10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
(QBĐT) - Qua 10 năm (2012-2022) triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước triển khai sâu rộng vào thực tiễn cuộc sống.
Nguồn lực đáp ứng tốt cho công tác PBGDPL
Nhằm triển khai Luật PBGDPL, ngày 7/8/2012, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Để chỉ đạo công tác PBGDPL, Hội đồng Phối hợp (HĐPH) PBGDPL thành lập ở cấp tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố. HĐPH PBGDPL cấp tỉnh gồm 48 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch, Sở Tư pháp giữ vai trò là Cơ quan thường trực.
Toàn tỉnh có 172 công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và 55 công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh. Về cơ bản, đội ngũ công chức trong lĩnh vực PBGDPL đạt trình độ phù hợp với nhiệm vụ giao, thường xuyên bổ sung, trang bị mới các kiến thức về pháp luật.
Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên (BCV) pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cũng được kiện toàn qua hàng năm với 75 BCV cấp tỉnh; 181 BCV cấp huyện và 1.632 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Ở cơ sở, qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, đã xây dựng được một đội ngũ hòa giải viên (HGV) cơ sở rộng khắp với 1.234 tổ hòa giải và 8.242 HGV. Các tổ hòa giải và HGV phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tại công đồng dân cư, hạn chế mâu thuẫn, đơn thư, khiếu nại, tố cáo công dân ngay từ cơ sở. Tỷ lệ thực hiện hòa giải thành hàng năm đạt trên 80%.
Ngoài các lực lượng nòng cốt, tỉnh đã huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong đó Mặt trận Tổ quốc và các thành viên thông qua hội viên của mình góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, đưa hệ thống pháp luật tiếp cận nhanh chóng đến cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Quang Sáng cho biết: Ngoài việc bảo đảm nguồn nhân lực thì nguồn kinh phí hàng năm phục vụ công tác PBGDPL cũng được UBND tỉnh, HĐPH PBGDPL tỉnh quan tâm bố trí khoảng 2 tỷ đồng/năm. Việc huy động nguồn xã hội hóa cho công tác PBGDPL chủ yếu thông qua đề án “Xã hội hóa công tác tuyên truyền, PBGDPL, trợ giúp pháp lý” do Hội Luật gia tỉnh triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và mặt bằng chung trên phạm vi cả nước thì nguồn kinh phí phục vụ công tác PBGDPL tại Quảng Bình chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn ”, ông Trương Quang Sáng chia sẻ thêm.
Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL
Theo Sở Tư pháp, các hình thức tuyên truyền, PBGDPL ngày một phong phú, sinh động và đa dạng. Cụ thể, đối với hình thức PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, trong 10 năm đã tổ chức 8.300 hội nghị quán triệt, tập huấn văn bản, kiến thức pháp luật cho 880.000 lượt người. HĐPH PBGDPL biên soạn, cấp phát 3.200.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật.
Tỉnh cũng chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức hội thi, cuộc thi. Khoảng 3.000 cuộc thi, hội thi đã được tổ chức với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua đó, những văn bản pháp luật được phổ biến trực quan, sinh động đến mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Quảng Bình nỗ lực đưa hoạt động PBGDPL vào trong trường học nhằm giáo dục đội ngũ giáo viên, học sinh ý thức chấp hành pháp luật, sống, làm việc, học tập theo Hiến pháp và pháp luật. Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức 13 hội nghị phổ biến văn bản pháp luật và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách PBGDPL, dạy bộ môn Giáo dục công dân.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐPH PBGDPL tỉnh Hồ An Phong khẳng định: Công tác PBGDPL thực sự chuyển biến tích cực, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Các cấp ủy đảng, chính quyền; lãnh đạo cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL. |
Các hoạt động PBGDPL được đẩy mạnh thông qua hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trực tiếp từ công việc tiếp công dân, xử lý đơn thư công dân; tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận giao dịch một cửa của chính quyền các cấp.
Tuyên truyền pháp luật cũng được chú trọng từ hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đây là một hoạt động luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã trợ giúp pháp lý 9.096 vụ, việc cho 9.096 đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí thuộc các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, lao động việc làm, tài nguyên môi trường, đất đai...
Thông qua sinh hoạt các mô hình câu lạc bộ pháp luật và những mô hình PBGDPL, hiện tại, toàn tỉnh duy trì 600 câu lạc bộ pháp luật, như: “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên”, “Tiền hôn nhân”, “Trợ giúp pháp lý”, “Nông dân với pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc...
Thực tiễn qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL vào cuộc sống cho thấy, việc lựa chọn nội dung, hình thức đã phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từng nhóm đối tượng gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh..., thể hiện sự đồng bộ, rộng khắp, vừa có chiều sâu, vừa có trọng tâm, trọng điểm, thực sự hướng về cơ sở... Từ đó, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày một nâng cao; trật tự, kỷ cương tăng cường, ngăn ngừa hiệu quả các vi phạm pháp luật.
Thanh Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.