Nhà giàn, ngày bình yên

  • 07:37 | Thứ Hai, 04/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hôm con tàu Trường Sa 571 chở chúng tôi đến đây, vùng biển Ba Kè quá phẳng lặng. Phẳng lặng tới mức tôi cứ tưởng biển đã hóa thành mảnh ao làng quen thuộc soi bóng mây lững lờ trôi. Từ trên mạn tàu, xa xa tôi thấy rõ mồn một bãi san hô lung linh trong nước biển màu xanh ngọc bích. Trên mặt nước lặng yên huyền ảo đó có hai nhà giàn, một thuộc thế hệ cũ, một của thế hệ mới. Xuồng hạ xuống để chở đoàn công tác Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), kíp làm phim ký sự của Đài Truyền hình Việt Nam và các nhà báo vào nhà giàn DK1/20 chẳng có gì khó khăn cả. Tạ ơn trời biển đã phù hộ cho chúng tôi có chuyến đi Trường Sa và vùng DK1 cực kỳ êm ả, suôn sẻ.
 
Ở vùng nước mà một năm có đến bảy, tám tháng biển động thì sự yên lặng như ngày hôm nay quả là món quà quý, rất quý của đại dương ban tặng cho chúng tôi. Có không ít đoàn công tác của đất liền khi đến đây gặp phải gió to sóng lớn, biển chao lắc sàng sảy liên hồi, tàu không dám liều lĩnh hạ xuồng đưa người vào nhà giàn.
 
Lúc đó, người trên tàu, người ở nhà giàn chỉ biết chào hỏi, nói chuyện và hát cho nhau nghe qua điện thoại. Những Ca dao em và tôi, Khúc hát sông quê, Thơ tình người lính biển... mờ tỏ, chập chờn như có, như không qua sóng mạng điện thoại không dây. Nói trong nước mắt. Hát trong nước mắt. Cố nén lại cho đồng đội yên lòng mà nước mắt vẫn ứa ra, chảy ra, ngậm ngùi, sụt sịt. Con tàu lắc lư trong sóng cả, buồn bã cất lên ba hồi còi tạm biệt.
 
Còn trong tình huống này, tôi tin chắc ai đã một lần trải qua chắc ám ảnh suốt đời. Ám ảnh. Không có từ khác có thể thay thế cho nó, chính xác là như vậy. Bão! Bão đổ bộ vào đất liền dữ dội một thì cùng với sức gió ấy, ở giữa biển thấy kinh hoàng hơn gấp trăm lần. Những ngọn sóng quá thừa thãi năng lượng, hung hăng, lồng lộn cuộn lên như chực cuốn phăng, nuốt gọn, bẻ gãy tất cả mọi thứ nhô trên đại dương.
Nhà giàn DK 1. Ảnh: Xuân Phú
Nhà giàn DK 1. Ảnh: Xuân Phú
Cơn cuồng nộ của biển vốn là nỗi kinh hoàng muôn thuở của ngư dân, chắc ai cũng rõ điều đó. Với lính nhà giàn cũng vậy thôi, họ là con người nên sợ bão cũng chẳng có gì lạ. Sợ, nhưng chấp nhận đương đầu với bão tố, không rời khỏi nhà giàn khi chưa có mệnh lệnh của chỉ huy, đó lại là câu chuyện khác.
 
Câu chuyện về những người dũng cảm, những anh hùng giữ nước có trong thời bình. Thế hệ nhà giàn cũ được dựng lên trong vùng biển được đặt tên DK1, thuộc thềm lục địa phía Nam đất nước ta thực sự mong manh trước các cơn bão.
 
Chắc chúng ta chưa quên cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp mười hai quét qua biển Đông vào tháng 12-1998. Sáng ngày 13-12, nhà giàn Phúc Nguyên 2A không trụ nổi đã chao nghiêng rồi bị sóng đánh sập, khiến chín cán bộ, chiến sỹ của chúng ta ở trên đó bị rơi xuống biển. Kiệt sức vì đói, rét và cả sự cô đơn nữa nhưng chín người lính không ai buông xuôi. Con tàu trực chiến trên biển lúc đó cũng không chịu đầu hàng. Họ băng sóng dữ, gió lớn đi tìm đồng đội. Sáu chiến sĩ đã được cứu sống. Còn ba người vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.
 
Trước khi vào nhà giàn DK1/20 đoàn công tác và tàu 571 đã làm lễ truy điệu các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong cơn bão này. Tôi khóc, nhiều người khóc khi nghe lời tưởng niệm. Những cành hoa cúc vàng tươi như nắng châu thổ và những con hạc giấy bé nhỏ được thả xuống biển. Cúc vàng và hạc giấy có chuyển đến cho các anh những thầm thì thương nhớ và khát vọng yên bình. Của mỗi người. Của dân tộc. Của hôm qua. Của hôm nay. Của ngày mai. Được gửi gắm vào trong đó.
 
Chính vì thế mà trong kế sách giữ nước phải biết phòng giặc từ xa, chúng ta quyết tâm xây dựng hệ thống nhà giàn trên thềm lục địa ở phía Nam đất nước. DK1 ra đời, đó là cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật được Việt Nam xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, cách đất liền khoảng từ 250 đến 350 hải lý. Hơn hai mươi nhà giàn đã mọc lên trên các vùng biển ở bãi cạn Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau. DK1 nối liền với Trường Sa làm thành lá chắn bảo vệ Tổ quốc trên biển Đông.
 
