Triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại để đối phó với biến thể BA.4, BA.5

  • 14:28 | Thứ Sáu, 22/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Các chuyên gia của WHO và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, COVID-19 vẫn đang là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, đặc biệt với biến chủng BA.4 và BA.5. Việc đẩy nhanh tiêm vaccine liều nhắc lại chính là biện pháp đối phó quan trọng hiện nay. Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang rất chậm.
 Triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại để đối phó với biến thể BA.4, BA.5 - Ảnh: VGP/Hiền Minh
Triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại để đối phó với biến thể BA.4, BA.5 - Ảnh: VGP/Hiền Minh
Theo số liệu của Bộ Y tế tính, đến ngày 21/7, tổng số mũi tiêm của nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nước ta mới đạt gần 11 triệu mũi. Trong đó, mũi 1 đạt 64,5% và mũi 2 mới đạt 30,8%.
 
Như vậy, tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở nhóm đối tượng này còn rất chậm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ còn 40 ngày nữa (đến 30/8/2022) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
 
Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 thấp ở nhóm đối tượng này gồm: Đắc Lắc (47%), Hà Nội (46,1%), Hà Tĩnh (46,1%), TPHCM (41,8%), Quảng Nam (34,1%), Đà Nẵng (33,4%); mũi 2 gồm: Tuyên Quang (17%), Vĩnh Phúc (15,6%), Hà Nội (14,4%), Đà Nẵng (14%), Khánh Hòa (14%), Quảng Nam (9,5%).
 
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra ngày 21/7, TS. Vũ Hương, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong 6 tuần gần đây, có tới 5 tuần trên toàn thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 và tử vong gia tăng, chỉ có 1 tuần số ca mắc đi ngang.
 
Ngày 12/7, Đại hội đồng Y tế công cộng khẩn cấp thế giới tiếp tục nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5 của Omicron tiếp tục chiếm ưu thế. 
 
Tại Việt Nam, số ca mắc của tuần này tăng tới 21% so với tuần trước. TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, trong tháng 6 vừa qua, 100% số ca giải trình tự gene mắc COVID-19 khu vực phía Bắc là biến chủng Omicron. Tháng 7 ghi nhận biến chủng BA.5 đang chiếm xu hướng hoàn toàn miền Bắc.
 
Phía Nam, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cũng cho biết, các ca bệnh mắc biến thể BA.2, BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron đang chiếm dần ưu thế. Đặc biệt, biến thể BA.4, BA.5 có thể lẩn tránh miễn dịch. 
 
Theo mục tiêu của thế giới, đến 30/6/2022, các quốc gia sẽ bao phủ 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt. Hiện mới chỉ có 58/198 quốc gia đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine COVID-19. Trong khi Việt Nam đã đạt được mục tiêu này từ tháng 12/2021 để chủ động phòng bệnh.
 
Các chuyên gia cảnh báo, triển khai nhanh liều tiêm nhắc lại chính là biện pháp đối phó quan trọng nhất với những diễn biến mới khó lường của biến thể BA.4, BA.5. Nếu không, dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng trong thời gian tới, cùng với dịch sốt xuất huyết, cúm và nguy cơ dịch chồng dịch hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Khoảng cách tiêm giữa các mũi nhắc lại như nào?
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 ngay sau tiêm mũi 2 thời gian 3 tháng; tiêm mũi 4 ngay sau tiêm mũi 3 thời gian 4 tháng.
 
Đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 ngay sau tiêm mũi 2 thời gian 5 tháng.
 
Trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 tiêm ngay sau khi mắc bệnh 3 tháng.
 
Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, tỉ lệ bao phủ mũi 3 nhóm từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đạt 70,8%. Còn 3 địa phương có tỉ lệ tiêm thấp dưới 50% là Đắk Lắk, Quảng Nam, Đồng Nai.
 
Cả nước đã bao phủ mũi 4 được cho một nửa đối tượng có chỉ định tiêm. Một số địa phương có tỉ lệ thấp dưới 10% như Quảng Bình, Bình Định, Bắc Kạn. Địa phương đạt tỉ lệ tiêm mũi 4 cao điển hình là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Điện Biên.
 
Về tình hình tiêm mũi nhắc lại cho trẻ 12 đến 17 tuổi, vẫn còn địa phương có tỉ lệ tiêm thấp dưới 5% là: Điện Biên, Nghệ An, Đồng Tháp.
Theo Hiền Minh (Chinhphu.vn)

tin liên quan

Bệnh huyết áp cao làm tăng nguy cơ trở nặng ở người nhiễm Omicron

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh tăng huyết áp gây rủi ro cao nhất, làm gia tăng hơn 2 lần nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện so với các bệnh nhân mắc COVID-19 khác.

Không để tiếp diễn quảng cáo thực phẩm chức năng vượt quá thực tế

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế.

Thế giới ghi nhận 14 nghìn ca mắc bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 20/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, thế giới ghi nhận tổng cộng 14 nghìn ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 ca tử vong ở châu Phi.