Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mất tiền vì... xuất khẩu lao động

  • 07:27 | Thứ Hai, 13/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn tố giác của chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1987, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, Bố Trạch) phản ánh bản thân nộp tiền vào một đường dây xuất khẩu lao động (XKLĐ) do người cùng xã tổ chức. Vì tin tưởng, chị Hoa đã đóng hàng trăm triệu đồng vào đường dây này từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn không xuất cảnh được, gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
 
“Tiền mất, tật mang”
 
Theo đơn trình bày của chị Nguyễn Thị Hoa, năm 2019, qua lời giới thiệu của người thân, ông Nguyễn Văn Khiếng và ông Hoàng Quốc Mạnh cùng trú tại thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch (ông Khiếng là cha dượng của ông Mạnh, hiện tại ông Mạnh đang ở CHLB Đức) gặp chị Hoa và cho biết hai ông có đường dây làm thủ tục đưa người đi XKLĐ sang Đức. Qua liên lạc với chị Hoa trên Facebook, ông Hoàng Quốc Mạnh hứa sau khi nộp đủ số tiền thì sẽ có visa để bay. Tổng số tiền trọn gói để chị Hoa sang Đức theo như thỏa thuận giữa ông Mạnh và chị Hoa là 17.500 Euro.
 
Giấy nhận tiền viết tay có bút tích và chữ ký của hai ông Nguyễn Văn Khiếng, Hoàng Quốc Mạnh.
Giấy nhận tiền viết tay có bút tích và chữ ký của hai ông Nguyễn Văn Khiếng, Hoàng Quốc Mạnh.

Tin tưởng lời ông Mạnh, với lại là người cùng xã, chị Hoa nhiều lần nộp tiền cho hai ông (quá trình chị Hoa đưa tiền, hai ông Khiếng và Mạnh có viết giấy biên nhận bằng tay), số tiền tương đương hơn 339 triệu đồng.

Cụ thể, lần thứ nhất vào ngày 24-9-2019, ông Nguyễn Văn Khiếng nhận từ chị Hoa 54 triệu đồng và một cuốn hộ chiếu. Ngày 15-11-2019, khi ông Mạnh về nước, chị Hoa tiếp tục đóng cho ông Mạnh 7.000 Euro (khoảng hơn 190 triệu đồng). Sau khi nhận tiền một thời gian, ông Mạnh điện thoại cho chị Hoa bảo đã có visa, muốn xuất cảnh nhanh thì phải đóng thêm tiền. Ngày 11-3-2020, chị Hoa nộp thêm cho ông Khiếng 2.500 Euro (gần 68 triệu đồng). Đến ngày 27-8-2020, ông Hoàng Quốc Mạnh thông báo cho chị Hoa visa đã hết hạn, phải gia hạn visa lần thứ hai, chị Hoa tiếp tục nộp cho ông Khiếng thêm 27 triệu đồng.
 
Thế nhưng thời gian trôi qua hơn 3 năm, con đường xuất cảnh của chị Hoa vẫn xa vời vợi. Nhiều lần chị Hoa tìm gặp ông Khiếng, liên hệ với ông Mạnh thì hai người viện lý do vì dịch Covid-19 nên không thể bay được.
 
Thời gian chờ đợi quá lâu, chị Nguyễn Thị Hoa xin rút lại tiền, tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Mạnh trả lời là số tiền hơn 339 triệu đồng đó đã chi phí hết cho việc làm hồ sơ, chạy visa. Qua tìm hiểu, chị Hoa biết rằng hai ông Nguyễn Văn Khiếng, Hoàng Quốc Mạnh không phải là người làm trong công ty XKLĐ và không có chức năng đưa người đi XKLĐ.
 
Cần làm rõ có hay không yếu tố lừa đảo
 
Lần theo địa chỉ đơn tố giác, chúng tôi về xã Thanh Trạch gặp chị Nguyễn Thị Hoa. Gia cảnh của chị Hoa khá đặc biệt, vợ chồng ly dị nhau hơn 3 năm; là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ; hiện tại đang ở nhờ nhà bà ngoại…
 
Chị Hoa trình bày: “Vì gia đình quá khó khăn, muốn kiếm tiền lo cuộc sống cho hai con đang tuổi ăn, tuổi học nên tôi quyết định chọn con đường XKLĐ. Để có tiền đóng cho đường dây của ông Mạnh, tôi đã mượn sổ đỏ của mẹ thế chấp ngân hàng vay 450 triệu đồng. Hiện tại vẫn nợ ngân hàng 350 triệu đồng là số tiền đã nộp vào đường dây XKLĐ của ông Mạnh”.
 