Năm 2000, tôi đã đến đây, được leo lên nhà giàn thế hệ cũ chỉ rộng khoảng 45m2. Nhà giàn lúc ấy chỉ có bốn chân đế, đương nhiên bé nhỏ hơn nhà giàn bây giờ nhiều. Còn nhớ, trên nhà giàn lính ta có nuôi một chú gà trống rất đẹp mã. Hỏi một chàng lính: “Nhà giàn chật chội thế này các em nuôi gà làm gì?”. Cười rất hồn nhiên, lính trả lời: “Bọn em nuôi gà trống cho nó gáy để được nghe tiếng quê anh ạ!”. Tiếng gà. Tiếng quê. Lính nói đấy. Tôi đã từng nghe tiếng quê trên nhà giàn mười chín năm trước đây. Dõng dạc o ò o...o ò o.
 
Nếu ví nhà giàn thời đó là ngôi nhà cấp bốn thì nhà giàn bây giờ giống như tòa lâu đài vậy. Nhà giàn thế hệ mới có sáu chân đế to lớn và kết cấu rất vững chắc. Anh em nói rằng, nhà giàn mới có thể chịu đựng được bão cấp 15. Nó cao lớn, hoàng tráng như một toà nhà năm, sáu tầng vậy. Leo từ mặt nước lên đến sân thượng (bãi đỗ trực thăng khi cần thiết) phải qua hàng trăm bậc cầu thang, mệt bở hơi tai. Phục ai đã thiết kế ra nhà giàn thế hệ mới này, vừa vững chãi vừa thanh thoát.
 
Sắt thép giăng giăng mà không hề có cảm giác nặng nề. Không gian càng nhẹ nhàng trữ tình hơn với những khoảnh vườn của lính. Rau nhiều loại xanh mởn, bí đao lúc lỉu trên giàn. Đu đủ mấy hàng đứng sát lan can. Chuối mẹ che chở chuối con. “Tết vừa rồi, cây chuối này trổ buồng rồi đó anh ạ”, Đại úy Chính trị viên Trương Xuân Thắng khoe với tôi. Trẻ trồng na, già trồng chuối.
 
Các chàng lính trẻ nhà giàn trồng chuối chắc cũng vì muốn tựa vào một tiếng quê. Nhìn cây cho vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Cũng như nuôi gà cho mỗi sớm, mỗi chiều có tiếng gáy thương quen. Các loại cây và rau đều trồng trong khay, hộp nhựa và đất được đóng gói mang từ đất liền ra.
 
Lính đảo, lính nhà giàn thường phải xa nhà lâu. Sự cách xa người thân của những người anh em ta không tính bằng ngày mà phải đo bằng tháng, bằng năm. Tình cờ gặp được hai chú em đồng hương Quảng Bình trên nhà giàn DK1/20. Cũng gắn bó lâu lâu với nhà giàn. Trương Anh Đào, sinh năm 1977, nhập ngũ năm 1995, quê ở xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn. Đào đã có vợ và hai con. Trương Thế Anh, sinh năm 1985, nhập ngũ năm 2006, quê Quảng Hòa, TX. Ba Đồn. Vợ anh là giáo viên. Con của anh là một cặp sinh đôi đang còn nhỏ. Biết tôi ở huyện Bố Trạch, đồng hương cấp tỉnh nên các em rất cởi mở tâm sự. Rôm rả chuyện quê, chuyện nhà mình, nhà giàn...
 
Nhà giàn đang được tận hưởng một số phát minh hiện đại của nhân loại. Dàn pin mặt trời cung cấp điện cho sinh hoạt trên nhà giàn. Hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt. Ca bin thoát nạn khi nhà giàn gặp sự cố. Sân đỗ cho máy bay trực thăng khi cần thiết. Nơi ăn ở thoáng đãng, sạch sẽ.
 
Nhưng có lẽ cái không gì thay thế được vẫn là tình cảm. Nhớ lại cảnh cán bộ, chiến sỹ nhà giàn cùng kề vai với các thành viên đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần hát bài quan họ Người ở đừng về tôi còn rưng rưng. Đấy là một cảnh cần có trong phim nhưng sau vài lần hát thử thì tất cả mọi người đều hóa thân thành liền anh, liền chị hát say sưa.
 
Cái làn điệu cần sự vang rền nền nẩy rất kén chọn người hát bỗng trở thành tiếng lòng của mọi người. Hát như mình là người quan họ vậy, hát vì sắp phải chia tay, chẳng biết bao giờ lại được gặp nhau. Hát như được thay mặt biển đảo. Hát như là đại diện của đất liền. Khúc huê tình nổi tiếng vùng Kinh Bắc cất lên trên nhà giàn cũng là một minh chứng đẹp đẽ cho văn hóa giữ nước của dân tộc mình.
 
Một dân tộc có cội nguồn, có giang sơn và có cả hòa bình. Hạnh phúc mang tên gọi Việt Nam là ở đấy chứ còn đâu nữa. Liền chị, liền anh mang áo lính người ở lại, người về níu náu, dùng dằng Người ơi...người ở đừng về...
 
Chưa bao giờ tôi nghe những câu quan họ da diết và cảm động đến thế đồng đội ơi, nhà giàn ơi!
 
Bút ký của Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Giữ mạch thông tin giữa mùa dịch

(QBĐT) - Trong những ngày cả tỉnh "căng mình" phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên báo chí, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành "cánh tay nối dài" giúp chính quyền địa phương kịp thời cung cấp cho người dân những tin tức về tình hình dịch bệnh, giữ mạch thông tin giữa mùa dịch.

"Quảng Bình niềm tin chiến thắng"

(QBĐT) - Đó là tựa đề ca khúc mới của nhạc sỹ Lê Đức Trí, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Sân khấu hậu giãn cách: Nhà hát đã sẵn 'của để dành' cho ngày mở màn

Ngay khi đại dịch đang căng thẳng, các nghệ sỹ vẫn âm thầm thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng chào đón khán giả trở lại nhà hát một ngày không xa.