Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triệu triệu lòng dân... ghi dấu tháng Mười - Bài 1: Hà Nội, những ký ức không quên

  • 05:55 | Thứ Ba, 03/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)- Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta. Tròn 10 năm Đại tướng xa Thủ đô Hà Nội về an nghỉ tại Vũng Chùa như di nguyện của người: “Quảng Bình là nhà tôi. Khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”, triệu triệu con tim, triệu triệu lòng dân đất Việt vẫn không ngơi tưởng nhớ người.
 
Có một ngày, Thủ đô Hà Nội chất chứa những ký ức không quên. Là dòng người lặng lẽ nối tiếp nhau vào Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 đường Trần Thánh Tông... Là người người đứng chờ tại cổng số nhà 30 đường Hoàng Diệu... Là "sóng" người hàng nối hàng trong nước mắt phút tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên những tuyến phố Thủ đô dài hướng đến sân bay Nội Bài trước khi Đại tướng về an nghỉ vĩnh hằng tại đất mẹ Quảng Bình. Tròn 10 năm sau ngày Đại tướng đi xa, tôi trở lại Hà Nội, vẫn thấy vẹn nguyên những ký ức rưng rức, bồi hồi.
 
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mười năm trước, đúng 7 giờ sáng ngày 13/10/2013, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP. Hà Nội.
 
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thành kính thay mặt cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đọc điếu văn tiễn biệt Đại tướng. Điếu văn có đoạn: “Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của đồng chí gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta với những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ... Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc...
 
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. 
 
Thưa anh Văn! Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến to lớn của anh cho sự nghiệp cách mạng và dân tộc sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Anh Văn kính mến của chúng ta!”.
Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, 10 năm sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa.
Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, 10 năm sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa.
Nhà báo Nguyễn Đức Trường, phóng viên Báo Hà Nội Mới nhớ lại: Ngày đó, theo lộ trình hướng về đất mẹ Quảng Bình, di quan Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất phát từ Nhà tang lễ Quốc gia đến sân bay Nội Bài theo lộ trình: Trần Thánh Tông-Tràng Tiền- Hàng Khay-Tràng Thi-Điện Biên Phủ-Độc Lập-Hoàng Văn Thụ-Hoàng Diệu-Trần Phú- Sơn Tây-Kim Mã-Cầu Giấy-Xuân Thủy-Phạm Văn Đồng-Thăng Long-sân bay Nội Bài.
 
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 13/10, linh xa đưa di hài Đại tướng thăm lại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Tròn 1.559 ngày Đại tướng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phút ghé nhà 30 Hoàng Diệu thành phút tiễn biệt. Trước 30 Hoàng Diệu, hàng nghìn người dân Thủ đô đứng đợi trong nước mắt, trong nỗi tiếc thương vô hạn để được nhìn Đại tướng thân yêu lần cuối cùng.
 
Thời khắc này... tất cả người dân Thủ đô đều hiểu rằng đây là những giây phút cuối cùng họ tiễn biệt Đại tướng. Cả biển người nghẹn ngào trong tiếc thương và lòng kính yêu vô hạn với vị tướng vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp-anh Văn thực sự không còn!
 
Căn phòng rộng chừng 10 mét vuông ở số 3 Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm nằm cách số nhà 30 Hoàng Diệu chừng 1km là một thế giới kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người vinh dự gần trọn cả đời nghề chuyên chụp ảnh cho Đại tướng.
Tác giả cùng đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm số nhà 30 Hoàng Diệu, xuân 2023.
Tác giả cùng đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm số nhà 30 Hoàng Diệu, xuân 2023.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng hồi tưởng: “10 năm trước, lấy 30 Hoàng Diệu làm tâm điểm thì khu vực xung quanh là một vòng tròn dệt nên bởi dòng người vô tận nối tiếp nhau đến tiễn đưa người. Cả một đời cầm máy, nhưng trước vòng tròn vô tận này, tôi đành “bất lực”, không thể thu vào hết trong ống kính của mình. Nhưng hình ảnh của vòng tròn-người dân đất Việt ấy lại khắc sâu vào trong ký ức mỗi người... không bao giờ phai nhạt”.
 
Trọn 10 năm, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên trong lòng đại tá, nhà báo Trần Hồng: “Hơn 30 năm trong nghề nhiếp ảnh, 20 năm gắn bó với Đại tướng, mặc dù vẫn biết quy luật tạo hóa là “sinh, lão, bệnh, tử”... nhưng sự ra đi của người vẫn khiến tôi cảm thấy tiếc nuối. Trước hôm Đại tướng qua đời 3 ngày, tôi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm Đại tướng. Lúc này, sức khỏe Đại tướng yếu đi nhiều. Nhưng không ngờ lại là lần cuối cùng được bên người”.
 
Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhớ lại: “Khoảng hơn 18 giờ tối ngày 4/10, khi cả gia đình đang ăn cơm thì nhận tin báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Mọi người bỗng lặng đi, cố kìm nén dòng nước mắt và tiếng khóc chực bật ra. Tôi vội vã vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mong thấy Đại tướng lần cuối”.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng với những hồi ức không bao giờ quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tá, nhà báo Trần Hồng với những hồi ức không bao giờ quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng nói rằng, ông hạnh phúc với nghề báo và càng hạnh phúc hơn khi giành trọn gần hết sự nghiệp để chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong hàng nghìn bức ảnh về Đại tướng ông chụp, ông chắt chiu lựa chọn ra 111 bức chân dung Đại tướng (giai đoạn 1986-2013) tặng cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cùng với 100 bức chân dung các  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc. “Đây là tài sản chung của quốc gia, của toàn dân tộc Việt Nam”, đại tá, nhà báo Trần Hồng chia sẻ.
 
Tròn 1.559 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đại tá, nhà báo Trần Hồng cũng kịp ghi lại gần 2.000 bức ảnh về Đại tướng. “Mỗi một góc ảnh về Đại tướng trong thời gian này có mỗi cái đẹp riêng, khó diễn tả được bằng lời. Là tài sản vô giá đối với cá nhân tôi và cho đến thời điểm này, tôi chưa từng công bố”.
 
Trở lại với hành trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình của 10 năm về trước. Hình ảnh triệu triệu người dân Thủ đô và cả nước đứng chờ hai bên đường tiễn đưa người lần cuối đầy xúc động, không bao giờ quên. Như lời đại tá, nhà báo Trần Hồng khẳng định: “Sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được sau này!”.
 
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 2: "Quảng Bình là nhà tôi!"

tin liên quan

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.