"Một tiếng lòng" của Đặng Thị Hoàng Yến

  • 07:54 | Thứ Bảy, 28/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên tay tôi là tập thơ "Một tiếng lòng" của chị Đặng Thị Hoàng Yến-từng là TNXP thời chống Mỹ, nguyên giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu mấy năm nay. Chị xuất thân trong một gia đình vốn có truyền thống văn hóa (là cháu của nhạc sỹ Nguyên Nhung). Quê hương Quảng Bình của chị vốn giàu truyền thống thi ca-nơi sinh ra và lớn lên của một số nhà thơ tài danh, như: Nguyễn Hàm Ninh, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư…
 
Thơ Đặng Thị Hoàng Yến đã từng được chọn đăng số đặc biệt Tạp chí Sông Hương. "Một tiếng lòng" là tập thơ đầu tay, gồm 50 bài, được tuyển chọn từ hàng trăm bài thơ của chị. Điều đó chứng tỏ sự tôn trọng của chị đối với độc giả. Cha ông có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thơ lại càng phải như vậy.
 
Đặng Thị Hoàng Yến đến với thơ chỉ cốt để giải tỏa những ẩn ức, để bày tỏ những tình cảm sâu nặng với làng quê Hòa Ninh (nay thuộc TX. Ba Đồn), với người thân, với đồng đội…, chứ không phải để tìm kiếm lợi danh. Bởi vậy, thơ chị chân thực, dung dị, sâu lắng. Một bài thơ khiến cho không ít người rơi nước mắt là bài thơ chị viết trong dịp 20/11/2021, khi về thăm lại mảnh đất Dốc Miếu, Gio Linh-nơi chị đã gắn bó “một thời đạn bom, một thời gian khó”.
 
Lúc đó, chị là cô giáo trẻ mới ngoài hai mươi tuổi, mới lập gia đình và đang tận hưởng những phút giây hạnh phúc cùng chồng con. Chị nhớ lại cái lần anh mang tặng chị một bó hoa tím. Chị vui mừng reo lên: Ôi đẹp quá! Hoa mua/Anh cười hiền hồn nhiên chân thật/Hái trên đồi có phải “mua” đâu! Một lối chơi chữ rất hóm hỉnh. Nhưng những giây phút hạnh phúc như thế hết sức ngắn ngủi. Vì chồng công tác xa nên chị phải một mình vừa đứng lớp vừa chăm nuôi con.
Bìa tập thơ
Bìa tập thơ "Một tiếng lòng".

Chị tâm sự: Tôi suốt đêm ôm con xoa dịu cơn nóng lạnh/Anh nhỡ tàu cuốc bộ giữa canh khuya. Lần chị mang thai đứa con thứ hai mới được 8 tháng thì bất ngờ chuyển dạ. Con đầu còn nhỏ, trạm xá thì xa, chồng chưa về kịp, chị “ôm bụng nặng nề lết giữa đường khuya”. Đứa con gái sinh thiếu tháng như vị thiên sứ bay về trời. Khi chia tay vùng đất Dốc Miếu, Gio Linh, chị đành gửi cháu lại với “bạt ngàn hoang vắng những đồi sim”.

Thời điểm chị trở lại mái trường xưa sau mấy chục năm “vật đổi sao dời”, tìm không thấy mộ con đâu, chị vô cùng đau đớn. Cuối bài thơ là hình ảnh chị đặt một ôm hoa tím giữa đồi, thắp một bó hương trong chiều “tím lặng”: Nghe thì thầm trong thẳm sâu cô quạnh/Hơi ấm hương trầm lan tím cõi hư vô. Xuyên suốt bài thơ là gam màu tím: Màu tím của những bông hoa anh tặng chị, màu tím của những bông hoa chị đặt giữa đồi khi đi tìm mộ con và màu tím của hương trầm tản mác giữa không gian. Khổ đau và hạnh phúc đôi khi cùng một gam màu. Cái tứ của bài thơ mang tính triết lý nhân sinh thầm trầm, sâu sắc mà nếu chỉ đọc lướt qua ít ai để ý.
 
Chị không che giấu những điều không vui xảy ra trong cuộc sống gia đình. Chị âm thầm chịu đựng: Mình em chiều nay lạc vào mê đắm/Đếm nỗi buồn trên những dấu chân xưa. Một thời gian khá dài Đặng Thị Hoàng Yến chỉ còn biết sống bằng hoài niệm: Chiều về không vương chút nắng/Hiu hiu gió lạnh se lòng/Nhạt nhòa sương giăng phố vắng/Rưng rưng ta chạm vào đông (Chiều đông).
 
