Sở Y tế kiểm tra, giám sát dịch sốt xuất huyết tại huyện Lệ Thủy

  • 17:13 | Thứ Tư, 20/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 20/7, đoàn công tác của Sở Y tế do bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, giám sát tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, nhằm kịp thời chỉ đạo y tế địa phương có biện pháp phòng, chống dịch không để bùng phát trên diện rộng.
 
Những ngày vừa qua, tình hình SXH trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng các ca mắc mới. Tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 602 ca SXH. Trong đó, địa phương có số ca mắc cao nhất là Lệ Thủy 169 ca, tiếp theo là Bố Trạch 159 ca, Quảng Ninh 93 ca, Đồng Hới 79 ca, Ba Đồn 48 ca... và địa phương có số ca mắc ít nhất là Minh Hóa 9 ca. Đến thời điểm này, tỉnh ta chưa ghi nhận ca tử vong do SXH. 
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì làm việc với các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Lệ Thủy để triển khai kịp thời các giải pháp dập dịch SXH.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì làm việc với các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
Tại điểm “nóng” dịch SXH Lệ Thủy, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có buổi làm việc với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy và trực tiếp thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện để nắm bắt tình hình thực tế và có giải pháp hỗ trợ địa phương dập dịch kịp thời.
 
Theo đó, trên địa bàn huyện Lệ Thủy từ ngày 28/5 đến nay có 15/26 xã đã ghi nhận 169 ca SXH (trong đó, 18 ca ngoại lai, 36 ca dưới 15 tuổi), tập trung nhiều nhất ở các xã, như: Hoa Thủy, Cam Thủy, Dương Thủy, Sơn Thủy, Hưng Thủy… Tất cả các ca mắc SXH đều ở mức độ I và II.
 
Thời gian qua, các đơn vị y tế của huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động tổ chức điều tra chỉ số côn trùng và triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động cho 4 xã (Phong Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy và thị trấn Kiến Giang) và 6 xã, thị trấn được phun hóa chất xử lý ổ dịch theo quy mô thôn, xóm.
 
Đồng thời, cấp cơ số thuốc phòng chống dịch cho 12 xã có số ca mắc lớn, gồm: Hoa Thủy, Sơn Thủy, Cam Thủy, Dương Thủy, Hưng Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy, thị trấn Kiến Giang, thị trấn nông trường Lệ Ninh, Hồng Thủy, Tân Thủy. Toàn huyện hiện có gần 16.000 hộ gia đình được xử lý hóa chất và hơn 48.000 người dân được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi.
 
Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy đã và đang điều trị 172 bệnh nhân SXH độ II trở lên. Các bệnh nhân được theo dõi và điều trị đúng phác đồ khi nhập viện, nên cơ bản ổn định và xuất viện sau 5-7 ngày điều trị, chỉ có 1 bệnh nhân 16 tuổi phải chuyển tuyến (vì thể trạng bị dị ứng với thuốc hạ sốt paracetamon). Hiện bệnh viện đang thiếu dịch truyền cao phân tử, nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ gặp khó khăn cho công tác điều trị. 
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác điều trị và thăm hỏi động viên bệnh nhân SXH tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác điều trị và thăm hỏi bệnh nhân SXH tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy.
Bên cạnh đó, test nhanh xét nghiệm SXH Dengue khan hiếm không có để xét nghiệm khi có các ca bệnh nghi ngờ để phát hiện điều trị kịp thời; hóa chất diệt muỗi trưởng thành hiện tại không có để xử lý tình huống các ổ dịch nên việc khống chế dịch bệnh ngày càng khó khăn; công tác vệ sinh môi trường mặc dù được triển khai đồng bộ nhưng ý thức người dân chưa cao; một số chính quyền địa phương còn lơ là xem đây là công việc của ngành Y tế nên chưa quam tâm đúng mức...
 
Tại buổi làm việc, bác sĩ Phan Thanh Hải đánh giá cao những nỗ lực của huyện Lệ Thủy trong công tác phòng, chống dịch SXH thời gian qua. Tuy nhiên, trước sự gia tăng các ca mắc mới trên địa bàn, bác sĩ Phan Thanh Hải đề nghị các đơn vị y tế của huyện đặc biệt giám sát, khoanh vùng các ổ dịch để xử lý triệt để, không để bùng phát rộng trong cộng đồng; phối hợp tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch SXH; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không nên lơ là chủ quan trước nguy cơ bùng phát dịch SXH trên địa bàn.
 
Bác sĩ Phan Thanh Hải lưu ý, cán bộ y tế các đơn vị phải đến từng địa bàn để hướng dẫn cụ thể về vệ sinh môi trường phòng, chống SXH cho người dân hiểu rõ, như: Cách thức tìm, diệt lăng quăng tại các dụng cụ chứa nước ở các hộ gia đình, đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước; thường xuyên thay nước bình hoa; thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước quanh nhà như chai, lọ, vỏ đồ hộp, lốp xe... và thường xuyên ngủ màn chống muỗi đốt.
 
Cùng với công tác phòng, chống SXH, Lệ Thủy cần đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 trước các biến thể mới của Omicron. Sở ghi nhận và sẽ tham mưu cho tỉnh và Bộ Y tế để tháo gỡ những khó khăn về thuốc, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh, nhằm làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
Một số hình ảnh kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại Lệ Thủy ngày 20/7:
 
Nội Hà

tin liên quan

Ghi nhận hơn 113.000 ca mắc sốt xuất huyết và 39 trường hợp tử vong

Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Mối liên quan giữa độ nhớt trong máu và nguy cơ tử vong do COVID-19

Theo nghiên cứu, các bệnh nhân nhập viện do COVID-19 với độ nhớt cao trong máu sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng nặng hơn và có thể dẫn tới tử vong.

Khám phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng

(QBĐT) - Sáng nay, 19/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch triển khai khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn trong cộng đồng dân cư xã Phù Hóa.