Chở "lộc biển" về bờ, ngư dân đón Tết đầm ấm

  • 11:32 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh vươn khơi bám biển đánh bắt được các loại hải sản có giá trị cao, thị trường ưa chuộng, mang lại nguồn lợi lớn cho ngư dân.
 
Vừa trở về sau chuyến biển xa bờ, ngư dân Phạm Văn Biên, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, (TP. Đồng Hới) phấn khởi chia sẻ: “Thời tiết thuận lợi, những tháng cuối năm, tàu chúng tôi vẫn tích cực bám biển đánh bắt thủy hải sản. Chuyến biển cuối năm, tàu của tôi tham gia đánh bắt ở ngư trường phía Nam, tàu gặp may trúng hơn 2 tấn cá thu và cá cam, đây là 2 loại cá được ưu chuộng vào dịp Tết, vừa cập bến là thương lái thu mua hết. Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên nhận được 25 triệu đồng, bạn thuyền có thêm thu nhập để đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.
Tàu vừa cập bến là thương lái tranh nhau thu mua hết.
Tàu cập bến, thương lái tranh nhau thu mua hải sản.
Không chỉ ngư dân đánh bắt xa bờ có được “lộc biển” cuối năm mà nhiều tàu, thuyền đánh bắt gần bờ ở các xã bãi ngang cũng trúng đậm ruốc biển, cá trích... Mặc dù lượng ruốc biển chưa nhiều nhưng ruốc sau khi đánh bắt được thương lái thu mua tận nơi với giá khá cao, tạo sự phấn khởi cho nhiều ngư dân. Ngư dân Tô Hồng Bắc, xã Bảo Ninh chia sẻ: "Mấy hôm nay thời tiết đẹp, ruốc vào bờ nhiều và việc đánh bắt khá dễ dàng. Mỗi ngày tàu đánh bắt được khoảng 3-5 tạ, với giá bán 16 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 4 triệu/ngày”.
 
Tại xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh), những ngày cuối năm, hàng trăm ngư dân nhộn nhịp dong thuyền ra khơi khai thác thủy hải sản. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh Nguyễn Văn Hàng cho biết: Là xã bãi ngang, hiện địa phương có hơn 300 thuyền đánh bắt gần bờ. Những ngày giáp Tết, hầu như đêm nào tàu của ngư dân cũng có mặt trên vùng biển cách bờ khoảng 7-10 hải lý. Cuối năm vào vụ cá trích, mỗi chuyến biển ngư dân đánh bắt được từ 2-5 tạ, dù giá thành thấp nhưng số lượng nhiều nên mỗi chuyến biển ngư dân cũng kiếm được vài triệu. Ngoài ra, các tàu của ngư dân trúng cá chim trắng, cá bè xước, tôm bộp… cũng cho thu nhập khá. 
 
Không chỉ tàu, thuyền trên biển nối đuôi nhau quay về bờ để phục vụ thị trường Tết mà không khí mua bán tại các cảng cá trên địa bàn cũng rất nhộn nhịp, khẩn trương. Tại Cảng cá Nhật Lệ, từ sáng sớm, người mua, người sôi động. Tàu cập bến, thương lái đã chờ sẵn để bốc hải sản lên xe, đưa đi tiêu thụ.
Không khí nhộn nhịp mua bán những ngày cuối năm trên cảng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới.
Không khí mua bán nhộn nhịp những ngày cuối năm tại Cảng Nhật Lệ (TP. Đồng Hới).
Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, tiểu thương chợ Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho hay: Những ngày cận Tết, giá cá thu khoảng 220.000-250.000 đồng/kg, cá ngừ khoảng 80.000-100.000 đồng/kg, cá cam 130.000-170.000 đồng/kg... Năm nay, các mặt hàng khác thì ế ẩm nhưng mặt hàng thủy hải sản sức mua của người dân vẫn lớn. Sáng nay, 9/2 (tức 30 Tết âm lịch), mặt hàng tươi sống, như: Cá, tôm, mực... tiểu thương không còn hàng để bán, trong khi đó những năm trước thời điểm này vẫn tấp nập. 
 