Chị Nguyễn Thị Hoa trình bày lại sự việc của mình.
Chị Nguyễn Thị Hoa trình bày lại sự việc của mình.
Vì đòi lại tiền không được từ hai ông Nguyễn Văn Khiếng, Hoàng Quốc Mạnh, chị Nguyễn Thị Hoa viết đơn gửi cho UBND xã Thanh Trạch và một số cơ quan chức năng khác.
 
Trao đổi với ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, ông Huấn xác nhận là có tiếp nhận đơn của chị Nguyễn Thị Hoa và giao cho Công an xã xem xét, xử lý, báo cáo cấp trên nếu thấy có yếu tố lừa đảo. Ông Huấn cũng bày tỏ quan điểm: “Ông Hoàng Quốc Mạnh không đủ chức năng đưa người đi XKLĐ mà nhận tiền của chị Hoa để thực hiện là trái pháp luật. Việc ông Khiếng, ông Mạnh nhận tiền của chị Hoa là có thật. Xã đề nghị hai bên hòa giải, tự thỏa thuận trên phương diện tình cảm, đừng để pháp luật can thiệp thì sự việc sẽ phức tạp thêm”.
 
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Khánh Giang, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Thanh Trạch chia sẻ: “Những đường dây đưa người XKLĐ sang CHLB Đức như ông Hoàng Quốc Mạnh là bất hợp pháp, trái pháp luật. Trên địa bàn xã cũng đã có rất nhiều trường hợp tương tự như chị Hoa và rủi ro đã xảy ra, “tiền mất, tật mang”.

Tại buổi làm việc do Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội LHPN Việt Nam tỉnh chủ trì vào tháng 5-2021 có đầy đủ các thành phần: UBND xã, Công an xã, Hội LHPN Việt Nam xã, chị Nguyễn Thị Hoa, ông Nguyễn Văn Khiếng…, ông Khiếng thừa nhận có nhận tiền từ chị Hoa 3 lần, tổng cộng 2.500 Euro và 81 triệu đồng. Nhiều lần ông Khiếng động viên con là Hoàng Quốc Mạnh trả lại tiền cho chị Nguyễn Thị Hoa nhưng ông Mạnh vẫn chây ỳ.

Ông Hoàng Văn Khiếng nhất trí với kết luận cuộc họp là cố gắng tác động ông Hoàng Quốc Mạnh sớm trả lại tiền cho chị Hoa trong vòng thời gian 10 ngày (từ ngày 12 đến ngày 22-5-2021). Nếu quá thời hạn trên, chị Hoa sẽ tiếp tục gửi đơn đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ.
 
“Tuy nhiên, từ đó đến nay đã quá 6 tháng, hai ông Nguyễn Văn Khiếng và Hoàng Quốc Mạnh vẫn không một lần liên hệ với tôi. Buộc lòng tôi phải viết đơn kêu cứu, tố giác nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc”, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết thêm.
 
Thanh Long

tin liên quan

Quản lý đất rừng tại Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long: Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại

(QBĐT) - Qua công tác rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, quản lý tổ chức sản xuất tại đơn vị trực thuộc là Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long (LTVL), Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (gọi tắt là Công ty Long Đại) đã yêu cầu lâm trường tập trung xử lý dứt điểm một số lĩnh vực chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và công ty trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.

Vì sao chưa bão, kè Nhật Lệ đã bị sập?

(QBĐT) - Liên quan đến tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập, dư luận trên địa bàn tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ: Tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập là do thiết kế, thi công hay do các điểm sập của kè "bị rơi" vào vị trí xung yếu?

Chuyển đến nơi làm việc mới tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới)

(QBĐT) - Ngày 24-9-2021, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh ban hành văn bản số 1718/PC08, thông báo chuyển đến nơi làm việc mới của bộ phận xử lý vi phạm hành chính. Nội dung như sau: