Cho nông thôn thêm mới

  • 06:01 | Thứ Ba, 12/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới  (NTM), thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Quảng Bình đã dồn sức thực hiện. Nhiều địa phương đã hoàn thành các tiêu chí còn lại để cán đích theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên, vẫn có không ít địa phương đang "nhọc nhằn" với các tiêu chí khó.
 
Nỗ lực triển khai
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Văn Minh cho biết: Chương trình xây dựng NTM được các cấp, các ngành, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rất quan tâm, nỗ lực triển khai. Trong điều kiện bộ tiêu chí mới có những tiêu chí khó, yêu cầu cao và nguồn lực thực hiện còn nhiều hạn chế, nhưng thời gian qua, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ở xã Đồng Trạch (Bố Trạch).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ở xã Đồng Trạch (Bố Trạch).
Năm 2023, toàn tỉnh có 9 xã đăng ký đạt chuẩn NTM; đến nay, đã đạt bình quân 14,9 tiêu chí/xã. Có 12 xã đăng ký đạt NTM nâng cao, trong đó, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đồng thời đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, do xã Bảo Ninh không hoàn thành tiêu chí số 18 nên TP. Đồng Hới đã đưa ra khỏi kế hoạch thực hiện.
 
Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.266 tỷ đồng (gồm 335,62 tỷ đồng vốn lồng ghép), trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 97,9%. Hiện, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 144 tỷ đồng trong tổng số hơn 157 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và hơn 11 tỷ đồng trong tổng số hơn 64 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp.

Vì vậy, toàn tỉnh chỉ còn 11 xã đăng ký về đích NTM nâng cao, bình quân đạt 14,3 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn 34 xã đạt dưới 15 tiêu chí, chiếm 26,6% số xã, dự kiến đến cuối năm 2023 còn 20 xã dưới 15 tiêu chí, chiếm 15,6% số xã (mục tiêu Trung ương đề ra là đến cuối 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí). Đối với huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới đang tiếp tục triển khai thực hiện theo các quy định của giai đoạn 2021-2025. 
 
Nhọc nhằn với tiêu chí khó
 
Bên cạnh những kết quả tích cực mà các địa phương đã đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, nhìn chung, tiến độ thực hiện của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao; thôn, bản còn rất chậm và rất khó để đạt mục tiêu kế hoạch của năm 2023.
Huyện Lệ Thủy đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP.
Huyện Lệ Thủy đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP.
Nguyên nhân là do các tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó, đòi hỏi thời gian dài, kinh phí lớn. Nhiều xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước không đáp ứng được yêu cầu của bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
 
Cụ thể, đối với 9 xã phấn đấu về đích năm 2023 thì xã Tân Hóa (Minh Hóa) tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao, chiếm 20,4% (trong khi đó quy định là phải dưới 6,5%); xã Yên Hóa (Minh Hóa) có 2 trường chưa đạt chuẩn, còn 6 nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người và đặc biệt là tiêu chí nghèo đa chiều chưa đạt. Xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) có 3 trường chưa đạt chuẩn cơ sở vật chất (CSVC) mức độ 1. Xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) chưa có nhà văn hóa đa năng và hệ thống cấp nước tập trung; xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Ở huyện Bố Trạch, xã Hải Phú có 4 trường chưa đạt chuẩn CSVC mức độ 1; xã Xuân Trạch chưa có trường nào đạt chuẩn CSVC mức độ 1 và chưa đạt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ nghèo đa chiều...
 
Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa chia sẻ: Địa phương đã được sự quan tâm của huyện trong đầu tư CSVC trường học thời gian qua nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Xã đã mạnh dạn triển khai một số công trình, hạng mục để hoàn thành tiêu chí CSVC trường học, bảo đảm về đích NTM trong năm 2023, tuy nhiên nguồn lực có hạn, nếu "quyết" mạnh tay thì sẽ dẫn đến "nợ đọng" NTM.
Chưa có công trình cấp nước tập trung, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) khó về đích NTM trong năm 2023.
Chưa có công trình cấp nước tập trung, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) khó về đích NTM trong năm 2023.
Tại xã Ngư Thủy Bắc, Chủ tịch UBND xã Trần Kim Trung cho biết: Chúng tôi đang gặp khó khăn thực sự và khả năng không thể về đích NTM trong năm 2023 đang hiện hữu. Đối với hệ thống cấp nước tập trung, theo kế hoạch nếu được huyện hỗ trợ 4 tỷ đồng, "xin" tỉnh hỗ trợ 4 tỷ đồng, huy động sự đóng góp của người dân và xã trích từ nguồn đấu giá đất 4 tỷ đồng thì chúng tôi sẽ làm được công trình nước tập trung cho 2 thôn để đạt tiêu chí này, nhưng nay thì chịu rồi vì không có nguồn, đất không đấu được. Về công trình nhà văn hóa đa năng, nếu được châm chước vận dụng thay thế bằng công trình hội trường đang xây dựng cùng với trụ sở của xã, quy mô 250 chỗ ngồi thì Ngư Thủy Bắc mới đạt tiêu chí này, nếu không thì cũng chịu, vì đầu tư công trình riêng cần rất nhiều kinh phí.
 
