Chuyện của tôi và Ngọc

  • 08:23 | Chủ Nhật, 10/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi ấy, tôi mới chỉ là một cô gái thiếu kỹ năng sống. Dường như sự ấm êm đã tạo cho tôi thành kẻ ít trải nghiệm, thụ động. Trong một buổi chiều mùa hè oi bức, Diệu ghé qua đưa tôi lá thư viết tay rất dài. Cuối thư ký tên: Ngọc. Tôi mất mấy phút mới nhớ ra Ngọc là ai, người vốn dĩ luôn mờ nhạt trong quãng đời học chung lớp với tôi thời cấp hai.
 
“Hương còn nhớ Ngọc không?”
 
Tại sao người Ngọc chọn gửi thư là tôi chứ không phải ai khác? Hồi đi học Ngọc thân với một nhóm bạn con nhà giàu, nhóm ấy cứ đến giờ ra chơi là kéo trước cổng trường ăn quà vặt và nhìn những đứa con nhà nghèo như chúng tôi bằng ánh mắt rất vênh vang. Chẳng sao cả, chúng tôi học giỏi và chăm chỉ hơn bọn họ, đó chính là điều khiến chúng tôi luôn tự tin.
 
“Hương nhớ không? Cuối năm lớp 8, Ngọc chia tay lớp rồi cùng gia đình chuyển nhà đi tỉnh khác. Học xong cấp 3, Ngọc đậu đại học dân lập trong thành phố Hồ Chí Minh, rồi Ngọc yêu và lấy chồng...”.
 
Tôi nhớ hồi đó, Ngọc thường nằm trong top yếu của lớp. Lên bảng trả bài cũ, Ngọc toàn xơi điểm 0. Làm toán, lý, hóa hay tiếng Anh nếu bạn không cho nhìn bài thể nào Ngọc cũng chỉ được 2 điểm. Các môn còn lại, nếu Ngọc được điểm 6 là cả một sự kiện rất lạ. Vậy mà Ngọc thi đậu được trường đại học thời điểm năm 1996 thì thật nể.
 
“Nhưng, Hương biết không? Khi Ngọc sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng, Ngọc phát hiện ra chồng Ngọc cũng có con với một người đàn bà khác. Đau khổ, chán chường, Ngọc tìm đến ma túy để lãng quên. Không có tiền hút chích, Ngọc bỏ con lại Sài Gòn cho chồng rồi về nhà cha mẹ đẻ ở miền Trung. Ma quỷ đưa đường, Ngọc trở thành một mắt xích trong đường dây ma túy.
 
Nhờ thế, Ngọc thoải mái có tiền để thỏa mãn những cơn thèm thuốc. Và Ngọc bị bắt trong một lần đưa hàng. May số lượng nhỏ nên án của Ngọc chỉ mấy năm. Hương ơi! Ở trong này buồn lắm, ngày tháng chậm chạp trôi và Ngọc nghĩ đến Hương. Ngọc vẫn nhớ cô bạn ngày xưa học giỏi văn nhất lớp, có đôi mắt buồn buồn và hay mủi lòng. Ngọc mong Hương hãy đến thăm Ngọc dù chỉ một lần, Ngọc nhé!
 
TB: Ngọc nhớ mua cho mình ít lương thực và cho mình ít tiền, ở trong này thiếu thốn quá!”
Minh họa: Tiến Hành
Minh họa: Tiến Hành
Tôi ngồi thừ ra rất lâu. Thế gian biết bao người vợ bị phụ tình, sao Ngọc lại tìm đến ma túy? Sao phải bỏ con để chìm vào những lầm lạc nối tiếp nhau? Một đứa con bé bỏng quá đủ để người mẹ nương vào đó mà vượt qua đớn đau mới phải!
 
Cuối tuần ấy, tôi rủ bạn trai vào trại giam thăm Ngọc. Trại cách nhà tôi 3 cây số, đi qua một đồi sim bắt đầu vào mùa trổ hoa tím ngát. Trại được bao quanh bởi những quả đồi lúp xúp và hệ thống hàng rào bảo vệ kiên cố. Tôi không nhận ra hình ảnh của Ngọc cách đây hơn 10 năm. Một phụ nữ tóc vàng, già trước tuổi, ánh mắt rất khó tả, vừa láo liên vừa giống như thách thức, lại giống vẻ bất cần.
 
