Du lịch đường sông những kỳ vọng mới

  • 07:50 | Thứ Hai, 12/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Việc sở hữu những con sông dài, đẹp, đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống… là cơ hội, tiềm năng để Quảng Bình thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, hứa hẹn mang đến những sản phẩm khác lạ, độc đáo phục vụ du khách.
 
Những sản phẩm tiên phong
 
Với mong muốn mang lại những khám phá và trải nghiệm mới, giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB), năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án khai thác chính thức sản phẩm du lịch tham quan quần thể danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống trên tuyến sông Chày-sông Son của Công ty TNHH Oxalis Holiday (thuộc Công ty TNHH MTV Oxalis).
 
Lộ trình tour sẽ bắt đầu tại bến thuyền Chày Lập (xã Phúc Trạch, Bố Trạch), xuôi thuyền từ sông Chày đến sông Son, đến bến thuyền Trung tâm Du lịch PN-KB rồi trở ngược lại. Trong suốt quá trình trải nghiệm, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của dòng sông thơ mộng; ngắm cảnh vật hai bên bờ sông với những làng quê trù phú, mộc mạc, núi non hùng vĩ hay cánh đồng ngô non xanh thẳng tắp, đàn trâu đang gặm cỏ… 
Sản phẩm du lịch tham quan quần thể danh lam thắng cảnh… trên tuyến sông Chày-sông Son của Công ty TNHH Oxalis Holiday mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách. Ảnh Công ty TNHH Oxalis Holiday
Sản phẩm du lịch tham quan quần thể danh lam thắng cảnh… trên tuyến sông Chày-sông Son của Công ty TNHH Oxalis Holiday mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách. Ảnh Công ty TNHH Oxalis Holiday
Chị Trần Phương Thảo, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy thật thú vị và mới mẻ khi trải nghiệm sản phẩm du lịch đi thuyền ngắm cảnh trên sông Chày-sông Son. Cảnh vật và con người nơi đây rất đẹp, thân thiện và bình yên”.
 
Ông Nguyễn Châu Mỹ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Oxalis cho biết: “Hiện, công ty có một thuyền sức chứa 12 người và một thuyền sức chứa 18 người, phục vụ du khách tham quan quần thể danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống trên tuyến sông Chày-sông Son. Du khách sẽ được đi thuyền, tận hưởng không khí trong lành của dòng sông thơ mộng, ngắm cảnh hoàng hôn hay bình minh trên sông… Đây là sản phẩm bổ trợ cho du khách trải nghiệm khi lưu trú tại Chày Lập Farmstay”.
 
Sản phẩm du lịch đường sông tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn do Trung tâm Du lịch PN-KB điều phối khai thác và người dân địa phương triển khai với khoảng 410 thuyền. Trong những năm qua, sản phẩm du lịch này có lượng khách khá ổn định.
 
Giám đốc Trung tâm Du lịch PN-KB Hoàng Minh Thắng cho biết: “Tuyến tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn có lộ trình di chuyển bằng thuyền từ Trung tâm Du lịch PN-KB đến cửa động. Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của hệ thống hang động, du khách còn được trải nghiệm ngồi trên thuyền ngắm cảnh… Nhờ đó, số lượng khách đến tham quan động Phong Nha hàng năm khá đông. Năm 2022, trung tâm đón 290.888 lượt khách; năm 2023 dự ước đón 331.274 lượt khách”.
Sông Nhật Lệ có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.
Sông Nhật Lệ có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.
Năm 2023, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Nhật Lệ Travel khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử. Lộ trình tham quan từ bến thủy nội địa Nhật Lệ Travel đi dọc sông Nhật Lệ với phạm vi hoạt động 12km (từ cửa biển Nhật Lệ đến cầu Quán Hàu) và quay lại trả khách tại điểm xuất phát.
 
Ngoài ra, tại một số khu, điểm tham quan du lịch ở PN-KB còn có các hoạt động vui chơi, giải trí trên sông, như: Thung lũng Hava, sông Chày-hang Tối, suối nước Moọc, công viên Ozo, Chày Lập Water Sport… thu hút số lượng lớn khách du lịch đến trải nghiệm. 
 