Tiêu chí NTM nâng cao khó thực hiện nếu không "linh động"
 
Đối với các xã đăng ký NTM nâng cao, kiểu mẫu, hiện có 2 xã còn 7 tiêu chí chưa đạt, 2 xã còn 6 tiêu chí chưa đạt, 2 xã còn 5 tiêu chí chưa đạt, 2 xã còn 4 tiêu chí chưa đạt, 2 xã còn 3 tiêu chí chưa đạt và 1 xã còn 1 tiêu chí chưa đạt. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, trong 11 xã đăng ký NTM nâng cao, kiểu mẫu hiện chỉ có 3 xã tiến độ khả thi, gồm: Châu Hóa (Tuyên Hóa), Bắc Trạch (Bố Trạch) và Đức Ninh (TP. Đồng Hới). Các xã còn lại đều vướng khá nhiều tiêu chí, đặc biệt một số tiêu chí khó.
Xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) đang tập trung nguồn lực cho tiêu chí giáo dục.
Xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) đang tập trung nguồn lực cho tiêu chí giáo dục.
Chủ tịch UBND xã Võ Ninh (Quảng Ninh) Nguyễn Duy Tiễn cho biết, xã rất quyết tâm và tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đạt NTM nâng cao theo kế hoạch. Thời gian qua, xã tập trung thực hiện tiêu chí công trình nước sạch tập trung, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử, thêm một ít thời gian nữa thì coi như tạm ổn đối với các tiêu chí này. Tuy nhiên, tiêu chí về Trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) tách biệt bên ngoài khu hành chính của xã thì đang vướng.
 
"Để đầu tư được công trình Trung tâm VHTT tách biệt thật không đơn giản bởi quy hoạch, rồi kinh phí đầu tư lớn trong khi không có nguồn, mà hiệu quả sử dụng chắc cũng không cao. Trụ sở xã Võ Ninh có 1 hội trường to với 350 chỗ ngồi, nếu được linh động áp vô tiêu chí này thì sẽ tiết kiệm được nguồn lực và địa phương mới có thể cán đích", ông Nguyễn Duy Tiễn cho biết thêm.
 
Ở xã Châu Hóa, địa phương được đánh giá là có khả năng đạt tiến độ xây dựng NTM nâng cao hiện cũng đang đau đầu với việc hoàn thành các tiêu chí còn thiếu: Giáo dục, thông tin truyền thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế. Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Huy Hoàng cho biết, trong các tiêu chí còn thiếu thì chúng tôi băn khoăn nhất là tiêu chí giáo dục. Hiện tại, trường tiểu học còn thiếu nhà đa năng, trường THCS thiếu 6 phòng học 2 tầng. Xã đang đẩy nhanh tiến độ để có thể khởi công các công trình về CSVC cho trường học vào tháng 11 năm nay, không biết có kịp hoàn thành tiêu chí không.
 
Rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho NTM
 
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành sự tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra trong năm 2023. Đặc biệt là phải rà soát, tổng hợp các tiêu chí trong bộ tiêu chí chưa phù hợp với thực tế địa phương, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh phương án xử lý phù hợp; tham mưu điều chỉnh hoặc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó có tiêu chí sử dụng hình thức hỏa táng và Trung tâm VHTT đối với xã NTM nâng cao.
Mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (xã Quảng Hưng, Quảng Trạch).
Mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (xã Quảng Hưng, Quảng Trạch).
Mặt khác, với những vướng mắc hiện nay trong xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình NTM. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn xây dựng NTM, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Đồng thời, huy động và bố trí nguồn lực đầu tư và giải ngân nguồn vốn NTM; đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP có tiềm năng, lợi thế để nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Tuấn

tin liên quan

Tuyên Hóa: Năng suất lúa vụ hè-thu đạt gần 54 tạ/ha

(QBĐT) - Huyện Tuyên Hóa đã thu hoạch gần 90% diện tích lúa vụ hè-thu năm 2023. Năng suất lúa đạt gần 54 tạ/ha.

Điện lực Quảng Trạch: Triển khai thi công 3 công trình sửa chữa lớn

(QBĐT) - Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Điện lực Quảng Trạch được Công ty Điện lực Quảng Bình giao kế hoạch thực hiện 3 công trình sửa chữa lớn có tổng trị giá trên 1,7 tỷ đồng.

Điểm danh các dự án đủ điều kiện thu hồi đất

(QBĐT) - Nằm ở những vị trí đắc địa thuộc các khu đất "vàng" và được kỳ vọng sẽ tạo nên những sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang ở trong tình cảnh làm mãi không xong, ngừng thi công, chậm tiến độ suốt nhiều năm...