Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Fastfood" khoai deo

  • 10:03 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh của miền quê gió Lào cát trắng. Tuổi thơ tôi có biết bao kỷ niệm với con sông bốn mùa đổi thay theo thời tiết, đẹp nhất là vào mùa xuân và mùa hạ vì hai mùa ấy không có lũ lụt và gió bấc, con sông quê hiền hòa chảy giữa đôi bờ là những bãi biền ngô khoai xanh mướt. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì những bãi biền ấy chính là “vùng nguyên liệu” để canh tác và chế biến nên hai sản phẩm bồi và khoai deo là những thức ăn chủ đạo của biết bao thế hệ người dân quê tôi…
 
Bồi là sản phẩm làm từ bột ngô, tiếng quê kêu là “bột sạu”. Từ bắp sạu giã thành bột sạu rồi chế biến thành bồi để ăn với canh tập tàng là một quy trình cầu kỳ và linh hoạt, tùy khẩu vị và điều kiện của mỗi gia đình. Chuyện ấy xin được kể dịp khác. Tết này xin chỉ kể chuyện khoai deo, sản phẩm được làm từ củ khoai lang luộc chín, thái lát rồi phơi khô, cất kỹ, ăn dần…
 
Đã có lần tôi trả lời mấy anh bạn Bắc kỳ đa sự, rằng gọi là “khoai deo” vì lát khoai lang chín đem phơi dưới nắng hè miền Trung cứ héo dần, khô dần, bé dần… và nhăn nheo xù xì, nên dân gian gọi là “khoai nheo”. Dân quê tôi đa phần những từ có phụ âm “nh” đứng đầu, đều phát âm thành “d”. Cho nên “khoai nheo” thì kêu là “khoai deo”. Cứ phán bừa như vậy nhưng mấy chú Khu Ba tin sái cổ, rồi nhấm nháp và gật gù công nhận khoai deo ăn chậm, nhai kỹ cũng… rất ngon.
 
Vâng, cái thứ quà quê mùa cực khổ đói kém xấu xí như vậy, nhưng là lương khô cứu đói của biết bao thế hệ dân quê chúng tôi đấy! Nhiều nhà quanh năm bữa ăn nào cũng nồi khoai deo cõng lưa thưa vài hạt cơm. Khoai deo không cần nấu, cứ để vậy ăn cũng được. Quà cáp cho nhau phần lớn cũng khoai deo. Nhiều cựu sinh viên các trường đại học ở Hà Nội những năm 60-70 của thế kỷ trước, cũng đã từng được thưởng thức khoai deo của đám sinh viên Quảng Bình, nay nhiều người gặp tôi còn trầm trồ nhắc chuyện...
 
Khoai deo là đặc sản của Quảng Bình, nhưng với tôi, khoai deo làm từ khoai lang đất phù sa sông Gianh là ngon nhất. Còn nhớ hồi bom đạn tàu bay Mỹ, Nhà nước có chủ trương đưa con em Quảng Bình đi K8 ra Bắc sơ tán. Bạn cùng lứa với tôi đi K8 nhiều lắm. Thằng Trung xóm Bàu Mác ra Thanh Hóa hay Ninh Bình gì đó, được mấy tháng thì mạ hắn là bác cu Sâm nhớ quá lần mò ra thăm. Lúc về, bác mang theo một túi củ khoai lang bảo là ngon lắm, để làm giống.
 
Giống khoai “ngon lắm” ấy vỏ trắng, da trơn, lá nhỏ, chỉ hơn 2 tháng đã cho củ lúc nhúc như trứng ngỗng trứng vịt và rất bùi, luộc chín bẻ ra bột rơi lả tả. Cả làng tôi gọi là “khoai Cu Sâm”. Phải tội “khoai Cu Sâm” bùi quá, luộc ăn ngay thì ngon, chứ làm khoai deo để dành thì cứng như đá. Dần dần mọi người lại quay về với giống khoai lang quê nhà: Lá to, củ dài, vỏ đỏ, ít bột, nhiều mật... Khoai lang đất phù sa sông Gianh luộc bằng nồi gang đúc từ xác tàu bay Mỹ, vừa chín tới thì chắt kiệt nước rồi hầm lâm râm trên than bếp một hồi nữa là chảy mật ra vàng óng. Loại ấy mà làm khoai deo thì vừa mềm vừa ngọt, ngon không sao tả xiết!
Mùa sang. Ảnh: Phạm Văn Thức
                                            Mùa sang.                         Ảnh: Phạm Văn Thức

Hồi chống Pháp, làng tôi có trung đội dân quân hoạt động rất tích cực, do bác mẹt Lợi làm Trung đội trưởng. Mỗi khi có báo động tập trung, mỗi dân quân đều có túm khoai deo mang theo làm lương khô. Một hôm, đơn vị có báo động hành quân, bác mẹt Lợi đi đầu hàng quân phát mệnh lệnh xuống, cứ người đi trước truyền khẩu cho người đi sau.

