Giấc mơ phía núi...

  • 05:39 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những cánh rừng, ngọn núi cao án ngự bao đời các bản làng của đồng bào Bru-Vân Kiều ở phía tây nam huyện Lệ Thủy, đã khiến cho suy nghĩ, lối sống của họ còn lạc hậu, cổ hủ, nghèo đói và kinh tế-xã hội chậm phát triển. Nhưng giờ đây, nơi mảnh đất biên cương này, cuộc sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã có nhiều thay đổi khi các sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, hoạt động. Giấc mơ đổi thay từ phía núi với đồng bào Bru-Vân Kiều đã và đang dần hiện hữu…
 
Người Bru-Vân Kiều làm du lịch 
Ngày Bang Onsen Spa&Resort khai trương đi vào hoạt động, đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Kim Thủy ai cũng hồ hởi, vui mừng. Bởi với họ, hơn nửa thế kỷ qua, mảnh đất heo hút nơi biên cương gắn liền với lạc hậu, đói nghèo giờ lại sừng sững hiện ra một khu du lịch đẳng cấp như vậy. Bang Onsen Spa&Resort đã tạo ra một điểm nhấn để “thức dậy” tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế; đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương giữa bạt ngàn núi rừng.
 
Anh Hồ Văn Nhiên (SN 1983) ở bản Cồn Cùng là người Bru-Vân Kiều đầu tiên của xã Kim Thủy được tiếp nhận vào làm việc tại Bang Onsen Spa&Resort. Tính tình cởi mở cùng tác phong làm việc chuyên nghiệp khiến cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Nhiên bớt ái ngại hơn so với suy nghĩ ban đầu.
 
Hồ Văn Nhiên chia sẻ rằng, anh sinh ra, lớn lên, rồi lập gia đình ở bản Cồn Cùng. Cuộc sống của gia đình anh cũng như nhiều người dân bản ở đây quanh năm chỉ gieo hạt mồ hôi trên những cánh rừng, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ, lẻ. Để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, Nhiên phải đảm nhận nhiệm vụ công an viên của bản Cồn Cùng. Dẫu siêng năng, hay làm nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn loay hoay, quẩn quanh trong nghèo khó.
 
“Mình từng học Trường đại học Luật-Đại học Huế được 3 năm nhưng phải bỏ dở việc học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Mình luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm cách nào đó để gia đình vươn lên, thoát đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng, điều đó rất khó đối với những người không được học hành bài bản, thiếu vốn, không được tiếp xúc, giao lưu nhiều như chúng mình…”, anh Nhiên cho hay.
Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang.
Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang.
Năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh về bản Cồn Cùng tuyển người vào làm cho Bang Onsen Spa&Resort, Hồ Văn Nhiên cùng vợ là Hồ Thị Thơ đã nắm bắt được và đăng ký xin vào làm. Nhiên được tuyển vào bộ phận hạ tầng, cây xanh, giờ đã giữ chức trưởng bộ phận. Những ngày đầu, để đáp ứng nhu cầu công việc, Nhiên được đưa về TP. Đồng Hới đào tạo nghiệp vụ. Hiện, hàng tháng thu nhập của gia đình anh Nhiên ở Bang Onsen Spa&Resort khoảng 15 triệu đồng.
 
“Giờ mình và gia đình đã có những bước tiến quan trọng, đó là thay đổi cách nghĩ, tư duy và được làm trong một môi trường du lịch chuyên nghiệp. Không chỉ với mình, nhận thức của đồng bào Bru-Vân Kiều ở đây cũng có rất nhiều thay đổi so với trước. Hiện, mình đang theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình để đáp ứng yêu cầu công việc…”, Hồ Văn Nhiên chia sẻ.
 
Bản Rum Ho (xã Kim Thủy) nằm trong Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Bản chỉ có hơn 100 hộ đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống. Bao năm nay, đồng bào nơi đây sống phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi, con cá, con tôm dưới suối và khai thác sản vật của rừng, bởi thế, đói nghèo vẫn cứ đeo bám mãi. Giờ, trong hành trình phát triển của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Rum Ho, đã xuất hiện “tín hiệu” vui khi họ bắt đầu tiếp cận và biết làm du lịch cộng đồng.
 
Hiện diện ngay giữa bản làng, yên bình giữa màu xanh của núi rừng là một homestay khá tươm tất đã được đầu tư, cải tạo từ căn nhà sàn truyền thống của chị Hồ Thị Mĩm (SN 1975). Homestay của chị Mĩm giờ trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương để tìm hiểu đời sống văn hóa bản địa, khám phá các điểm du lịch còn hoang sơ tại đây.
 