Chị một mình thổn thức: Mưa đêm giọt giọt dịu êm/Giọt nghiêng ướt mềm gối chiếc/Nghe tiếng mưa đêm thao thiết/Dìu ta vào cõi cô đơn (Tiếng mưa đêm). Một trái tim đa cảm, dễ rung động và chan chứa tình yêu cuộc sống như chị không thể chỉ biết ngồi than thở, gặm nhấm nỗi buồn. Chị mượn câu chuyện tình của trăng và nước để bộc lộ tâm trạng của mình: Trăng đi nước rút cạn/Trăng đến nước dâng đầy/Chuyện tình trăng và nước/Mãi trường tồn xưa nay (Chuyện tình trăng và nước).
 
Đặng Thị Hoàng Yến không chủ tâm làm mới thơ, chị chỉ ghi lại một cách trung thực cảm xúc của mình. Đi du xuân, trước cảnh đẹp của thắng tích Yên Tử, chị cảm thấy: Đôi chân run rẩy/Con tim run rẩy/Mềm mại bờ môi/Hạnh phúc phút giây/Đủ cho cả một đời (Du xuân). Đó chính là niềm vui mà chị tìm lại được sau những điều bất hạnh đến với chị. Dẫu biết mình “đang ôm ảo ảnh” nhưng chị “vẫn dạt dào si mê”. Trước đây, “Chiều về không vương chút nắng”, nhưng bây giờ thì khác: Vệt nắng cuối ngày còn nán lại/Gió đùa lưu luyến những hàng cây (Chiều bên sông).
 
Đặng Thị Hoàng Yến kín đáo gửi gắm lòng mình trên chiếc lá mùa thu: Một chiếc lá rực lên trong hoàng hôn/Gom hết nồng nàn lên màu đỏ thắm/Trên những đường gân còn vương màu nắng/Lá viết bài thơ về một quãng đời cây
 
Đừng tưởng thơ chị không hiện đại. “Nồng nàn” mà có “gom” được thì thật là kỳ lạ! Cảm thức thời gian của chị bây giờ cũng khác. Những ngày buồn lê thê đã trôi qua. Cuộc tình “ảo ảnh” khiến cho chị luyến tiếc từng giây, từng phút, từng ngày, từng mùa: Tháng ba về rồi đây/Nghe mùa đã hao gầy/Chia tay xuân chưa nỡ/Hạ đã về xanh cây (Tháng ba). Chị thừa biết đã là “ảo ảnh” thì rất “mong manh”. Chị nhắn gửi với người yêu tưởng tượng: Xin đừng để làn sương tan/Phơi bày nguyên dấu thời gian/Cứ để tình ta huyền ảo/Phủ lên giấc mơ hoang tàn… (Mong manh).
 
Đã là người từng trải, Đặng Thị Hoàng Yến hết sức thận trọng: Sợ hạnh phúc qua mau không dám nói/Chỉ biêng biếc buồn trong mỗi hoàng hôn (Khúc tháng tư). Lại thêm một cách nói khá hiện đại của tác giả. Với thi sĩ Đoàn Phú Tứ, thời gian cũng có màu: Màu thời gian tím ngát. Với Đặng Thị Hoàng Yến nỗi buồn cũng có màu: Chỉ biêng biếc buồn trong mỗi hoàng hôn. Câu thơ “trời cho” này chỉ cần đọc một lần là găm vào trí nhớ.      
 
Chỉ tiếc, "Một tiếng lòng" còn có một số câu thô vụng. Cái quý nhất ở chị Đặng Thị Hoàng Yến chính là sự bộc bạch nỗi lòng hết sức chân thật của mình trong từng con chữ.
 
Xin chúc mừng đứa con tinh thần đầu tay của chị!                                                                  
 
  Mai Văn Hoan

tin liên quan

Sông

(QBĐT) - Nắng rám sông

"Mỗi mùa hoa đỏ về"

(QBĐT) - Khi những cơn mưa rào mùa hạ bất chợt đến rồi đi đỏng đảnh như cô gái mới lớn và những bông phượng vỹ vươn mình thắp lửa khắp sân trường, góc phố, lòng lại nao nao nhớ về thời áo trắng, nhớ thầy xưa, bạn cũ, nhớ những mùa thi và những buổi chia ly.
 

Đại Phong nhớ Bác!

(QBĐT) - Năm xưa, Bác thăm Quảng Bình