Bố tôi là “chính ủy trung đội” đi khóa đuôi, nhận được mật lệnh truyền xuống: “Mẹt Lợi mất túi khoai deo!”. Lập tức ông truyền lệnh ngược trở lên: “Cử hai đồng chí quay lại tìm túi khoai deo cho mẹt Lợi!”. Lại cứ người sau truyền khẩu lên cho người trước, đến bác mẹt Lợi đi trên cùng thì ông tá hỏa: “Túm khoai deo của tui còn đây mà!”. Phân giải một hồi, thì ra mật lệnh ban đầu là: “Mẹt Lợi đi trước, tất cả bám theo!”. Nhưng vì truyền khẩu tam sao thất bản, một lúc thì thành ra là: “Mẹt Lợi mất túm khoai deo”.

Niên khóa 1965-1966 tôi học lớp một với thầy Cung, còn gọi là thầy Thiền. Thầy Cung là giáo chức thời Pháp thuộc, được dân làng kính trọng lắm. Thầy với bà nội tôi là cháu chú cháu bác nên bọ mạ tôi gọi thầy bằng cậu, tôi gọi bằng ông. Ngày Hiến chương các nhà giáo năm 1965, tôi đòi mạ hái trái cam voi, loại cam to như trái bưởi, để đi chúc mừng thầy. Mạ nói vườn ôông mệ đầy cam quýt, báu chi trái cam đẹn nhà mình. Để mạ cho túm khoai deo mang biếu ôông mệ.
 
Thời ấy, làng tôi người ta đào hào giao thông dọc ngang theo các lối ngõ để đi lại, dễ bề ấn nấp tàu bay Mỹ. Tháng 11 mưa dầm rả rích, đường làng nhão nhoét. Tôi ôm bọc khoai deo lò dò chân đất, ngã oạch một phát, cái bọc rơi xuống vũng bùn dưới lòng hào. Vội nhảy xuống xách lên, khoai deo bên trong vẫn khô sạch, nhưng miếng vải bọc ngoài thì lấm bê bết. Tôi vội tạt vô nhà thằng Tiểng, đổ bọc khoai deo ra tấm phản ngựa, múc nước ra chậu giặt sạch miếng vải, ngồi gạt than bếp hơ thật khô, rồi bọc lại số khoai deo...
 
Xong xuôi, tôi rủ thằng Tiểng cùng ra nhà thầy. Hắn nói nhà tau không có chi cả. Tôi nói tau có khoai deo rồi, mi chỉ cần bó hoa cũng được. Hắn chạy ra vườn cắt mấy cành hoa khoai chuối, bẻ mấy bông dâm bụt, thế là có một bó hoa tươm tất. Hai thằng đến nhà thầy, lễ phép nói: Nhân Ngày Hiến chương các nhà giáo, chúng em có bó hoa và túm khoai deo tặng thầy. Thầy Cung cười hiền từ, nói ôông mệ già rồi, răng yếu không nhai được khoai deo nữa, cho tụi bây mang về mà ăn. Hai thằng tôi sướng rêm, mang về nhà thằng Tiểng chén sạch...
 
Hồi đó, tôi có bà dì ruột học nghề ở Liên Xô, quen một chú bộ đội quê tận Ba Đồn, là học viên trường sĩ quan tên lửa ở bên đó. Năm ấy, chú về phép, lên thăm nhà tôi. Mạ tôi xúc một rá khoai deo, bọc vào tấm vải dù pháo sáng tàu bay Mỹ, gửi làm quà cho dì. Hơn một tháng sau, người ta chuyển trả lại bọc khoai deo, bảo là ra Hà Nội họ kiểm tra, thấy có vi khuẩn gì đó, nên họ không cho mang sang Liên Xô.
 
Ngày Hiến chương các nhà giáo năm đó, mạ cho tôi cả bọc khoai deo ấy mang đi biếu cô giáo. Cô bảo sao cho cô nhiều thế? Tôi thành thật thưa cô bọc khoai này mạ em gửi cho dì ruột bên Liên Xô, nhưng ra Hà Nội họ trả lại vì có vi trùng ruồi nhặng. Cô nói nhà cô nhiều khoai deo rồi, cho em mang về mà ăn. Tôi lon ton mang về, thuật lại đầu đuôi không sót một lời. Mạ tôi vớ cái vỉ đập ruồi, vút cho tôi một phát vào mông: “Ngu, ai bảo mi nói như rứa?”.
 