“Trước đây, dân bản Rum Ho mình cứ sống quanh quẩn mãi trong bản, đi rừng miết rồi thành quen lối. Sản vật rừng, con cá dưới suối ngày càng vơi bớt đi. Được các đơn vị, tổ chức du lịch tuyên truyền, vận động làm du lịch cộng đồng, thấy ưng cái bụng là làm. Nay, mình được trang bị nhiều kỹ năng, như: Giao tiếp, phục vụ tour, dịch vụ lưu trú, ẩm thực và văn hóa bản địa, dựng lều trại. Mỗi tháng từ homestay, gia đình mình có thu nhập khoảng 7 triệu đồng…”, chị Mĩm bộc bạch.
 
Thắp sáng hy vọng giữa đại ngàn... 
Việc khai thác tốt các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Lệ Thủy mấy năm qua không chỉ mang đến nguồn sinh kế ổn định, tạo việc làm cho đồng bào Bru-Vân Kiều ngay tại địa phương. Hơn nữa, mỗi hoạt động du lịch đang được triển khai ở đây đều là nỗ lực để bảo tồn, phục dựng bản sắc văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều đang dần bị mai một.
Đồng bào Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy học cách chế biến món ăn phục vụ du lịch.
Đồng bào Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy học cách chế biến món ăn phục vụ du lịch.
Phó Giám đốc điều hành Nguyễn Vũ Tuấn cho biết, Bang Onsen Spa&Resort đi vào hoạt động là cơ hội để địa phương phát triển kinh tế-xã hội, hơn hết, là tạo việc làm ổn định cho bà con. Hiện tại, có hơn 240 nhân viên làm việc ở Bang Onsen Spa&Resort, đa số là người Lệ Thủy, trong đó, có gần 40 nhân viên là người Bru-Vân Kiều, với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đơn vị đánh giá cao nguồn lực lao động dồi dào ở địa phương, sự chịu thương, chịu khó, ham học hỏi, tính ổn định; đồng thời đề cao tính văn hóa bản địa, góp phần giải quyết an sinh xã hội bền vững…
 
“Khi đồng bào Bru-Vân Kiều được làm việc trong môi trường du lịch chuyên nghiệp, tư duy, suy nghĩ, cách làm của họ sẽ có nhiều thay đổi. Muốn có một lao động tốt, chúng tôi phải dùng nguồn lực để đào tạo, bố trí họ phù hợp với từng bộ phận công tác. Phần đông, họ đều đáp ứng công việc, nhiều bạn trẻ còn được bố trí vào những vị trí quan trọng…”, ông Nguyễn Vũ Tuấn cho hay.
 
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho hay: “Tiềm năng du lịch của địa phương đang được “đánh thức” khi một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác. Cùng với các điểm đến đã được định hình trên bản đồ du lịch, như: Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc…, các sản phẩm du lịch mới và sự ra đời của Bang Onsen Spa&Resort đã góp phần giải quyết việc làm, định vị vùng du lịch phía Nam Quảng Bình…”.

Công ty TNHH Netin là đơn vị đang khai thác một số sản phẩm du lịch tại huyện Lệ Thủy, như: Khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Việc phát triển du lịch của công ty tại những khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của địa phương; đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào Bru-Vân Kiều…

“Bước đầu triển khai, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng giờ đây, đồng bào Bru-Vân Kiều ở Lệ Thủy bắt đầu quen với làm du lịch, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ du lịch được trả chi phí, như: Tổ chức nấu ăn, vận chuyển hàng hóa, dựng lều trại, làm homestay… với bản tính hiền lành, sự mộc mạc, chân chất của mình, đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây đã tạo được sự yêu mến, tin tưởng đối với du khách…”, Giám đốc Công ty TNHH Netin Trần Xuân Cương cho biết.
Ngọc Hải

tin liên quan

Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Bình: Khai trương Văn phòng khu vực kiểu mẫu TX. Ba Đồn

(QBĐT) - Ngày 30/1, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Bình chính thức khai trương Văn phòng khu vực kiểu mẫu TX. Ba Đồn với cơ sở vật chất hiện đại, khang trang và thuận tiện, nhằm phục vụ tốt nhất người dân tại khu vực trọng điểm này. 

Cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào A Rem xã Tân Trạch

(QBĐT) - Trong các ngày 6 và 7/2, Sở Công thương chủ trì phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình và các nhà thầu tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, hòa lưới điện quốc gia, cấp điện cho đồng bào A Rem tại bản Km39, xã Tân Trạch (Bố Trạch). 

Phong Nha-Kẻ Bàng: Năm mới nhớ chuyện cũ

(QBĐT) - Được mệnh danh là "trái tim du lịch" của Quảng Bình, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) đã trở thành cái tên quen thuộc, gần gũi với du khách trong và ngoài nước. Để có một "trái tim" đầy sức hút, quyến rũ như bây giờ, ngoài những giá trị độc đáo do thiên nhiên ban tặng, PN-KB đã trải qua những tháng ngày bình lặng và nhiều khó khăn.