"Giữ lửa" cho mai sau

  • 07:57 | Thứ Ba, 05/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ca trù là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm chất dân gian, vừa uyên bác, hàn lâm, song lại kén người nghe, người truyền dạy nên có một thời gian dài đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Để bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật “độc nhất, vô nhị” này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khôi phục, phát triển ca trù, trong đó nổi bật là TX. Ba Đồn, một trong những địa phương được xem là "cái nôi" của nghệ thuật ca trù và các loại hình văn nghệ dân gian (VNDG) độc đáo.
 
Nơi ca trù "bén rễ"
 
Được du nhập từ hàng trăm năm trước, do những nghệ nhân, nông dân miền Bắc vào khai khẩn đất đai, ca trù đã bén rễ và trở thành nếp sinh hoạt độc đáo của người dân vùng Bắc Quảng Bình. Sau khi chia tách từ huyện Quảng Trạch, TX. Ba Đồn tiếp tục có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy ca trù, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc quê hương.
 
Ông Ngô Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VHTT) Ba Đồn cho biết: Hiện tại, TX. Ba Đồn có 4 câu lạc bộ (CLB) ca trù phát triển khá mạnh ở các xã: Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Phong và Trung tâm VHTT thị xã.
 
Quảng Trung là nơi người dân còn gìn giữ nhiều làn điệu ca trù cổ, là một trong những địa phương thành lập được CLB ca trù đầu tiên của tỉnh. CLB này đã nhiều lần tham gia liên hoan các CLB ca trù và đều tạo được ấn tượng trong lòng người xem, được ban tổ chức đánh giá cao.
 
Các xã Quảng Minh, Quảng Phong cũng được xem là nơi ca trù “bén rễ”, song có một thời gian dài bị lãng quên. Và chính những nghệ nhân làng, những người nặng lòng với di sản ông cha để lại đã sưu tầm, truyền dạy, thành lập CLB ca trù, trở thành nòng cốt trong phong trào văn hóa-văn nghệ ở địa phương.
 Qua hoạt động biểu diễn tạo điều kiện cho các CLB ca trù giao lưu học hỏi, khơi dậy niềm đa mê cống hiến của các nghệ nhân
Qua hoạt động biểu diễn tạo điều kiện cho các CLB ca trù giao lưu học hỏi, khơi dậy niềm đa mê cống hiến của các nghệ nhân.
CLB ca trù hoạt động mạnh nhất hiện nay ở TX. Ba Đồn là CLB trực thuộc Trung tâm VHTT thị xã với 12 thành viên được tuyển từ cơ sở, các trường học và 3 viên chức của đơn vị do ca nương Phạm Thị Tuyết, “cây” ca trù có tiếng của tỉnh làm chủ nhiệm. Điểm nổi bật của CLB này là đa số thành viên đều có tuổi đời trẻ, một số người được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức, CLB còn tham gia truyền dạy ca trù và các làn điệu dân ca cho các CLB xã, phường, đội ngũ giáo viên dạy nhạc ở các trường học.
 
Các CLB đã có sự đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết với nghệ thuật, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, trao truyền để ca trù tồn tại, phát triển theo thời gian.
 
Tạo sức sống bền lâu
 
Sở dĩ ca trù ở Ba Đồn được khôi phục và phát triển, ngoài sự nỗ lực của các nghệ nhân còn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của thị xã. Trong các liên hoan ca trù do tỉnh tổ chức, thị xã đều hỗ trợ kinh phí để 4 CLB trên địa bàn tham gia, thay vì chọn 1 đội đại diện như các đơn vị khác nhằm tạo điều kiện cho các CLB giao lưu học hỏi, khơi dậy niềm đam mê, sự cống hiến của các nghệ nhân.
 
Năm 2017, từ nguồn kinh phí thị xã cấp, Trung tâm VHTT đã tiến hành hỗ trợ cho các CLB mua sắm trang phục, đạo cụ như đàn đáy, trống chầu… Đặc biệt, qua các đợt tập huấn ca trù do Sở VH-TT tổ chức tại trung tâm, các đào, kép (người hát và người đàn) được tiếp thu nhiều bài học quý từ những nghệ nhân nổi tiếng ở Hà Nội truyền dạy.
 