Ngọc rất vui khi thấy tôi. Còn tôi, có lẽ đến thăm Ngọc chỉ vì tò mò, thêm chút sĩ diện và một chút tình nên không được tự nhiên lắm. Ngọc huyên thuyên  kể lại chuyện đời mình bằng thái độ ráo hoảnh. Một thái độ mà đứa con gái ít từng trải như tôi lúc ấy cảm thấy ngỡ ngàng. Tôi đã mong Ngọc khóc lóc chăng, mong Ngọc tỏ ra hối lỗi, ăn năn chăng? Những điều ấy tôi không tìm thấy ở Ngọc trong buổi nói chuyện hôm đó. Kể cả việc bỏ lại đứa con đỏ hỏn cũng được Ngọc nhắc đến bằng một giọng thản nhiên đến lạnh người. Tại sao? Tôi chưa từng nếm cảm giác bị phụ tình nên không thể hình dung được cảm giác ấy khủng khiếp đến mức nào. Hôm ấy, ngoài cảm giác ngao ngán, trong tôi dấy lên sự coi thường khinh miệt. Mẹ mà bỏ con để chạy theo cám dỗ nghiện ngập thì thật độc ác và ích kỷ bội phần. Tôi động viên Ngọc vài câu nhạt nhẽo và ra về vội vã.
 
Tôi không quên Ngọc, thỉnh thoảng có cái gì gợi nhớ, tôi luôn tự hỏi không biết Ngọc giờ thế nào. Sau đó nhiều năm, tình cờ tôi gặp lại Diệu. Diệu làm quản giáo trong trại, biết tôi là bạn Diệu, năm xưa Ngọc đã nhờ Diệu chuyển thư đến tôi. Diệu nói: Ngọc được ra trại, rồi lại tái nghiện, rồi lại mua bán ma túy và vô ra trại như cơm bữa. “Ngọc bị nhiễm HIV rồi Hương à”.
 
Đó là thông tin cuối cùng tôi biết về Ngọc. Tôi lấy chồng, sinh con và nuôi con. Những điều ấy choán hết thời gian và tâm trí tôi. Thay vì lên phường xin một tờ giấy để vào thăm Ngọc lần nữa, tôi cứ đeo mãi trong mình tâm trạng áy náy và tặc lưỡi vin vào những bận bịu để bào chữa cho sự biếng nhác của mình. Đến lúc ngay cả sự áy náy mơ hồ ấy cũng dần nhạt nhòa.
 
Các mối quan tâm, bận tâm mới nối tiếp chồng lấn, đè bẹp những hồi ức về Ngọc, về cuộc gặp gỡ mang tính chất ban phát ơn huệ năm ấy. Tôi trở thành một kẻ hời hợt vô tâm hồi nào chẳng rõ. Thậm chí tầm thường đến mức có thể mất ăn mất ngủ khi chưa mua được một bộ váy ưng ý thay vì nghĩ xem mình nên làm gì có ích cho người khác. Nói một cách chính xác, trong cuộc sống bắt đầu có dấu hiệu thảnh thơi của tôi, Ngọc không còn tồn tại.
 
Cho đến một ngày, cũng vào một buổi chiều oi bức. Có lẽ là định mệnh hay ở kiếp xa xôi nào đó, tôi và Ngọc còn nợ nần gì nhau chăng? Tôi gặp lại Ngọc, gầy yếu và xanh xao, riêng đôi mắt không còn vẻ láo liên, bất cần như năm nào nữa. Trên ghế đá bệnh viện, cạnh gốc bồ đề gần trăm năm tuổi, Ngọc ngồi tư thế xếp bằng, hai tay chắp trước ngực và lầm rầm cầu nguyện.
 
Lạ thay, trong bộ dạng gần như biến đổi hoàn toàn đó, tôi vẫn nhận ra Ngọc. Và sự chùng chình giữa việc có nên tiến đến hỏi thăm hay cứ thế đi thẳng diễn ra trong đầu tôi vài giây. Cuối cùng, cảm giác áy náy năm nào vụt đến chiến thắng thói vô cảm đáng ghét. Tôi kiên nhẫn đứng chờ Ngọc mở mắt. Không lâu sau, Ngọc gọi rất khẽ:
 
- Hương ngồi đây đi!
 
