Những điểm sáng trong công tác xét xử

  • 08:30 | Thứ Tư, 30/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tỷ lệ các vụ việc, vụ án giải quyết đạt cao; các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan thấp; thực hiện thành công các phiên tòa trực tuyến hai cấp; tỷ lệ hòa giải thành theo Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án tăng... là những điểm sáng trong công tác xét xử của TAND tỉnh năm 2022.
 
Phiên tòa trực tuyến, bước đột phá trong xét xử
 
Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hậu Covid-19, nhưng TAND hai cấp tỉnh vẫn bảo đảm tốt công tác xét xử với 2.574 vụ việc, vụ án (trong tổng số 3.329 vụ, việc tiếp nhận, thụ lý), đạt tỷ lệ 77,32%. Số vụ, việc còn lại chưa giải quyết do mới thụ lý và trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo đúng quy định.
 
Về án hình sự, TAND hai cấp thụ lý 901 vụ với 1.628 bị cáo; đã xét xử 811 vụ, 1.458 bị cáo, trong đó tổ chức thành công 14 phiên tòa xét xử lưu động. Qua công tác xét xử án hình sự cho thấy tình hình tội phạm trên địa bàn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (203 vụ, 333 bị cáo); trộm cắp tài sản (184 vụ, 252 bị cáo); đánh bạc, tổ chức đánh bạc (83 vụ, 376 bị cáo)... Tình hình người phạm tội dưới 18 tuổi có chiều hướng gia tăng với 30 vụ, 50 bị cáo.
 
TAND hai cấp thụ lý 2.377 vụ, việc dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại và giải quyết thành công 1.719 vụ, việc. Các vụ, việc tòa án thụ lý nhiều nhất như tranh chấp hợp đồng tín dụng 201 vụ; tranh chấp quyền sử dụng đất 166 vụ; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất 58 vụ. Đặc biệt, án ly hôn do mâu thuẫn gia đình tăng mạnh với 967 vụ, trong đó ly hôn có yếu tố nước ngoài 187 vụ.
 
Trong công tác xét xử, TAND tỉnh Quảng Bình được TAND tối cao đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng sớm, hiệu quả, chất lượng hình thức xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP giữa TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp. 
Xét xử vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới.
Xét xử vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: “Được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh, TAND tỉnh thí điểm phiên tòa trực tuyến đầu tiên vào ngày 9/4/2022, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Ma Vàng (SN 1983), dân tộc Mông, quốc tịch Lào, trú tại bản Noọng, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Sau phiên xét xử, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, TAND, Viện KSND, Công an, Trại tạm giam Công an tỉnh, các thẩm phán TAND tỉnh, chánh án TAND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành phiên họp rút kinh nghiệm và sớm triển khai tại các cấp tòa”.
 
Kết quả năm 2022, toàn tỉnh tổ chức thành công 55 phiên tòa trực tuyến, trong đó TAND tỉnh xét xử 15 phiên tòa, TAND cấp huyện, thị xã, thành phố xét xử 25 phiên tòa, tổ chức điểm cầu trực tuyến TAND tỉnh, TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng xét xử 15 vụ án.
 
Thành công các phiên tòa trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, viễn thông... đánh dấu bước đột phá quan trọng trong thực hiện cải cách tư pháp ngành Tòa án hai cấp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý, bảo đảm hoạt động xét xử đúng thời hạn, đúng luật định, an toàn, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
 
Hòa giải thành, tính nhân văn trong xét xử
 
Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 nhằm cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, được TAND tối cao xác định rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống tòa án. Luật HGĐT tại tòa án góp phần giảm thiểu áp lực đối với hệ thống tòa án trong bối cảnh số vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính ngày càng có chiều hướng gia tăng.
 
“Để đẩy mạnh công tác HGĐT, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, TAND hai cấp và giữa các đơn vị trong ngành tòa án cần thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. TAND tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ thẩm phán, thư ký, hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật; đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính...”, ông Nguyễn Hữu Tuyến cho biết.
Năm 2022, TAND tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác HGĐT tại tòa án trước khi thụ lý các vụ án, vụ việc, do đó giải quyết được nhiều tranh chấp, mâu thuẫn xã hội mà không phải thông qua xét xử. Trong năm, TAND hai cấp HGĐT thành 921 vụ việc (trong tổng số 1.493 vụ, việc), đạt tỷ lệ 62%, trong đó có 827 vụ, việc thuộc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động.
 
Khi xảy ra tranh chấp về hôn nhân gia đình, trước khi nhờ vào sự phán quyết của tòa án, các bên đương sự thông qua đội ngũ hòa giải viên làm “cầu nối” tự thỏa thuận với nhau tất cả những mối quan hệ: Đồng ý hay không đồng ý ly hôn; về con chung giao cho vợ hoặc chồng trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; phân chia tài sản... Bằng kiến thức, kinh nghiệm pháp luật, đội ngũ hòa giải viên “tác động” vào đương sự, giúp các bên “thuận lý, thuận tình” không qua xét xử.
 
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ: “Việc áp dụng Luật HGĐT tại tòa án thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc HGĐT, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. Thực tiễn qua 2 năm thi hành Luật HGĐT tại tòa án cho thấy, các vụ việc giải quyết theo thủ tục hòa giải rất nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, các vấn đề đương sự thỏa thuận thông qua HGĐT đều thực hiện nghiêm túc, người dân không phải chịu án phí hoặc chi phí tố tụng dù giá trị tranh chấp lớn đến đâu, tỷ lệ tái tranh chấp sau hòa giải thấp... Quyết định tòa án công nhận hòa giải thành chưa có trường hợp nào phải yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành”.
 
    Thanh Long

tin liên quan

Buộc một công ty phải dừng hoạt động kể từ ngày 20/1/2023

(QBĐT) - Báo Quảng Bình số ra ngày 22/11/2022, có đăng bài "Trang trại nuôi lợn "bức tử" nguồn nước hồ Đầu Ngọn", có nội dung phản ánh 4 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Tây Trạch (Bố Trạch) đang làm ô nhiễm nguồn nước hồ Đầu Ngọn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Triệu tập 98 đối tượng có liên quan đến hành vi đánh bạc bằng số lô, số đề

(QBĐT) - Vào khoảng 17h30 ngày 27/11/2022, Công an TP. Đồng Hới đã huy động lực lượng với gần 300 cán bộ, chiến sỹ tham gia đồng loạt triệu tập đấu tranh với 98 đối tượng nghi vấn đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề trên toàn địa bàn TP. Đồng Hới. 
 

Bắt xe chở 20 tấn đường Thái Lan và bia Corona có dấu hiệu nhập lậu

(QBĐT) - Tổ công tác Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Quảng Bình và Phòng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải mang BKS 74C-02692 đang vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.