Nỗi niềm chân quê trong tản văn Nguyễn Thế Tường

  • 07:44 | Chủ Nhật, 03/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nguyễn Thế Tường vừa làm báo vừa viết văn. Ông tham gia nhiều thể loại như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, bút ký phóng sự… Tản văn “Và, gió heo may...” là cuộc thử sức mới của Nguyễn Thế Tường. Tập sách thể hiện lý trí sắc sảo của một nhà báo, niềm khát khao níu giữ cái đẹp, cảm hoài quá khứ của một nhà văn và dòng hồi ức bất tận của một người lính lái xe tăng cấp I. Phức hợp nhiều kiểu tư duy, phương thức, kết cấu, nhưng nổi lên trong tập tản văn là kiểu tư duy triết lý, quyện hòa tinh tế với phương thức tự sự, phương thức trữ tình và kết cấu tương phản-đối lập.
 
Nét đẹp văn hóa đậm đặc trong những trang tản văn của Nguyễn Thế Tường. Bản sắc, hương vị sông nước như thức quà, thú chơi, văn hóa tâm linh đã ghi dấu tên đất, tên làng Lệ Thủy trên bản đồ Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Cuộc sống người miền Trung trở nên sinh động hơn khi phản chiếu qua những lát cắt tâm hồn đong đầy nỗi nhớ xốn xang, tình yêu chân thật, nồng mặn của ông.
Trang bìa tác phẩm
Trang bìa tác phẩm "Và, gió heo may...".
Ông không viết nhiều về ẩm thực, nhưng chỉ “lướt” qua vài món ăn như: Khoai lang luộc, canh bầu nấu tép đồng… thôi cũng đủ nhận ra dấu ấn của Lệ Thủy. Ông còn viết nhiều về thú chơi như: Tắm sông, chơm cá, đẽo bi, đánh bi, đánh du kích, thả diều, đàn hát, trồng bầu, trồng bí…
 
Những sôi nổi, nhộn nhịp trong ngày hội đua thuyền, những sâu lắng, diết da và dung dị của giai điệu hò khoan đêm trăng trên quê hương Đại tướng được ông tự sự với tất cả lòng tự hào, như muốn cùng người đọc hướng về cội nguồn của dân tộc. Những tín ngưỡng nguyên thủy, sinh hoạt văn hóa dân gian… trong tản văn của ông cũng chứa đựng hồn đất, hồn người Lệ Thủy.
 
Song hành cùng những trang văn viết về văn hóa Lệ Thủy là chân dung một số nhân vật lịch sử, văn nghệ sỹ và những con người đời thường dung dị. Họ là nhân chứng gắn liền với các vết dấu văn hóa. Để thấy những thăng trầm của lịch sử và giá trị vĩnh cửu của cụ Mưng ven bờ sông Kiến Giang, Nguyễn Thế Tường nhắc lại những cuộc mở cõi về phía Nam, tạo ao, tạo mương, tạo hói của vua Lê Đại Hành (931), Lý Thường Kiệt (1969, 1975), Trần Nhân Tông (1301, 1306), Hồ Hán Thương (1402), Lê Thánh Tông (1471), Nguyễn Hoàng (1558)...
 
Thông qua cuộc đối thoại giữa nhân vật tôi và con sông Kiến Giang, chúng ta thêm phần tự hào về vùng đất của tiến sỹ triều Mạc Dương Văn An, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quê hương của nhiều nhà thơ như: Hoàng Vũ Thuật, Lê Đình Ty, Ngô Minh, Hải Kỳ, Lâm Thị Mỹ Dạ…
 
Đặc biệt, tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự hy sinh thầm lặng của mạ (mẹ) được ông khắc họa lặp đi lặp lại nhiều lần trong tản văn. Những chi tiết mà nhà văn hồi ức trong tản văn: Chuyện mạ gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết, đi chợ bán đậu ván, giặt áo quần bên bến sông... hay chi tiết nhà văn dỗi hờn, làm nũng, ngóng mạ đi chợ về, đòi kẹo... là thước phim đẹp nhất, bình dị nhất, chân chất nhất về tình mẫu tử.
 
Lồng kiến thức lịch sử vào các địa danh, thông qua đó, Nguyễn Thế Tường ký thác, gửi gắm niềm u hoài của mình trước những giá trị cổ xưa đã một đi không trở lại. Đặt chợ Thùi dưới góc nhìn lịch sử, Nguyễn Thế Tường vừa làm sống lại không gian văn hóa thuở nào, vừa cho thấy những biến thiên dữ dội của lịch sử, vừa cảm nhận những hụt hẫng, nuối tiếc hôm nay của ông.
 
Ông còn khám phá, tiếp cận địa danh thông qua những cứ liệu lịch sử của chính các nhân vật lịch sử. Nói đến phá Hạc Hải, ông mượn lời nhà nho yêu nước Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục”, lời nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” mà xác thực vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó. Đặc biệt, những khái lược, tập hợp về các nhân vật, sự kiện lịch sử còn góp phần bổ sung những kiến thức lịch sử căn bản về vùng đất linh thiêng cho người đọc.
 
Là một người lính lái xe tăng cấp I, từng kinh qua chiến trường đẫm “máu và hoa” ở Quảng Trị, những con chữ của Nguyễn Thế Tường hẳn nhiên thấm đẫm không gian, ký ức của chiến tranh. Trong đó, nổi bật là kiểu kết cấu đối lập, tương phản giữa xưa và nay, chiến tranh và hòa bình, sống và chết, còn và mất, sâu đậm và nhạt phai… Sợi dây nối giữa các kết cấu ấy là tình yêu, nỗi nhớ và lòng hoài cảm của tác giả.
 
