Nhà văn Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel Văn học năm 2021

  • 08:01 | Thứ Sáu, 08/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Giải thưởng Nobel Văn học 2021 vinh danh nhà văn Abdulrazak Gurnah, người Anh gốc Tanzania, ông có nhiều bài viết liên quan đến chủ nghĩa thực dân và các quốc gia châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa.
 Nhà văn Abdulrazak Gurnah. (Ảnh: Getty Images)
Nhà văn Abdulrazak Gurnah. (Ảnh: Getty Images)
-Chiều 7/10 (giờ Việt Nam), Viện hàn lâm Thụy Điển đã xướng tên tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2021.
 
Theo Viện hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Abdulrazak Gurnah được vinh danh bởi "sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa.”
 
Ông Gurnah sinh năm 1948 trên đảo Zanzibar (thuộc Tanzania) ở Ấn Độ Dương, nhưng đến Anh tị nạn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.
 
Từ năm 1980 đến năm 1982, ông Gurnah giảng dạy tại Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, ông chuyển đến Đại học Kent (Anh), lấy bằng Tiến sỹ năm 1982. Hiện ông giữ học hàm Giáo sư.
 
Ông có nhiều bài viết liên quan đến chủ nghĩa thực dân, các quốc gia ở vùng châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu các công trình về văn học châu Phi.
 
Bắt đầu sáng tác từ năm 21 tuổi trong khi lưu vong, các tác phẩm của Gurnah được viết bằng tiếng Anh dù tiếng Swahili là tiếng mẹ đẻ của ông. Đến nay, ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn, với chủ đề xuyên suốt là cuộc sống của những người tị nạn.
 
Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm tiểu thuyết "Paradise" (phát hành năm 1994) - lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của hai giải thưởng danh giá là giải Booker và Whitbread Prize, "Desertion" (2005) và "By the Sea" (2001) - vào danh sách rút gọn của giải Los Angeles Times Book Award.
 
Các nhân vật của Gurnah bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa, và luôn sống trong trạng thái không an toàn mà họ không bao giờ có thể giải quyết được, phải liên tục thay đổi để thích nghi với môi trường mới, dung hòa giữa cuộc sống mới và quá khứ.
 
Nobel Văn học là một trong 6 hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Ủy ban Nobel gồm 5 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, được bầu lại 3 năm/lần, chịu trách nhiệm thu thập và thảo luận về các đề cử trước khi gửi danh sách rút gọn gồm 5 cái tên để gửi tới 13 thành viên khác của viện hàn lâm này.
 
Sau khi cân nhắc, toàn bộ 18 thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ bỏ phiếu vào đầu tháng 10 để quyết định về người chiến thắng. Các đề cử và sự cân nhắc về các ứng cử viên luôn được Viện hàn lâm Thụy Điển giữ bí mật cho đến phút chót.
 
Bắt đầu được tổ chức từ năm 1901, đến nay giải Nobel Văn học đã được trao 114 lần nhưng có đến 118 tác giả nhận giải, do có 4 lần có hai người đồng đoạt giải. Năm ngoái, giải thưởng danh giá này thuộc về nữ thi sỹ Louise Gluck (người Mỹ). Bà được vinh danh vì giọng thơ mang bản sắc riêng - vừa cứng rắn, thẳng thắn nhưng cũng đầy chất hài hước và dí dỏm.
 
Cho tới thời điểm này, mới chỉ có 16 nữ văn sỹ đoạt Nobel Văn học.
 
Giải thưởng đầu tiên được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901. Người đoạt giải Nobel Văn học trẻ tuổi nhất cho đến nay là nhà báo - nhà văn Rudyard Kipling (người Anh) - được vinh danh vào năm 1907, ở tuổi 41.
 
Trong khi đó, người cao tuổi nhất từng nhận giải thưởng này là tiểu thuyết gia Doris Lessing, ở tuổi 88 (năm 2007).
 
Đây là giải Nobel thứ tư được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021. Các giải thưởng còn lại của mùa Nobel 2021 là Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố vào các ngày 8 và 11-10 tới./.
 
Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Giữ mạch thông tin giữa mùa dịch

(QBĐT) - Trong những ngày cả tỉnh "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành "cánh tay nối dài" giúp chính quyền địa phương kịp thời cung cấp cho người dân những tin tức về tình hình dịch bệnh, giữ mạch thông tin giữa mùa dịch.

"Quảng Bình niềm tin chiến thắng"

(QBĐT) - Đó là tựa đề ca khúc mới của nhạc sỹ Lê Đức Trí, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Sân khấu hậu giãn cách: Nhà hát đã sẵn 'của để dành' cho ngày mở màn

Ngay khi đại dịch đang căng thẳng, các nghệ sỹ vẫn âm thầm thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng chào đón khán giả trở lại nhà hát một ngày không xa.