Đặc biệt, nhiều ngư dân trong tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm cho những chuyến biển xuyên Tết. Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Quảng Bình có 25 tàu đánh cá xa bờ đăng ký vươn khơi, khai thác xuyên Tết. Các tàu cá chủ yếu ở phường Quảng Phúc, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn).  Vươn khơi trong dịp Tết Nguyên đán không chỉ hy vọng chuyến biển đầu năm đạt sản lượng cao, nâng cao thu nhập mà sự hiện diện của tàu cá trên các ngư trường truyền thống trong dịp Tết còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi chuyến biển xuyên Tết kéo dài khoảng nửa tháng (từ 20 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Khi về bờ, các ngư dân sẽ ăn Tết muộn cùng gia đình và người thân nhưng các mẻ cá tươi sẽ được giá và đem lại thu nhập sẽ cao hơn các chuyến đi biển trong năm.
Những chuyến biển cuối năm, ngư dân Quảng Bình đánh bắt được khá nhiều cá thu, cá cam và cá ngừ
Những chuyến biển cuối năm, ngư dân Quảng Bình đánh bắt được khá nhiều cá thu, cá cam và cá ngừ.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh hiện có hơn 3.600 phương tiện tàu, thuyền khai thác thủy sản từ 6m trở lên, trong đó trên 1.168 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia đánh bắt xã bờ. Những tháng cuối năm, thời tiết thuận lợi nên đa số các tàu cá trên địa bàn tỉnh tranh thủ bám biển khai thác. Đáng mừng, hầu hết các tàu về bờ đều đạt hiệu quả, đánh bắt được sản lượng cao, chủ yếu là nghề câu khơi với các loại cá có giá trị, như: Thu, ngừ, cam, mú... 
 
Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương động viên ngư dân khắc phục khó khăn, duy trì vươn khơi bám biển sản xuất; hướng dẫn ngư dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng đội tàu khai thác xa bờ với trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị hàng hải hiện đại; tăng cường ứng dụng kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác để nâng cao hiệu quả chuyến biển, tăng thu nhập cho ngư dân. Đặc biệt, tiếp tục khuyến khích ngư dân tăng cường bám biển trong các dịp lễ, Tết nhằm nâng cao thu nhập, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
 Thanh Hoa

tin liên quan

Giấc mơ phía núi...

(QBĐT) - Những cánh rừng, ngọn núi cao án ngự bao đời các bản làng của đồng bào Bru-Vân Kiều ở phía tây nam huyện Lệ Thủy, đã khiến cho suy nghĩ, lối sống của họ còn lạc hậu, cổ hủ, nghèo đói và kinh tế-xã hội chậm phát triển. Nhưng giờ đây, nơi mảnh đất biên cương này, cuộc sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã có nhiều thay đổi khi các sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, hoạt động. Giấc mơ đổi thay từ phía núi với đồng bào Bru-Vân Kiều đã và đang dần hiện hữu…

Cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào A Rem xã Tân Trạch

(QBĐT) - Trong các ngày 6 và 7/2, Sở Công thương chủ trì phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình và các nhà thầu tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, hòa lưới điện quốc gia, cấp điện cho đồng bào A Rem tại bản Km39, xã Tân Trạch (Bố Trạch). 

Phong Nha-Kẻ Bàng: Năm mới nhớ chuyện cũ

(QBĐT) - Được mệnh danh là "trái tim du lịch" của Quảng Bình, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) đã trở thành cái tên quen thuộc, gần gũi với du khách trong và ngoài nước. Để có một "trái tim" đầy sức hút, quyến rũ như bây giờ, ngoài những giá trị độc đáo do thiên nhiên ban tặng, PN-KB đã trải qua những tháng ngày bình lặng và nhiều khó khăn.