.
Ý kiến bạn đọc:

Cần sớm xây dựng bia tưởng niệm 14 liệt sỹ hy sinh tại cầu Hồ

.
13:56, Chủ Nhật, 18/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây hơn 50 năm, ngày 15-7-1968, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, 150 thanh niên tỉnh Ninh Bình đã tình nguyện lên đường, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước.

Có 3 đơn vị gồm C903, C905, C906 được thành lập để chi viện cho chiến trường B4 (Quảng Bình, Vĩnh Linh). Khi hành quân đến Quảng Bình, được Ty Giao thông vận tải bố trí vào Công trường 060 (thường gọi “Rô sáu mươi”), quản lý các trọng điểm từ Ba Đồn đến “cung đường lửa” 15A.

NGH
Một trong 14 Giấy báo tử của Ty Giao thông vận tải Quảng Bình.

Tiếp đó, do yêu cầu công tác, 3 đơn vị sát nhập lấy phiên hiệu là B4-C906, được phân công chốt giữ các vị trí quan trọng trên Quốc lộ 1A, từ đỉnh đèo Ngang đến Lệ Thủy và khu vực Vĩnh Linh.

Cán bộ chiến sỹ B4-C906 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, san lấp hố bom, mở đường, nối tuyến... tại hàng chục trọng điểm đánh phá của địch. Trong hơn 2 năm, có 21 đồng chí hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương. Lòng căm thù giặc càng thôi thúc họ quyết tâm bám trụ với cung đường, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Một trong những sự kiện đau lòng, bi tráng nhất đối với đơn vị, đó là trận ném bom ngày 21-11-1970 của máy bay Mỹ tại cầu Hồ.

Nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc xã Quảng Hưng (Quảng Trạch). Trong chống Pháp, cầu Hồ là thế trận bày sẵn của du kích Quảng Hưng và bộ đội địa phương. Tháng 3-1948, được tin địch tổ chức càn quét theo Quốc lộ 1A, có hai xe ô-tô yểm trợ, ta đặt bom và phục kích sẵn. Khi chúng lọt vào vị trí, ta giật bom và đồng loạt nổ súng, nhiều tên chết và bị thương, hai ô-tô bị cháy(1).

Trong chống Mỹ, bị thất bại ở cả hai miền, ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Đây là thời cơ để ta tranh thủ chi viện cho chiến trường, nhiệm vụ đảm bảo giao thông lúc này càng khẩn trương, quyết liệt.

NGH
Một trong 14 Giấy chứng nhận hy sinh của Ty Giao thông vận tải Quảng Bình.

Sau thời gian bạt núi, lấp hàng chục hố bom do máy bay Mỹ ném xuống tuyến đường đèo Ngang vốn rất hiểm trở để hàn gắn mặt đường, C906 cơ động đến cầu Hồ. Trái với tuyên bố của Nhà trắng, đế quốc Mỹ vẫn cho máy bay, tàu chiến đánh phá, cản trở các hoạt động của ta. “Trên địa bàn xã Quảng Hưng nhiều lần máy bay Mỹ đánh vào các trọng điểm giao thông ở cầu Hồ, cầu Càng và cầu Tú Loan”(2).

Tại cầu Hồ vào lúc 13 giờ ngày 21-11-1970, đơn vị đang san lấp hố bom, gia cố hai mố cầu tạm và ta-luy đường. Bất ngờ, 2 máy bay F4 của Mỹ từ biển vào, thi nhau trút bom xuống hiện trường, làm 13 TNXP hy sinh tại chỗ. Trong số hàng chục chiến sĩ bị thương, có thêm 1 đồng chí hy sinh tại Bệnh viện Quảng Trạch. Trận ném bom còn cướp đi sinh mạng của 8 người dân ở chòm Ngạnh, xã Quảng Hưng. Đáng nói là trong số các liệt sỹ (gồm 5 nam và 9 nữ), có trường hợp hai vợ chồng cùng đơn vị nhưng chồng sống sót, còn vợ đã gửi lại tuổi thanh xuân nơi trận địa.

Đó là ông Trần Văn Tạo, hiện sinh sống ở thành phố Ninh Bình, vợ ông là liệt sĩ Phạm Thị Sửu. Đa số họ qua đời ở tuổi 20-21, riêng đồng chí Lê Thị Nhật ở huyện Yên Khánh, đúng 16 tuổi lên đường, lúc hy sinh chị vừa tròn 18 tuổi. Điều xót xa hơn, trong 14 liệt sỹ chỉ 8 đồng chí có phần mộ, đối với 6 liệt sỹ khác, thân thể của họ đã hòa vào lòng đất mẹ Quảng Hưng thân yêu.

Để ghi dấu tội ác chiến tranh qua hai cuộc kháng chiến và thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, lãnh đạo xã Quảng Hưng đã liên hệ với Ban liên lạc Cựu TNXP B4-C906 và BCH Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, lập tờ trình, tham mưu cho các cấp chính quyền, cho phép xây dựng Bia tưởng niệm 14 liệt sỹ TNXP B4-C906 cùng các chiến sĩ quân đội của địa phương đã hi sinh tại cầu Hồ.

Nguyện vọng trên đã được UBND huyện Quảng Trạch chấp nhận. Tỉnh Ninh Bình cũng sẵn sàng phối hợp, đóng góp kinh phí cho công trình mang nhiều ý nghĩa này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay việc xây dựng Bia tưởng niệm tại khu vực cầu Hồ vẫn chưa tiến triển.

Cầu Hồ trên Quốc lộ 1A hôm nay.
Cầu Hồ trên Quốc lộ 1A hôm nay.

Theo ông Đinh Đức Hưng, Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP B4-C906: “Sau chiến tranh, các chiến sỹ trở về địa phương, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, cùng con cháu phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cựu TNXP vẫn tích cực dành dụm, đóng góp, chung sức cùng xã Quảng Hưng, sớm xây dựng Bia tưởng niệm các liệt sỹ, trong đó có 14 liệt sĩ B4-C906”.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hưng, địa phương đang tích cực kêu gọi, huy động các nguồn lực, chuẩn bị cho việc xây dựng Bia tưởng niệm các liệt sỹ, dự kiến được đặt tại chân cầu Hồ. Công trình sẽ là nơi để các thân nhân liệt sỹ tìm về, tưởng niệm người thân; để những đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại những năm tháng oanh liệt, hào hùng. Đồng thời, giáo dục truyền thống, giúp thế hệ trẻ biết quý trọng giá trị của độc lập tự do, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, nghỉ hưu ở thôn Hòa Bình cho rằng: “Bia tưởng niệm hoàn toàn không phải xây cho người đã khuất, nó chính là vật chứng để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc”. Ý nghĩa của công trình là không thể phủ nhận.

Chính vì vậy, không riêng Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình mà nguyện vọng của cán bộ, nhân dân địa phương đều mong muốn. Các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để cầu Hồ sớm trở thành di tích lịch sử được xếp hạng và nơi đây sớm trở thành một địa chỉ tâm linh.    

Nguyễn Tiến Nên

____________

(1). Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Hưng Tập I (1930-2000) trang 58.

(2). Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Hưng Tập I (1930-2000) trang 125

 

,