Quá khứ của những năm tháng đau thương, mất mát ám ảnh từ những cảm nhận đổi mùa, những sắc màu, dáng vẻ bình dị của các loại hoa, loại quả, tiếng chim gọi hè, lũy tre già, cho đến cái bến bên sông, ngôi nhà của người thầy dạy sử… đã thiết kế nên cấu trúc buồn miên man, dai dẳng trong tản văn của Nguyễn Thế Tường.
 
Soi vào kết cấu này, chúng ta thấy những biến đổi “đau lòng” của các giá trị văn hóa truyền thống trước sự xâm nhập của đời sống đô thị, hiện đại. Cụ Mưng hàng trăm năm tuổi bị bứng về cho một đại gia nào đó. Chợ Thùi nay chỉ còn lại cái tên đắp nổi trên một bức tường kiên cố. Phá Hạc Hải bao la, lộng gió, lẫn khuất nơi nao?
 
Phà Long Đại một thời bom đạn, nay đâu? “Cảm nhớ quê hương từ da thịt”, nên, chúng ta thấy nhà văn áo lính Nguyễn Thế Tường như đau thêm lần nữa. Mà sự đời càng đau càng mạnh mẽ. Ông phục chế các giá trị xưa qua hồi ức trẻ thơ, hồi ức binh nhì, kiếm tìm những cảm giác thân quen, “thật đẹp, thật mát”, “ngòn ngọt”, “thanh thanh”.
 
Người đọc không chỉ bị mê hoặc bởi những cảm xúc bỏng rát, giàu yếu tố trữ tình mà còn bị đánh thức tiếng lòng cội nguồn từ giọng văn triết lý của Nguyễn Thế Tường. Tư duy triết lý sâu sắc về con người và cuộc đời xâu chuỗi, vận hành qua những va đập giữa quá khứ-hiện tại, truyền thống-hiện đại, cũ-mới...
 
Ông đưa tấm lòng, nỗi niềm của người lính ra mà tỏ bày, đưa cái tình vô bờ bến với quê nhà ra mà thổ lộ, nên, những đúc rút, suy tư trong tản văn luôn gần gũi, đau đáu và nhức nhối. Bao lần xa quê, trở lại, rồi tiếp tục quày quả, thậm chí có lúc thuyền đi ngang ngõ nhà, thấy mẹ ngồi giặt bên bến, Nguyễn Thế Tường chỉ biết nuốt nỗi nghẹn ngào vào trong... Tất cả như cứa sâu vào miền ký ức, vào cảm thức vô bờ của nhà văn, để rồi tạo nên nguồn sống mạnh mẽ, vươn đến những điều tốt đẹp nhất.
 
Tính địa phương trong tản văn của Nguyễn Thế Tường thể hiện qua cách sử dụng nhiều nguyên âm có trường độ dài như: Trôốc (đầu), trôổng (lối), thơơng đợ (nâng đỡ), khôông (không), nôốc (thuyền)... Cái nằng nặng riêng biệt, giản dị này, nhiều khi, cũng làm người đọc xuyến xao, “chân đi không đành”. Nguyễn Thế Tường còn chêm vào tản văn những lớp từ địa phương miền Trung như: Mạ, eng, tui, chi, trẹo, ni, mô, răng, rứa, hè...
 
Lệ Thủy là một phần máu thịt của Nguyễn Thế Tường, vì thế, sự cộng hưởng giữa cảm xúc với đặc tính địa phương trong những trang viết của ông luôn khiến người đọc rưng rưng nỗi niềm. Trái tim giàu tình yêu cuộc sống, quê hương của ông đã truyền lửa sang mọi người theo cách ấy.
 
Và đây cũng là nét khác biệt trong dòng chảy tản văn hiện nay. Việc sử dụng nhiều tính từ chỉ tâm trạng, một số ngôn ngữ đối thoại mang tính báo chí, từ Hán Việt, đọc/diễn giải tiếng nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt (then kiu-ô kề, bông rua-mẹc xì)... cũng gia tăng thêm tính đa sắc trong giọng văn của Nguyễn Thế Tường: Khi chậm rãi, thong dong, khi buông thả, bông lơi, khi ngẫm ngợi, triết lý, khi dân dã, sơ nguyên...
 
Giàu có về tuổi thơ, giàu có về những năm tháng gắn bó với quê nhà, chiến trận... đã đành, ngòi bút mang nhiều cảm xúc, trần tình của người lính Nguyễn Thế Tường còn tinh nhạy gắn kết, giao thoa giữa hiện tại và quá khứ, giữa tự sự và trữ tình, giữa chiêm nghiệm và đời thường trên cái nền sử liệu, cho nên, tản văn “Và, gió heo may...” có màu áo riêng, không lẫn trộn với bất kỳ ai. Mai này, về đâu, nỗi niềm chân quê của nhà văn áo lính Nguyễn Thế Tường vẫn thường trực, khởi đầu cho những gì tươi đẹp.
 
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Giữ mạch thông tin giữa mùa dịch

(QBĐT) - Trong những ngày cả tỉnh "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành "cánh tay nối dài" giúp chính quyền địa phương kịp thời cung cấp cho người dân những tin tức về tình hình dịch bệnh, giữ mạch thông tin giữa mùa dịch.

"Quảng Bình niềm tin chiến thắng"

(QBĐT) - Đó là tựa đề ca khúc mới của nhạc sỹ Lê Đức Trí, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Sân khấu hậu giãn cách: Nhà hát đã sẵn 'của để dành' cho ngày mở màn

Ngay khi đại dịch đang căng thẳng, các nghệ sỹ vẫn âm thầm thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng chào đón khán giả trở lại nhà hát một ngày không xa.