Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện kể dưới bóng rừng "thường xanh"

  • 06:57 | Thứ Hai, 24/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau gần 3 năm thành lập Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) Động Châu-Khe Nước Trong, dưới tán rừng nơi đây vẫn là thế giới động, thực vật kỳ thú, nhiều bí ẩn, khơi gợi khát khao khám phá. Nhưng phía sau sự tĩnh lặng, trong lành đó, bằng tình yêu đại ngàn và khát vọng giữ gìn, sẻ chia vẻ đẹp của “kho báu Động Châu” một cách bền vững, những người yêu rừng đã chung tay để có bước tiến rất dài trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị của rừng Động Châu-Khe Nước Trong.
 
Bài 1: Động Châu ngày mới
 
Sau những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, đến thời điểm này, với sự quan tâm đồng hành của tỉnh và các sở, ngành chức năng, những cơ sở pháp lý để Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong triển khai thuận lợi các hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy những vốn quý của mình đã cơ bản hoàn thành, mở ra những hướng đi bền vững.
 
Điểm tựa vững chắc
 
Chứa đựng trong mình những giá trị đa dạng sinh học, giá trị lịch sử-văn hóa, khoa học và du lịch nổi bật, để phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong bảo đảm bền vững đòi hỏi những bước đi thận trọng, vững chắc.
 
Tự hào với những “kho báu” trong lòng Động Châu-Khe Nước Trong, ngay từ những ngày khu DTTN mới được thành lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Đó là tham mưu thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm trên 22.132ha rừng được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Song song với công tác bảo vệ rừng là nghiên cứu, triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân thuộc vùng đệm nhằm giảm áp lực cho rừng. Từ nguồn vốn đầu tư công, khu trung tâm, hệ thống đường tuần tra được đầu tư xây dựng, bảo đảm thuận lợi trong các hoạt động.
Thiên nhiên tươi đẹp tại rừng Động Châu - Khe Nước Trong
Thiên nhiên tươi đẹp tại rừng Động Châu - Khe Nước Trong
Đặc biệt, việc kịp thời hoàn hiện các cơ sở pháp lý về vị trí, ranh giới, diện tích rừng… đã và đang góp phần đẩy nhanh các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án. Những vướng mắc, khó khăn ban đầu nhanh chóng được phối hợp giải quyết nhờ sự quan tâm hỗ trợ, tích cực đồng hành của tỉnh, Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan.
 
Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết, sau gần 3 năm thành lập, Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong đã định hình được lộ trình cơ bản nhất. Bước đầu, du lịch sinh thái dưới tán rừng, dịch vụ môi trường rừng… đã mang lại những kết quả khả quan. Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học đang được tích cực triển khai với sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Quản lý Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong với các tổ chức… Không chỉ dừng lại ở những giá trị ban đầu, thời gian qua, thông qua việc đặt bẫy ảnh đã phát hiện thêm nhiều loài thú quý hiếm, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và tiếp tục sự giàu đẹp của Động Châu-Khe Nước Trong.
Thác Dương Cầm, một trong những cảnh quan tuyệt đẹp của rừng Động Châu-Khe Nước Trong
Thác Dương Cầm, một trong những cảnh quan tuyệt đẹp của rừng Động Châu-Khe Nước Trong
Cùng với những hoạt động tổng thể của Sở NN-PTNT, hiện Chi cục Kiểm lâm đang triển khai dự án "Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC)" tại Động Châu-Khe Nước Trong với nhiều hoạt động phong phú. Với 3 tiểu hợp phần, dự án đã trang bị các kỹ năng quan trọng cho cán bộ kỹ thuật và lực lượng bảo vệ rừng (BVR) trong điều tra đa dạng sinh học; nhận diện loài động, thực vật quý hiếm; đặt bẫy ảnh, giám sát các loài chủ chốt; hỗ trợ thủ tục đăng ký tham gia Danh lục xanh; trang bị kỹ năng sơ cứu, công tác tuyên truyền…
 
Đặc biệt, phương án quản lý rừng bền vững đang được hoàn thiện sẽ tạo cơ sở quan trọng để Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong từng bước phát huy các giá trị của mình. Các tổ liên ngành, tuần tra rừng, nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng được thành lập và trang bị các kỹ năng, thiết bị, máy móc đã và đang góp phần tạo “lá chắn” bền vững trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng Động Châu-Khe Nước Trong.
 
