồ cũng thu hút sự quan tâm của các VNS. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải chia sẻ: "Bằng tình yêu, sự tôn kính đối với Bác Hồ, chúng tôi thường chụp lại những bức ảnh tư liệu về Bác tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Mỗi lần đến Quảng trường Hồ Chí Minh hoặc bất cứ địa phương nào có ảnh, tượng, tư liệu về Bác chúng tôi đều ghi lại và lưu giữ".
 
Năm tháng trôi qua, nhưng những lời Bác dạy khi Bác về thăm Quảng Bình (16/6/1957) luôn là kim chỉ nam, là động lực để Quảng Bình phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi” vươn lên trên mọi lĩnh vực. Sự đổi thay của quê hương, nhất là từ ngày Bác về thăm Quảng Bình đến nay là nguồn cảm hứng để VNS Quảng Bình sáng tác nên nhiều tác phẩm trên các lĩnh vực.
 
Mới đây, nhạc sĩ Ngô Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao TX. Ba Đồn đã cho ra đời ca khúc: “Quảng Bình mãi ơn Người”. Ấp ủ nhiều cảm xúc khi xem những thước phim, tư liệu về sự kiện Bác về thăm Quảng Bình và nhất là khi Đảng bộ, chính quyền nhân dân Quảng Bình xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, ông đã viết nên ca khúc với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng thể hiện niềm vui sướng, tự hào của người Quảng Bình khi được đón Bác về thăm. Mở đầu ca khúc ông viết: “Đất mẹ một ngày như mơ, gió hát trên cao, mây vờn đỉnh núi. Một ngày hè niềm vui vừa chợt đến. Ngày Quảng Bình đón Bác về thăm…". Ca khúc ngay sau khi ra đời đã nhận được  nhiều tình cảm từ công chúng yêu nhạc. “Quảng Bình ơi, Bác lại về”... những ca từ da diết ấy cứ ngân vang neo lại trong lòng người.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng: "Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong mỗi VNS Quảng Bình. Hội cũng đã phát động đợt sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã tập hợp được rất nhiều tác phẩm của các tác giả. Bên cạnh giá trị nội dung và nghệ thuật, mỗi tác phẩm còn là tiếng lòng của người nghệ sĩ đối với Bác Hồ, với quê hương. Qua đó, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức mạnh nội lực của toàn xã hội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước".
 
Nh. V

tin liên quan