icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đối mặt nguy cơ sạt lở

  • 06:26 | Thứ Tư, 21/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, địa hình phức tạp nên cứ đến mùa mưa lũ, nhiều khu vực trên địa bàn Quảng Bình lại đối mặt với nguy cơ sạt lở. Trong đó, nguy hiểm nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở cao hiện vẫn đang có người dân địa phương sinh sống.
 
Theo số liệu thống kê mới nhất của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN kiêm PTDS) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến sự an toàn của 1.438 hộ dân với khoảng hơn 5.900 nhân khẩu. Ngoại trừ địa bàn TP. Đồng Hới, còn lại 7 huyện, thị xã trong tỉnh đều có các khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó nhiều điểm nguy cơ sạt lở rất cao.
 
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN kiêm PTDS tỉnh cho biết: Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động phương án, chuẩn bị các điều kiện để PCTT, cảnh báo mưa lũ, sạt lở trong mùa mưa lũ tới. Các đơn vị đẩy mạnh công tác phòng ngừa với phương châm phòng là chính; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị ứng phó thiên tai và TKCN theo phương án đã xây dựng; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt; đồng thời, rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng kế hoạch, phương án di dời dân.
 
"Để chủ động PCTT và bảo đảm an toàn cho người dân, hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có mưa lũ lớn xảy ra. Địa điểm di dời người dân đến tránh trú chủ yếu là các công trình ở khu vực cao hoặc nhà cao tầng, như trụ sở UBND các xã, thị trấn, các nhà văn hóa kết hợp tránh lũ...", ông Trần Xuân Tiến cho hay.    
 
Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh cho thấy, Minh Hóa là địa phương có số lượng khu vực nguy cơ sạt lở nhiều nhất, ở khắp 14 xã, thị trấn, với 461 hộ và 1.994 nhân khẩu nằm trong diện di dời nếu mưa, lũ lớn kéo dài diễn ra tại khu vực họ đang sinh sống. Kế tiếp là Quảng Trạch 244 hộ với 1.055 nhân khẩu nằm trong các khu vực bị đe dọa sạt lở; Tuyên Hóa 236 hộ với 893 nhân khẩu; Quảng Ninh 224 hộ với 759 nhân khẩu...
Khu tái định cư mới bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) được xây dựng, khắc phục được tình trạng đe dọa sạt lở, ngập lụt của bản cũ.
Khu tái định cư mới bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) được xây dựng, khắc phục được tình trạng đe dọa sạt lở, ngập lụt của bản cũ.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: Hiện toàn tỉnh có hàng nghìn hộ dân nằm trong diện di dời nếu có tình huống lũ lụt, mưa lớn kéo dài xảy ra. Theo kết quả kiểm tra thực địa mới đây, trong số 69 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2022 thì có 9 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ cao, với diện tích khoảng 68,14ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 428 hộ dân. Các khu vực này rất nguy hiểm, cần thiết phải được đầu tư các công trình để khắc phục, nhiều điểm về lâu dài phải bố trí khu tái định cư mới cho người dân để bảo đảm an toàn.
 
"Nhu cầu đầu tư cho công tác PCTT là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí để thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Sở NN-PTNT đã lập danh mục các khu dân cư, công trình hồ, đập, đê, kè xung yếu, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão và báo cáo cho UBND tỉnh xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn đầu tư. Trước mắt, trong khi chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có phương án sẵn sàng ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân trước các tình huống thiên tai", ông Mai Văn Minh cho biết thêm.
 
Là địa phương có số lượng điểm sạt lở khu dân cư nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão nhiều nhất tỉnh, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã chú trọng xây dựng các phương án ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
 
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Qua khảo sát thực địa cho thấy, trên địa bàn huyện hiện còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở. Cứ đến mùa mưa bão, nhiều hộ dân sống ở ven suối, dưới chân núi lại thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất. Trong số đó, nguy hiểm nhất là điểm sạt lở ở thôn 1, thôn 3 Thanh Long, tiểu khu 4 và tiểu khu 3 ở thị trấn Quy Đạt với 51 hộ/231 khẩu, hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây kè xử lý sạt lở với tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng.
 
Điểm sạt lở ở đồi Hạ Vàng, trị trấn Phong Nha (Bố Trạch).
Điểm sạt lở ở đồi Hạ Vàng, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch).
Ở huyện Bố Trạch, 1 điểm có nguy cơ sạt lở cao là đồi Hạ Vàng, thị trấn Phong Nha với 36 hộ/144 khẩu bị ảnh hưởng cũng đang được địa phương hoàn tất thủ tục để thực hiện phương án xử lý hạ thấp độ cao chống sạt lở theo hình thức xã hội hóa.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Phương án xử lý hạ độ cao đồi Hạ Vàng để chống sạt lở được người dân đồng tình cao. Tuy nhiên, việc cải tạo, hạ độ cao đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách tỉnh, huyện còn hạn hẹp. UBND huyện Bố Trạch đã có công văn đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất san lấp tự bỏ kinh phí để thực hiện việc cải tạo và được tận thu đất san lấp sau cải tạo, nhằm phục vụ một số công trình, dự án trên địa bàn huyện.
 
"Đây là công trình cấp bách, cần thực hiện sớm chừng nào tốt chừng đó, tuy nhiên có một số thủ tục cần nhiều thời gian, nhất là thủ tục cấp quyền khai thác khoáng sản, đánh giá tác động môi trường và một số thủ tục khác thuộc thẩm quyền của tỉnh. Chúng tôi rất mong muốn các sở ngành chức năng tạo điều kiện để sớm thực hiện phương án xử lý hạ độ cao đồi Hạ Vàng, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống ở khu vực này. Về phía địa phương, trong khi chờ hoàn tất các thủ tục để thực hiện phương án hạ thấp đồi Hạ Vàng, chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án sơ tán 36 hộ dân khi có mưa lớn", ông Nguyễn Cẩm Long cho biết thêm.
 
Mùa mưa bão đã cận kè, để chủ động PCTT, trong khi chờ bố trí kinh phí thực hiện các công trình phòng chống sạt lở, các địa phương cần chủ động rà soát, xây dựng, vận hành hiệu quả phương án di dời và tích cực vận động những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn khi xảy ra mưa lớn, lũ lụt.
 
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh, hiện tại trên địa bàn Quảng Bình có 9 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ cao, gồm: Đồi Hạ Vàng (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch); thôn 1 Thanh Long, thôn 3 Thanh Long, TDP 4 và TDP 3 (thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa); bản Bãi Dinh, Y Leng, K-Vi, Ba Loóc, Tà Rà, K. Định, Hà Nôông (xã Dân Hóa, Minh Hóa); thôn Long Sơn, Tân Sơn, Hồng Sơn, Cây Cà (xã Trường Sơn, Quảng Ninh); thôn Đồng Lâm (xã Đức Hóa, Tuyên Hóa); thôn Lạc Sơn (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa); sạt lở bờ sông Rào Bội (xã Hương Hóa, Tuyên Hóa); thôn Lạc Hóa (xã Mai Hóa, Tuyên Hóa); thôn Minh Tiến (xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn).
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách gắn với mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

(QBĐT) - Sáng 20/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Đoàn kiểm tra 545 của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình

 (QBĐT) - Sáng nay, 20/9, Đoàn Kiểm tra 545 của Ban Bí thư Trung ương Đảng do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình để triển khai thông báo quyết định, kế hoạch và lịch làm việc của đoàn.

93% tàu cá ở Quảng Bình được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

(QBĐT) - Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).