Chú ruột tôi đi thanh niên xung phong, san lấp hố bom trên đường 20-Quyết Thắng. Chú viết thư về nói từ khi đi “hỏa tuyến” được ăn đủ thứ ngon; nào là thịt hộp, lương khô, đường sữa... toàn của Trung Quốc, Liên Xô thượng hạng. Nhưng chú vẫn nhớ, vẫn thèm khoai deo lắm lắm...
 
Bà nội tôi thương chú, lụi cụi mấy hôm luộc luộc, thái thái, phơi phơi... được một thúng khoai deo. Bà mua cái sọt tre, lót xung quanh một lớp lá xoan, lại lót thêm một lớp lá chuối khô rồi đổ khoai deo vào. Mặt trên cũng đậy một lớp lá chuối, tiếp thêm một lớp lá xoan, rồi khỏa thêm một lớp tro bếp. Cẩn thận thế thì lũ sâu mọt đừng hòng! Bà kê sọt khoai deo cạnh tấm phản ngựa giữa nhà, nhỡ tàu bay Mỹ thả na-pan hay bắn rốc-két thì đó là thứ phải vác đầu tiên ra vườn. Rất may là nhà bà tôi chưa bao giờ dính na-pan hay rốc-két.
 
Cái sọt khoai vẫn ngày ngày chiễm chệ giữa gian nhà, khiêu khích cái dạ dày lúc nào cũng có kiến bò của tôi. Chịu không nổi, một buổi sáng trước lúc đi học, tôi lấy cái thước học trò chọc một lỗ qua 2 lớp lá dưới đáy sọt rồi thò tay móc mấy lát khoai deo... Từ đó, thỉnh thoảng sọt khoai deo lại mất thêm một dúm. Mấy tháng sau có chú gì cùng đơn vị chú tôi về phép, bà tôi hăm hở mở sọt xúc khoai deo thì... ôi thôi rồi, sọt khoai bị rỗng hàm ếch một góc to tướng. Tai hại hơn là số khoai deo còn lại bị mọt ăn bấy bá. Tôi tái mặt lỉnh ra sau hồi nhà, dỏng tai nghe bà nội than vãn trách móc con mèo sợ bom Mỹ mà trốn biệt tăm, để bầy chuột lộng hành bất trị (!)
 
Bà tôi bây giờ đã thành người thiên cổ. Dân quê tôi bây giờ không còn phải nhai khoai deo thay cơm. Khoai deo Quảng Bình nay là đặc sản đúng nghĩa. Lát khoai deo được sản xuất theo quy trình khép kín hiện đại, có bao bì đẹp, nhãn mác hẳn hoi… Khoai deo Quảng Bình rất ăn khách tại các siêu thị, cửa hàng ở Đồng Hới, Ba Đồn và các tiệm fastfood ở động Phong Nha, động Thiên Đường… Chao ơi, thật lãng mạn khi nghe nói trong ba lô của các đoàn du khách ngoại quốc thám hiểm hang Sơn Đoòng nức tiếng toàn cầu, có cả những gói khoai deo thảo thơm của mảnh đất gió Lào cát trắng quê tôi…
 
Và trong giây phút thăng hoa cảm xúc, tôi nghĩ đến những hộp thực phẩm chức năng uy tín từ nguyên liệu khoai lang, cùng các sản phẩm thương hiệu Fastfood Khoai Deo sẽ là những sản phẩm tràn ngập các cửa hàng ăn nhanh khắp năm châu bốn biển. Khả thi lắm chứ! Tại sao không?
Hà Nội, tháng Chạp 2022
Nhà thơ Mai Nam Thắng 

tin liên quan

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.

Giấc mơ nón lá... xuất ngoại

(QBĐT) - Cải tiến quy trình làm nón lá để tăng năng suất, sản lượng-đây có lẽ là điều không ít người nghĩ đến, nhưng thành công nhất chính là sáng kiến của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989) và Phan Thị Hiền (SN 1994), thôn Tân Đức, xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Với bằng độc quyền sáng chế khung nhựa cho nón lá, năng suất làm nón tăng cả trăm lần so với cách làm truyền thống, thành công của đôi vợ chồng trẻ là "quả ngọt" của tri thức, sự kiên trì trong quá trình lao động sáng tạo...