Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét

  • 08:22 | Thứ Năm, 28/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đẩy lùi bệnh sốt rét, tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao... nhằm khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2024.
 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, để chủ động phòng, chống sốt rét (PCSR) trong cộng đồng, thời gian qua, trung tâm phối hợp với mạng lưới y tế cơ sở tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng điều tra, giám sát dịch tễ côn trùng SR, phát hiện các trường hợp mắc, đặc biệt là các xã có di biến động dân số cao, vùng trọng điểm SR lưu hành ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các biện pháp phòng, chống véc-tơ (phun tồn lưu, tẩm màn với hóa chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ cao). Đồng thời, nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm cho tuyến cơ sở và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về PCSR, giúp người dân hiểu và tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
 
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 bệnh nhân SR, tỷ lệ mắc SR/1.000 dân duy trì ở mức 0,005; xét nghiệm kiểm tra ký sinh trùng-SR cho 12.034 lam máu (trong đó có 3 lam dương tính); hoàn thành phun tồn lưu hóa chất PCSR cho 2/5 huyện đạt 100% kế hoạch; tổ chức giám sát phun tồn lưu hóa chất PCSR và hoạt động của 4 điểm kính hiển vi tại các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy) và xã Trọng Hóa (Minh Hóa).
Tẩm màn hóa chất diệt muỗi PCSR cho người dân miền núi.
Tẩm màn hóa chất diệt muỗi PCSR cho người dân miền núi.
Bác sĩ Trương Thế Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lệ Thủy cho biết, ngay từ đầu năm, trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch PCSR trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, chú trọng 3 xã miền núi rẻo cao: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy là địa bàn SR trọng điểm của huyện, chủ động phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn của các xã, tăng cường công tác giám sát chủ động nhằm phát hiện ca bệnh đầu tiên để có hướng xử lý kịp thời.
 
Hàng năm, CDC tỉnh triển khai giám sát đến các huyện, xã, hướng dẫn thực hiện các biện pháp PCSR, đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ minh chứng loại trừ SR theo hình thức cầm tay chỉ việc nhằm đạt được những kết quả cao nhất trong công cuộc phòng, chống và loại trừ SR. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động giám sát, điều tra, can thiệp xử lý trường hợp mắc bệnh, đúng chuyên môn, kỹ thuật đã ngăn chặn và cắt đứt được nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, làm giảm số lượng người mắc SR trên địa bàn. Tất cả các bệnh nhân mắc SR ngoại lai đều được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng trạm Y tế Lâm Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Địa hình ở đây khá phức tạp, người dân di biến động thường xuyên, nên chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho bà con dân bản để họ hiểu và thực hiện. Hàng tháng, đội ngũ cộng tác viên SR về tại các bản làng trọng điểm, lấy mẫu xét nghiệm ký sinh trùng SR để theo dõi. Vào mùa cao điểm của SR, chúng tôi tổ chức tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi để PCSR cho người dân.
 
Chị Nguyễn Thị Đào, Trưởng khoa Ký sinh trùng-Côn trùng (CDC tỉnh) cho biết: Để được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn loại trừ SR phải thực hiện được 8 tiêu chí và điều kiện theo quy định, trong đó có tiêu chí bắt buộc ít nhất 3 năm liên tục không có ca bệnh SR nội địa trên địa bàn cùng với các điều kiện, như: 100% các trường hợp bệnh SR ngoại lai được báo cáo trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện; 100% các trường hợp bệnh ngoại lai được điều tra trong 3 ngày kể từ khi phát hiện; đơn vị có khả năng xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh SR...
 
Thực hiện chủ đề năm 2022: “Thúc đẩy công bằng-Rèn luyện khả năng hồi phục-Kết thúc bệnh sốt rét” và hướng đến mục tiêu loại trừ SR vào năm 2024 theo lộ trình, CDC Quảng Bình đã nỗ lực huy động các nguồn lực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và loại trừ SR từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; công tác quản lý và điều trị cho người có ký sinh trùng SR, bệnh nhân SR cũng như các biện pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc triển khai các hoạt động PCSR; phấn đấu đạt tiêu chí bắt buộc và các điều kiện bảo đảm loại trừ SR trên toàn tỉnh.
 
“Việc phòng, chống và loại trừ SR có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của con người, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, đặc biệt đối với xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài không chỉ riêng ngành Y tế mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ.
 
Thành Trung
(CDC Quảng Bình)

tin liên quan

Công điện về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19

(QBĐT) - Ngày 26/7, UBND tỉnh đã có Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19,

Công điện về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

(QBĐT) - Ngày 26/7, UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Bộ Y tế: Hiện cơ bản gần như cả nước đã là vùng xanh về dịch COVID-19

Trong số trên 10.600 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 90,7% xã phường là vùng xanh và chỉ có 7,8% xã, phường là vùng vàng. Số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,5%.