Ngọc ý tứ ngồi dịch về phía mép ghế bên kia cho tôi được thoải mái. Một sự quý mến, thương cảm trào lên khiến tôi không ngần ngại ngồi sát vào Ngọc. Bệnh HIV không thể lây dễ dàng nếu chỉ ngồi cạnh nhau trên ghế đá. Trong ráng chiều đỏ sậm, câu chuyện về đoạn đời tiếp theo của Ngọc khiến tôi vỡ òa nhiều thứ.
 
“Diệu là một vị Bồ tát thực sự, Hương ạ. Cô ấy đã cứu rỗi không chỉ đời Ngọc mà cả đời con gái Ngọc nữa. Cách đây năm năm, chồng Ngọc bị bắt về tội đánh bạc, con gái Ngọc lúc ấy 15 tuổi ngơ ngác tìm về đây. Một đứa trẻ lớn lên thiếu sự dạy dỗ rất ngỗ ngược và ngốc nghếch. Diệu đã nhận nuôi, cho ăn học và uốn nắn con thành một cô gái ngoan, sống có tình người. Nếu không có Diệu, không biết đời Ngọc, đời con giờ thế nào? Ngọc chỉ là người dưng... nhưng mà Diệu... sao trên đời lại có người tốt đến thế hả Hương?”
 
Sao trên đời lại có người tốt đến thế? Câu hỏi ấy khiến tôi hổ thẹn. May mà Ngọc không hỏi: Sao Hương lại có thể thờ ơ với bạn bè như thế? Như đoán được ý tôi, Ngọc lại sẽ sàng: “Cảm ơn Hương năm ấy đã cất công lên thăm Ngọc. Những đứa bạn hay chơi cùng hồi ấy Ngọc cũng gửi thư nhưng không đứa nào đến cả. Ngọc cũng không hiểu vì sao lại viết thư cho Hương.
 
Có lẽ trong Ngọc luôn dành sự ngưỡng mộ về Hương, một cô bạn học giỏi, chăm chỉ, bản lĩnh, trái ngược hẳn với Ngọc? Khi gửi thư đi, Ngọc không nghĩ Hương sẽ đến. Dầu chỉ là cuộc viếng thăm chốc lát. Hồi ấy chúng mình không hề chơi với nhau, nhưng Ngọc nghĩ, nỗi niềm của Ngọc được sẻ chia cho một người hiểu biết có lẽ sẽ vợi đi nhiều. Mình biết, Hương sẽ không bao giờ đến thăm Ngọc lần nữa đâu, nhưng mình luôn biết ơn Hương. Thật sự là thế!”.
 
Ngọc đã không một lời oán trách tôi, hay Ngọc chỉ nói thế cho tôi vui lòng? Trong đôi mắt đầy cam chịu và thấm thía lẽ đời kia, chỉ toát lên ánh nhìn chân thành và vui sướng. Có lẽ Ngọc đang biết ơn cuộc đời vì những gì mẹ con Ngọc nhận được.
 
“Một lúc nào đó trên đường đời gập ghềnh, nếu con gái Ngọc cần giúp đỡ, xin Hương hãy giúp con, lần cuối cùng mình cầu xin Hương đấy”.
 
Tôi ứa nước mắt nắm lấy tay Ngọc, cái nắm tay ấy thay cho một lời hứa, chuộc lỗi cho hàng bao năm tôi đã để lặng lẽ trôi qua.
 
Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

tin liên quan

Giữ mạch thông tin giữa mùa dịch

(QBĐT) - Trong những ngày cả tỉnh "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành "cánh tay nối dài" giúp chính quyền địa phương kịp thời cung cấp cho người dân những tin tức về tình hình dịch bệnh, giữ mạch thông tin giữa mùa dịch.

"Quảng Bình niềm tin chiến thắng"

(QBĐT) - Đó là tựa đề ca khúc mới của nhạc sỹ Lê Đức Trí, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Sân khấu hậu giãn cách: Nhà hát đã sẵn 'của để dành' cho ngày mở màn

Ngay khi đại dịch đang căng thẳng, các nghệ sỹ vẫn âm thầm thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng chào đón khán giả trở lại nhà hát một ngày không xa.