icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

HĐND các huyện đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022

  • 14:41 | Thứ Năm, 15/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 15-16/12, HĐND huyện Lệ Thủy khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 7 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự khai mạc kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Công Huấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Văn Bảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện đã được nghe một số báo cáo, như: Báo cáo của Thường trực HĐND về tình hình hoạt động năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; báo cáo của UBND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; báo cáo của Ban Th­ường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam về công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2022, nhiệm vụ năm 2023, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2022, nhiệm vụ năm 2023; báo cáo của Toà án nhân dân về kết quả hoạt động của Tòa án năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và các báo cáo, tờ trình quan trọng khác.

Năm 2022, huyện Lệ Thủy đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng, như: Giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5,05%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng tăng 13,75%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 17,09%; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 88.548 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,82 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 370 tỷ đồng…

Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá-thông tin và thể thao, lao động-thương binh và xã hội, công tác nội vụ, dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh-quốc phòng và thực thi pháp luật được giữ vững…

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của đợt lũ lụt đầu vụ nên năng suất, sản lượng lúa không đạt kế hoạch; một số xã, thị trấn còn thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp một số khu vực còn gặp khó khăn do có sự chồng lấn giữa diện tích trồng rừng của hộ dân với các đơn vị chủ rừng; công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản ở một số đơn vị thiếu chặt chẽ, qua thanh tra phát hiện một số công trình còn sai sót; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mạnh, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn…

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện đã tập trung thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023 và tiến hành chất vấn thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan về các vấn đề mà cử tri quan tâm.

Kỳ họp cũng thông qua các nghị quyết quan trọng, gồm: Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2023 của HĐND huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026; nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023; dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước huyện Lệ Thủy năm 2023; phân bổ dự toán chi ngân sách cấp huyện năm 2023; kế hoạch đầu tư công của huyện (nguồn vốn ngân sách huyện quản lý) năm 2023.

Ngọc Hải

* Trong hai ngày 15 và 16/12, HĐND huyện Minh Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp lần thứ 9 nhằm đánh giá, thảo luận và thông qua một số dự thảo nghị quyết quan trọng.  

Quang cảnh tại kỳ họp.
Quang cảnh tại kỳ họp.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo, tờ trình liên quan đến những nội dung, gồm: Kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023 của HĐND huyện; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình dư luận, tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân và MTTQVN huyện Minh Hóa tại kỳ họp lần thứ 9 HĐND huyện khóa XX; kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023 của TAND, VKSND huyện; công tác giám sát của Thường trực HĐND huyện về việc thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số ít người giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn huyện. 
 
Ngoài ra, các đại biểu còn nghe các tờ trình liên quan đến việc đề nghị HĐND huyện thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; dự toán thu, chi ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách huyện năm 2023; điều chỉnh quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (nguồn vốn ngân sách huyện quản lý); điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn; kế hoạch đầu tư công năm 2023 (nguồn vốn ngân sách huyện quản lý); lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tại địa bàn huyện; kế hoạch sử dụng đất năm 2023; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2023 của HĐND huyện.
 
Kỳ họp cũng dành thời gian để Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội huyện Minh Hóa báo cáo với các đại biểu tham dự về công tác thẩm tra các dự thảo, nghị quyết liên quan tới những nội dung được trình tại kỳ họp. 
Các đại biểu nghiên cứu, thảo luận và chuẩn bị thông qua nhiều nghị quyết quan trong ở kỳ họp.
Các đại biểu nghiên cứu, thảo luận và chuẩn bị thông qua nhiều nghị quyết quan trọng ở kỳ họp.
Năm 2022, huyện Minh Hóa triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn và thử thách.
 
Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nỗ lực cao của nhân dân, bức tranh kinh tế-xã hội huyện Minh Hóa ngày càng có sự chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ổn định, cơ sở vật chất, hạ tầng không ngừng được nâng cấp, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
 
Cụ thể, về chỉ tiêu kinh tế, thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện được 50.310 triệu đồng, đạt 151% dự toán giao; tổng diện tích gieo trồng toàn huyện thực hiện được 4.507,1 ha, đạt 88,05 kế hoạch; tổng sản lượng lương thực 11.061,2 tấn, đạt 99,5% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.201 tấn, bằng 100,6 % kế hoạch; diện tích rừng trồng mới tập trung 1.550 ha, đạt 169% kế hoạch.
 
Đối với các chỉ tiêu xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 7,9%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,65% so với năm 2021; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 87%, đạt 100% so với kế hoạch; số trường đạt chuẩn quốc gia 17 trường, đạt 85% kế hoạch; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%.
 
Ngoài ra, các chỉ tiêu về môi trường về tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 78,33%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,1%... 
 
Sau khi tiến hành phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND huyện Minh Hóa sẽ tiến hành thông qua 8 nghị quyết quan trọng.
 
Văn Minh
 
* Sáng 15/12, HĐND huyện Tuyên Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 7 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022) để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và quyết định một số vấn đề quan trọng theo thẩm quyền.
Lãnh đạo huyện báo cáo kết quả tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa báo cáo kết quả tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.
Tại kỳ họp, đại biểu đã nghe các báo cáo của Thường trực HĐND huyện về kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và báo cáo trả lời ý kiến cử tri của UBND huyện. Trong phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh nđã thông tin khái quát về kết quả kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII.
 
Theo báo cáo, năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Tuyên Hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp được mùa. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giá trị thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công đạt cao. Các lĩnh vực văn hoá-xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo đều đạt kết quả tích cực.
Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2022 của huyện Tuyên Hóa đạt 10,94%. Thu ngân sách trên địa bàn thực hiện trên 147 tỷ đồng, đạt 172% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người 46,1 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2021. Tổng sản lượng lương thực hơn 23.500 tấn, đạt 127,4% kế hoạch.
 
Năm 2023, huyện Tuyên Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển nông nghiệp toàn diện theo chiều sâu; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. 
 
Theo chương trình đề ra, kỳ họp dự kiến thông qua 8 dự thảo nghị quyết quan trọng và diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 15-16/12/2022.
 
Dương Công Hợp

 

tin liên quan

Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU

Các lãnh đạo dự hội nghị khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU...
 

Sở Giao thông vận tải trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của Sở Giao thông vận tải về những vấn đề cử tri quan tâm.

Các sở, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vấn đề cử tri quan tâm.