Quyết tâm không để "dịch chồng dịch"

  • 16:49 | Thứ Năm, 28/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày gần đây, cùng với số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến khó lường ở các địa phương. Với những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, sự chủ động, linh hoạt, Quảng Bình quyết tâm không để "dịch chồng dịch", bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân.
 
Gia tăng số ca mắc Covid-19 và sốt xuất huyết
 
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 trong cả nước. Biến thể này được cảnh báo có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 và có khả năng thoát miễn dịch, những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. 
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế trao đổi công tác chống dịch cùng các đơn vị y tế Bố Trạch.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế trao đổi công tác chống dịch cùng các đơn vị y tế Bố Trạch.
Những ngày gần đây, số ca Covid-19 trên cả nước có chiều hướng gia tăng. Quảng Bình cũng nằm trong tình trạng đó, từ giữa tháng 7 đến nay số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại, nhất là trong ngày 27/7 đã tăng vọt lên 103 ca và ngày hôm nay,  28/7 tăng lên 113 ca mắc mới, trong đó, huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và TP. Đồng Hới là những địa phương có số ca mắc cao. 
 
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận trên 124.000 ca mắc Covid-19 và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng từ 1.500-2.000 ca/tháng. Nguyên nhân của sự gia tăng là do khi cuộc sống dần trở lại trạng thái “bình thường”, việc không áp dụng các biện pháp cách ly y tế, xét nghiệm khi đi lại... tạo điều kiện cho giao thương, buôn bán, tham quan du lịch tăng cao. Cùng đó, người dân sau 2 năm gồng mình chống dịch mệt mỏi về tâm lý nên nhiều người có biểu hiện lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên tham gia các hoạt động tập trung đông người... 
 
Đặc biệt, nhiều người dân có biểu hiện không muốn tiếp tục tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 với nhiều lý do khác nhau… Vì vậy, tiến độ tiêm vắc xin của tỉnh ta hiện nay đang chậm lại (tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi nhắc lại lần 1 mới đạt 59,51%; mũi nhắc lại lần 2 rất thấp được 7,31% và trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 mới đạt 64,37%). 
 
Trước sự gia tăng của các biển thể mới, sự lơ là, chủ quan của người dân, hiệu quả miễn dịch của vắc xin giảm dần theo thời gian thì nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát trên diện rộng là điều hiện hữu.
 
Bên cạnh đó, dịch SXH thời gian qua cũng có những diễn biến khó lường. Đến sáng 28/7/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 735 ca SXH. Trong đó, “điểm nóng” là 3 địa phương: Lệ Thủy 211 ca, Bố Trạch 185 ca và Quảng Ninh 121 ca. Tuy chưa có ca tử vong do SXH, nhưng tại các địa phương liên tục gia tăng số ca mắc mới và nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
 
Không để xảy ra "dịch chồng dịch"
 
Trước sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và SXH, ngay trong ngày 26/7/2022, UBND tỉnh liên tục có 2 công điện yêu cầu Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. Theo đó, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới; các đối tượng có nguy cơ cao và hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 12 tuổi trở lên. 
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Thanh Hải trực tiếp kiểm tra và thăm hỏi bệnh nhân SXH tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Thanh Hải trực tiếp kiểm tra và thăm hỏi bệnh nhân SXH tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch.
Đặc biệt, khẩn trương tiêm vắc xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp...
 
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích, hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong trước các biến thể mới của Omicron; công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn và thông tin rộng rãi để người dân biết, chủ động và tích cực đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 kịp thời.
 
Đối với dịch SXH, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; xử lý triệt để ổ dịch, không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch".
 
Trước đó, ngay khi phát hiện các ổ dịch SXH, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động thành lập các đoàn công tác trực tiếp về các địa địa bàn Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương xử lý ổ dịch, cùng các biện pháp dự phòng, điều trị bệnh SXH và phòng, chống dịch Covid-19.
 
Hiện Bố Trạch là địa bàn có số ca mắc SXH và Covid-19 tăng cao. Chiều qua, 27/7, đoàn công tác do bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tình hình thực tế và kịp thời chỉ đạo y tế địa phương dập dịch.
 
