Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sống "trọn một con đường"

  • 13:52 | Thứ Sáu, 24/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một vị tướng lẫy lừng gắn chặt tên tuổi của mình với những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn để lại nhiều dấu ấn với các công trình mang tầm vóc thế kỷ, có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, trong đó có đường Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn đi qua huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Cường Bùi)
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn đi qua huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Cường Bùi
Sau năm 1991, sau khi thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ phụ trách kinh tế-xã hội Khu 4 cũ, Đặc phái viên Chính phủ về chương trình 327, rồi Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về đường Hồ Chí Minh.
 
Vậy là, vị tướng lĩnh của đường Trường Sơn năm xưa lại một lần nữa sống dậy tinh thần xung trận quyết liệt và quyết đoán. Trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại: “Là một trong những người trực tiếp tổ chức, xây dựng hệ thống đường, cầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ; khi chiến tranh kết thúc, trong tôi luôn nung nấu ước vọng thiết tha đường Đông Trường Sơn được hiện đại hóa để phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước, đặc biệt là địa bàn chiến lược quan trọng Trường Sơn, Tây Nguyên”.
 
Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ chính thức duyệt quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng xa lộ Bắc-Nam chạy song song với Quốc lộ 1 về phía Tây, được lấy tên là đường Trường Sơn. Sau đó, thể theo nguyện vọng của nhiều cán bộ, bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tha thiết đề nghị Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy tên là đường Hồ Chí Minh, bởi với ông và những thế hệ cán bộ từng chiến đấu, công tác ở Trường Sơn cũng như bè bạn quốc tế, cái tên đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Và nguyện vọng chính đáng đó đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
 
Theo dự án, đường Hồ Chí Minh chạy suốt một dải hành lang phía Tây Tổ quốc, xuất phát điểm là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau). Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 1 sẽ nối Thủ đô Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh, điểm đầu là Hòa Lạc, điểm cuối là ngã tư Bình Phước. Sau một thời gian khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị, ngày 5/4/2000, lễ khởi công Dự án đường Hồ Chí Minh hiện đại hóa do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chủ trì được tổ chức trọng thể tại bến phà Xuân Sơn (huyện Bố Trạch, Quảng Bình)-một di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ.
 
Sau lễ khởi công, tất cả các đơn vị trên toàn tuyến, nhánh Đông và nhánh Tây đồng loạt ra quân, gồm 62 tổng công ty và công ty lớn nhỏ thuộc ngành GTVT, xây dựng và Quân đội làm kinh tế. Cũng từ thời khắc này, vị tướng của đường Hồ Chí Minh huyền thoại lại “thoắt ẩn, thoắt hiện” trên các cung tuyến, công trường từ Bắc chí Nam, băng qua các bản làng, đèo dốc của núi rừng Trường Sơn mà vốn dĩ với ông đã là “đường Trường Sơn thuộc như bàn tay”. Ông viết trong hồi ký: “Nghĩ về quá khứ hào hùng mà tin vào hiện tại và tương lai tốt đẹp, đầy hứa hẹn”.
 
Với trọng trách là Đặc phái viên giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, phát hiện những vấn đề lớn, liên quan đến tiến độ, chất lượng công trình; đồng thời chủ trì các cuộc họp liên tịch giữa các bộ, ngành, địa phương để phối hợp công việc, tạo sự đồng bộ trong quá trình thi công tuyến đường. Khối lượng công việc lớn nhưng sức vóc, tinh thần của vị tướng già chưa bao giờ chùng xuống, ông viết: “Trở lại với con đường, trở lại với những cánh rừng Trường Sơn, trong tôi lại hiển hiện quá khứ một thời lửa đạn, một thời chiến tranh khốc liệt; phấn khởi tự hào đất nước đang từng ngày đổi sắc thay da; từ đường Trường Sơn như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” ngày nào, giờ đây ta đang hướng tới một đại lộ Hồ Chí Minh. Và cũng từ đấy, lòng dạ bùi ngùi, man mác nhớ thương đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, để hôm nay chúng ta có được con đường vừa hoành tráng, vừa thơ mộng như tranh...”.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, khởi đầu từ Km0-xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch. <em>Ảnh:</em> <strong>Cường Bùi</strong>
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, khởi đầu từ Km0-xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch. Ảnh: Cường Bùi

Gắn bó với núi rừng Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn tha thiết biến tuyến vận tải chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ thành con đường chiến lược trong công cuộc đổi mới, phá thế độc đạo của Quốc lộ 1. Ông cũng là người đề xuất với Đảng, Nhà nước về việc mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.

Trả lời với báo chí, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: Khi mở đường Hồ Chí Minh, không có đường đi theo khe núi như đường nhánh Tây bây giờ, chỉ có nhánh Đông, thế nhưng đồng chí Đồng Sỹ Nguyên kiên quyết có nhánh phía Tây. Đây cũng là một quyết định táo bạo và kiên quyết.

Vậy là, cùng với nhánh Đông, nhánh phía Tây trở thành một hướng tuyến chiến lược của đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, có chiều dài 500km, bắt đầu từ Khe Gát (ngã ba Đông Dương, xã Xuân Trạch, Bố Trạch) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 cho biết: Quảng Bình là địa phương có hệ thống đường Hồ Chí Minh (bao gồm nhánh Đông và nhánh Tây) đi qua dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 320km. Trong đó, nhánh Đông có tổng chiều dài 167,5km, bắt đầu từ Km879+800 đến Km1047+300 và nhánh Tây từ Km0 (Khe Gát, xã Xuân Trạch) đến Km126+300 (giáp Quảng Trị).

“Với tầm quan trọng là tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng, nên đường Hồ Chí Minh được đơn vị chúng tôi và các cơ quan chức năng quản lý, khai thác hiệu quả”, ông Đỗ Xuân Thủy nói.

Đường Hồ Chí Minh là xương sống thứ 2 xuyên Việt, phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, bảo đảm giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 gặp sự cố bão lũ, ngập lụt, đồng thời cũng tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông-Tây của đất nước. Tuyến đường góp phần tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ, vững chắc và ổn định trong mọi tình huống, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội đồng đều giữa các vùng, miền của đất nước, đặc biệt là vùng miền núi.

Cùng với Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc-Nam và đường ven biển Việt Nam, đường Hồ Chí Minh là 1 trong 4 tuyến đường giao thông huyết mạch của đất nước chạy suốt từ Bắc đến Nam. Đây là công trình trọng điểm quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt từ lịch sử đến kinh tế của Việt Nam.

Từ thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy, đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa đổi thay đến đó. Hiện nay, các giai đoạn tiếp theo của dự án đường Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục được triển khai. Và trong tương lai gần, việc hoàn thành dự án sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết vùng, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, rút ngắn khoảng cách miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tuyến đường còn có vai trò đặc biệt quan trọng về củng cố quốc phòng-an ninh và kết nối với các nước láng giềng, như: Lào, Campuchia, Thái Lan.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã sống “trọn một con đường”, với đường Trường Sơn huyền thoại, với đồng chí, đồng đội và đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước. Tuyến đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay lại in đậm dấu ấn của ông, sẽ rộng dài hơn, hiện đại hơn như lời ông trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”: “Đường Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tầm thế mới-nỗi ước mong hằn sâu trong suy nghĩ, tình cảm của tôi từ những ngày cầm quân “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đang trở thành hiện hữu...”. 

Anh Tuấn

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về.