Tiềm năng và kỳ vọng
 
Quảng Bình có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8-1,1km/km2, gồm 5 sông chính: Roòn, Gianh, Lý Hòa, Dinh và Nhật Lệ cùng các nhánh sông nhỏ. Mỗi dòng sông đều có đặc trưng riêng, cảnh quan thiên nhiên đôi bờ thanh bình, kỳ thú mang trong mình những dấu ấn của lịch sử, vẻ đẹp, độc đáo riêng gắn với sự hình thành, phát triển của vùng đất hào hùng, oanh liệt.
 
Hệ thống bến thủy nội địa đã và đang được đầu tư xây dựng, kết nối thuận lợi từ đường sông ra đường biển, có khả năng đáp ứng việc tiếp cận thuận lợi khi di chuyển bằng đường sông trên các tuyến Nhật Lệ-Long Đại, sông Son, sông Chày, sông Gianh… đến nhiều khu, điểm tham quan du lịch. Văn hóa sông nước của người dân ở đôi bờ các dòng sông cùng các lễ hội đua thuyền truyền thống, những làn điệu dân ca, làng nghề truyền thống tạo nên sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch nhân văn.
Du khách được ngồi thuyền ngắm cảnh sông nước hữu tình trước khi tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn (Ảnh Trung tâm Du lịch PN-KB).
Du khách được ngồi thuyền ngắm cảnh sông nước hữu tình trước khi tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn. Ảnh Trung tâm Du lịch PN-KB
Đây là tiềm năng lớn và điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sông tại Quảng Bình, lợi thế cạnh tranh phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, sự bổ trợ để gia tăng dịch vụ đối với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm…
 
Chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch của TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch xác định phát triển sản phẩm du lịch đôi bờ sông gắn với việc tham quan các điểm di tích, văn hóa, biểu diễn các làn điệu dân ca là một trong những ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
 
Trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh đều đưa các dự án phát triển du lịch đôi bờ sông Gianh, Nhật Lệ-Long Đại để xúc tiến. Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Vườn Quốc gia PN-KB trong việc khảo sát, mời gọi các công ty lữ hành, nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hai bên bờ các dòng sông. Một số dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ở hai bên bờ sông: Son, Nhật Lệ, Long Đại, Gianh đã được chấp thuận chủ trương và trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. 
 
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý cho biết, Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 xác định: Phát triển sản phẩm du lịch là một trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi, trọng tâm; tại điểm 3.5 “Phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới”, mục 3, phần 2 có nội dung: Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa, như: Gianh, Nhật Lệ, Long Đại, Son, Kiến Giang, quanh hồ thành Đồng Hới.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý cho biết, sở đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án TIIG II Quảng Bình khẩn trương triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2-tiểu dự án tỉnh Quảng Bình để đầu tư cải thiện và nâng cấp tiếp cận hệ thống du lịch đường bộ và đường sông gắn với tuyến đường thủy nội địa Nhật Lệ-Long Đại. Các hạng mục chính sẽ được triển khai, gồm: Xây dựng bến thuyền du lịch Nhật Lệ và trung tâm đường thủy Nhật Lệ, trung tâm đường thủy Quán Hàu; xây dựng trung tâm du lịch đường thủy bến phà Quán Hàu; xây dựng bến thuyền Long Đại; bến thuyền núi Thần Đinh... Dự án hoàn thành, sẽ tạo hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch Nhật Lệ-Long Đại.

Với việc huy động mạnh mẽ các nguồn lực, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cùng với lợi thế tài nguyên, dư địa đầu tư và xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, trở về với thiên nhiên hiện nay, du lịch đường sông tại Quảng Bình kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng.
Lê Mai

tin liên quan

Du lịch nông thôn, nhìn từ Lèn Chùa

(QBĐT) - Dù mới "trình làng" chưa lâu, nhưng "tân binh" Lèn Chùa Ecostay đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa. Những ngày cao điểm lượng khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ của khu du lịch này lên đến hơn 5.000 lượt người.
 

Khai mở tiềm năng du lịch khám phá, mạo hiểm

(QBĐT) - Với lợi thế địa hình đa dạng gắn với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, Quảng Ninh đang trở thành điểm đến lý tưởng dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ.
 

Hành trình bứt phá

(QBĐT) - Chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch trong điều kiện mới, Quảng Bình đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025.