Cụ thể, tính đến ngày 28/7, huyện Bố Trạch đã ghi nhận 185 ca SXH (có 4 ca ngoại lai, 32 ca dưới 15 tuổi) ở 20/28 xã, thị trấn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã, như: Hạ Trạch, Vạn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Phong Nha và Nông trường Việt Trung… Các ca mắc SXH đều ở mức độ I và II.
 
Khi phát hiện ổ dịch SXH đầu tiên tại thị trấn Hoàn Lão, Trung tâm Y tế huyện nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra chỉ số côn trùng tại ổ dịch và các ổ dịch cũ trên địa bàn huyện; triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động cho 3 xã (Trung Trạch, Đại Trạch và Đức Trạch); phun hóa chất xử lý ổ dịch ở 4 xã, thị trấn (Hoàn Lão, Vạn Trạch, Hạ Trạch và thị trấn Phong Nha). Toàn huyện hiện có 8.500 hộ được xử lý hóa chất và hơn 41.500 người dân được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi. 
 
Tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch đã thu dung điều trị 88 bệnh nhân SXH độ II. Riêng ngày 28/7, Bố Trạch ghi nhận 38 ca mắc Covid-19 (cao nhất tỉnh) và có 6 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện. 
Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch dành Khoa Dinh dưỡng riêng biệt để cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo.
Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch lấy Khoa Dinh dưỡng để thực hiện cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo.
Sau khi nắm bắt tình hình và đến bệnh viện khảo sát thực tế, thăm hỏi bệnh nhân, bác sĩ Phan Thanh Hải chỉ đạo các đơn vị y tế của Bố Trạch tăng cường giám sát, xử lý các ổ dịch triệt để, không để bùng phát rộng dịch SXH và Covid-19, làm ảnh hưởng tới hoạt động của trung tâm du lịch tỉnh nhà.
 
Đồng chí Phó Giám đốc sở đề nghị cán bộ y tế phải đến tận khu dân cư để hướng dẫn làm vệ sinh môi trường trong phòng, chống SXH khác với làm vệ sinh thông thường; cũng như chỉ rõ chu kỳ hoạt động cao điểm đốt truyền bệnh của muỗi SXH là từ 5-7h sáng và 17-20h tối/ngày; muỗi SXH chỉ đẻ trứng và phát triển ở những nơi nước sạch… cho người dân hiểu rõ để có cách phòng tránh hiệu quả. 
 
Đồng thời, yêu cầu bệnh viện đa khoa và các trạm y tế cần theo dõi sát bệnh nhân để chuyển tuyến kịp thời không để bệnh diễn biến nặng. Đặc biệt, đối với bệnh nhân là bà mẹ mang thai, trẻ em nhỏ tuổi và người già có bệnh nền… cần lưu ý hơn. Các bệnh viện tuyến huyện cần triển khai tách khu điều trị bệnh nhân SXH và Covid-19 riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo, không để tạo thành ổ dịch phức tạp trong bệnh viện. 
 
Cùng với công tác phòng, chống SXH, Bố Trạch tăng cường hơn nữa tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, nhằm sớm bao phủ vắc xin trước các biến thể BA.4, BA.5 đang xuất hiện trong cộng đồng, nhất là thời điểm này du khách trong nước và quốc tế "đổ về" vương quốc hang động Phong Nha-Kẻ Bàng tương đối đông, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại. 
 
“Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh nói chung và Bố Trạch nói riêng cần nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm đủ hóa chất, vật tư y tế, thuốc, dịch truyền… sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân SXH, Covid-19 và các dịch bệnh khác. Sở sẽ tham mưu kịp thời cho tỉnh và Bộ Y tế sớm tháo gỡ khó khăn để các đơn vị làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng, chống các loại dịch bệnh hiệu quả”, bác sĩ Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
 
Một số hình ảnh kiểm tra công tác chống dịch tại Bố Trạch: 
 
Nội Hà

tin liên quan

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nước đá dùng liền

(QBĐT) - Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước đá luôn được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ.
 

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét

(QBĐT) - Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đẩy lùi bệnh sốt rét, tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao... 
 

Công điện về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19

(QBĐT) - Ngày 26/7, UBND tỉnh đã có Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19,