“Kho báu” dưới tán rừng
 
Rừng "thường xanh" là thuật ngữ chuyên môn để chỉ những khu rừng bốn mùa xanh màu cây lá. Sự đa dạng của rừng nguyên sinh Động Châu-Khe Nước Trong với hàng nghìn loài thực vật có đặc điểm sinh trưởng khác nhau đã tạo nên khu rừng "thường xanh" điệp trùng, bí ẩn...
Đến thời điểm này, tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong đã phát hiện mới nhiều loài thú quý trong sách đỏ IUCN. Đóng góp vào những kết quả quan trọng này có vai trò tích cực của Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt (TNV)
 
Cùng với việc theo dõi, phát hiện các loài thú quý hiếm, năm 2021, Công ty TNHH MTV bảo tồn TNV (Vietnature), đơn vị trực thuộc Trung tâm bảo tồn TNV, thuê địa điểm tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong với thời gian 30 năm để xây dựng trạm nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam mào trắng (GLLMT) và Trung tâm giáo dục môi trường. GLLMT là loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ IUCN, có khả năng đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Hiện chỉ có một số lượng cá thể đang được nuôi nhốt, chủ yếu tại các nước châu Âu. Tại Việt Nam, duy nhất vườn thú Hà Nội đang nuôi khoảng 40 cá thể.
 Động Châu-Khe Nước Trong sở hữu nhiều loài động, thực vật đa dạng, quý hiếm.
Động Châu-Khe Nước Trong sở hữu nhiều loài động, thực vật đa dạng, quý hiếm.
Động Châu-Khe Nước Trong là một trong những địa điểm có lịch sử cư trú của GLLMT và được lựa chọn để tái thả sau khi thực hiện thành công giai đoạn nhân nuôi và huấn luyện GLLMT. Với tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng, dự kiến vào quý III/2023, trạm sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động. Các cá thể GLLMT sẽ được nhân nuôi tại đây cho đến khi có thể thích nghi với môi trường hoang dã sẽ được tái thả vào khu vực rừng được lựa chọn.  
 
Bên cạnh đó, Vietnature còn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong trong các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, bẫy ảnh… Thông qua những hoạt động này, đội ngũ cán bộ, nhân viên ban quản lý từng bước tự chủ vừa thực hiện công tác quản lý vừa nghiên cứu khoa học.  
 
Trong định hướng bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong, du lịch sinh thái dưới tán rừng là một trong những hoạt động quan trọng. Năm 2021, Công ty TNHH Netin đã được UBND tỉnh đồng ý cho khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn”.
 
Tháng 3/2023, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng có chuyến khảo sát tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong. Cùng với những gương mặt quen thuộc của cán bộ Ban Quản lý Khu DTNT, bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, còn có Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin.
Đoàn cán bộ của tỉnh khảo sát tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (tháng 3/2023).
Đoàn cán bộ của tỉnh khảo sát tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (tháng 3/2023).
Có mặt trong nhóm dẫn đường, anh không chỉ nhẹ nhàng vượt qua những đoạn khó khăn nhất của hành trình mà còn kiêm luôn vai trò porter giúp đỡ mọi người đồng thời giới thiệu tỉ mỉ về những điểm nhấn trên hành trình. Hiện tại, Công ty TNHH Netin là đơn vị tiên phong khai thác tour du lịch tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong.
 
Với các hoạt động vượt thác, trekking, ngắm thú và cắm trại trong rừng, bước đầu, tour du lịch của Netin đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Sau những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, đến thời điểm này, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành chức năng, với niềm say mê, quyết tâm và kinh nghiệm của mình, Trần Xuân Cương và Netin đã khẳng định những thành công và từng giới thiệu với du khách được những vẻ đẹp của Động Châu-Khe Nước Trong.
 
Quan trọng hơn, luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Netin đang phối hợp với người dân bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nâng cao sinh kế cho bà con vùng đệm. Đang trong giai đoạn thử nghiệm, hiện bản có 2 homestay đón khách lưu trú cùng nhiều bà con tham gia chuỗi hỗ trợ du khách, vận chuyển hàng hóa, ăn uống…
 
Hồ Thị Son là một trong 2 chủ homestay. Trước khi tham gia vào chuỗi du lịch của Netin, vợ chồng Hồ Thị Son chỉ biết trồng sắn. Tổng thu nhập của một năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khoảng 40 triệu đồng. Gia đình 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 con phải sống khá chật vật, thiếu trước hụt sau.
 
Từ tháng 6/2022 đến nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình được sửa sang trở thành homestay. Ngoài lưu trú, chị nấu những món ăn dân dã phục vụ du khách. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng những phản hồi của du khách với nhiều lời khen dành cho tour du lịch, cảnh sắc thiên nhiên và sự chất phác, chu đáo của người dân bản địa, đặc biệt là các món ăn địa phương… đã thắp lên trong lòng Hồ Thị Son và bà con bản Rum Ho niềm vui và những kỳ vọng mới.
 
Ngọc Mai
 
Bài 2: “Khu rừng hy vọng”

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về. 

Những đoản khúc Lục thập hoa giáp

(QBĐT) - Giờ khó để cắt nghĩa vì can cớ gì tôi vọng cố hương ngược từ Phú Yên ra Quảng Bình để trọn nghiệp với nghề báo. Ngày đó, tất cả đều mông lung và thú thực tôi chưa một ngày nào viết báo và làm báo. Viết như bản năng, viết như hơi thở với tất cả sự trong trẻo, hồn nhiên có phần nông nổi của mình.