Hành trình bứt phá
(QBĐT) - Chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch trong điều kiện mới, Quảng Bình đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần nỗ lực, khắc phục khó khăn của doanh nghiệp và người dân, Quảng Bình tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam với hình ảnh du lịch an toàn và thân thiện.
Từ phục hồi... đến hiện thực hóa mục tiêu
Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là 1 trong 4 khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh xác định trong giai đoạn 2021-2025. Bắt tay triển khai thực hiện, du lịch Quảng Bình cũng không ngoại lệ mà nằm trong bối cảnh chung chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Hành trình hiện thực hóa mục tiêu chính thức được khơi thông từ thời điểm Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới và mở cửa du lịch quốc tế được thực hiện từ ngày 15/3/2022. Việc mở cửa hoàn toàn du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Quảng Bình phục hồi. Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, chuyên biệt, phù hợp với xu hướng mới nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình, điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Để thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc tiếp tục được du khách trong và ngoài nước lựa chọn, ngành Du lịch đã áp dụng hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Bình trong trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ và cộng đồng dân cư luôn tự giác thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách và tích cực tham gia xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện.
Bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự linh hoạt, sáng tạo, chương trình “Mỗi người dân là một đại sứ/một hướng dẫn viên du lịch” đã thực sự lan tỏa. Toàn hệ thống chính trị tỉnh và nhân dân Quảng Bình đã chung sức, đồng lòng cùng làm du lịch, quyết tâm đưa du lịch Quảng Bình cất cánh.
Ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới
Với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển du lịch Quảng Bình gắn với tài nguyên, lợi thế của địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Bình luôn đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển du lịch.
Theo đó, để hỗ trợ và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về giảm mức thu phí tham quan danh lam, thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích cầu, thúc đẩy sự phục hồi của ngành Du lịch. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực từ Trung ương, nguồn vốn từ các dự án, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí nguồn vốn đầu tư công trên 290 tỷ đồng cho 8 dự án thuộc lĩnh vực du lịch. Đối với nguồn vốn xã hội hóa, có khoảng 18 dự án được chấp thuận đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 3.376 tỷ đồng.
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh đã bền bỉ, linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến các dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới. Để tổ chức hiệu quả các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngành Du lịch tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời nghiên cứu sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm.
Trong đó, các sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác từ năm 2022 đến nay, như: Khám phá hang Ô Rô-hang Hoàn Mỹ; du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích lịch sử; khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều; khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng; trải nghiệm lái xe địa hình khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại rừng Lim (xã Tân Hóa, Minh Hóa)… và mới đây nhất là khai trương Bang Onsen Spa&Resort.
Cơ chế đặc thù để bứt phá
Trong hành trình phát triển du lịch, ngoài những yếu tố như đầu tư sản phẩm phù hợp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông du lịch đã được Quảng Bình chú trọng đầu tư để bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0 của thế giới.
Năm 2023, du lịch Quảng Bình phục hồi nhanh, thu hút khoảng 4,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Phong Nha và Đồng Hới nằm trong top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do du khách trên toàn thế giới bình chọn (giải thưởng thường niên Traveller Review Award của Booking.com). Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) được Trip Advisor bình chọn là một trong 25 vườn quốc gia đáng trải nghiệm nhất thế giới. The Culture Trip (Anh) bình chọn khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia PN-KB là một trong 6 hoạt động thú vị ở Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời.
|
Các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, quản lý hệ thống, thực hiện việc quảng bá, bán hàng trên các nền tảng số: Website, ứng dụng đặt dịch vụ trên internet, các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok. Tất cả đã góp phần không nhỏ quảng bá và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch. Du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tổ chức, tạp chí, khách du lịch trong nước và quốc tế đánh giá cao, hình ảnh và thương hiệu ngày càng được khẳng định.
Nói về nhiệm vụ, giải pháp để bứt phá, sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu nhấn mạnh: “Quảng Bình đang phấn đấu mỗi năm đưa vào khai thác từ 2-3 sản phẩm du lịch mới; có 1-2 khu, điểm du lịch được công nhận. Đến năm 2025, tổng số khách đến Quảng Bình đạt 7-8 triệu lượt người, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10-20%. Tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10-12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu này, Quảng Bình đang ưu tiên đầu tư thích đáng cho du lịch và tiếp tục triển khai những giải pháp, cơ chế đặc thù, như: Thực hiện đổi mới, sáng tạo các hoạt động kích cầu du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch an toàn, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững…”.
Hiền Chi