Trung tâm VHTT còn hỗ trợ chuyên môn để các CLB tự tin khi biểu diễn tại các sân khấu lớn. Người có nhiều kinh nghiệm trong công việc này là chị Ngô Thị Trà Nhi, thành viên CLB ca trù Trung tâm VHTT thị xã. Chị Nhi là người xây dựng, mô phỏng các điệu múa cổ trong từng tiết mục biểu diễn theo 3 không gian chính của ca trù, gồm; Hát cửa quyền, hát chơi, hát thờ, tạo cho các tiết mục hài hòa giữa hát và múa.
 
Ông Ngô Quốc Cường cho biết thêm: Ca trù là loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng, sử dụng ngôn ngữ bác học nên việc soạn lời mới cho các bài hát là rất khó. Vì vậy, đa số các CLB đều chọn bản cổ để tập luyện, biểu diễn, càng cổ lại càng hay bởi câu từ, ngữ nghĩa phong phú.
 
Nghệ nhân dân gian (NNDG) là những người có công rất lớn trong việc bảo tồn các làn điệu ca trù cổ. Tại CLB ca trù Quảng Trung có bà Lệ Thị Liệu (92 tuổi) gắn bó với ca trù gần trọn 1 thế kỷ. Bà được Hội VNDG Việt Nam công nhận danh hiệu NNDG Việt Nam, được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp VNDG Việt Nam.
 
Anh Nguyễn Trung Hải, Chủ nhiệm CLB ca trù Quảng Trung cho hay: Dù tuổi cao sức yếu nhưng giọng hát của nghệ nhân Lê Thị Liệu còn rất tốt. Vì vậy, CLB luôn ghi âm lại những bài ca cổ do bà thể hiện làm tư liệu truyền dạy cho các thế hệ sau. Anh Nguyễn Trung Hải cũng là thành viên duy nhất của CLB sử dụng được đàn đáy nhờ tham gia các lớp tập huấn do Sở VHTT tổ chức.
 
Ngoài ra, anh còn tìm gặp nghệ nhân “gạo cội” Hồ Xuân Thể ở CLB ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch) để học hỏi và chính nghệ nhân Thể là người tiếp thêm cho anh ngọn lửa tình yêu với nhạc cụ dân tộc này. Anh Hải trải lòng: "CLB vẫn thường xuyên động viên, tìm tòi những gương mặt trẻ để truyền dạy nhằm kế cận thế hệ người cao tuổi. Vì chỉ có như thế mới giữ được ca trù, “báu vật” của quê hương."
 
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động truyền dạy, biểu diễn ca trù và các làn điệu dân ca bị gián đoạn. Song, trong mỗi người dân, nhất là những NNDG, các giá trị văn hóa của làng quê vẫn được nâng niu, gìn giữ để những câu dân ca còn mãi với thời gian.
 
TX. Ba Đồn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có ca trù. Sự nỗ lực gìn giữ đó không chỉ góp phần bảo tồn mà còn từng bước đưa ca trù vốn đã bén rễ, bám sâu trong đời sống sinh hoạt của người dân các địa phương đi vào đời sống của xã hội hiện đại, tạo sức sống bền lâu.
                                                                                                Nh.V

tin liên quan

Giữ mạch thông tin giữa mùa dịch

(QBĐT) - Trong những ngày cả tỉnh "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành "cánh tay nối dài" giúp chính quyền địa phương kịp thời cung cấp cho người dân những tin tức về tình hình dịch bệnh, giữ mạch thông tin giữa mùa dịch.

"Quảng Bình niềm tin chiến thắng"

(QBĐT) - Đó là tựa đề ca khúc mới của nhạc sỹ Lê Đức Trí, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Sân khấu hậu giãn cách: Nhà hát đã sẵn 'của để dành' cho ngày mở màn

Ngay khi đại dịch đang căng thẳng, các nghệ sỹ vẫn âm thầm thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng chào đón khán giả trở lại nhà hát một ngày không xa.