Ngày 30 Tết, tiểu thương như "ngồi trên đống lửa"

  • 13:42 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sức mua giảm, nguồn cung lại nhiều dẫn đến nhiều mặt hàng tươi, như: Trái cây, hoa, cây cảnh... lâm vào tình trạng ế ẩm. Các tiểu thương buộc phải xả hàng với giá rẻ.
 
Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống và khu vực bán hoa, cây cảnh dọc đường Quang Trung (TP. Đồng Hới), sáng 9/2 (30 Tết âm lịch) không khí mua bán bớt nhộn nhịp. Một phần, nhiều người đã mua sắm từ những ngày trước và thời tiết bắt đầu chuyển mưa rét, nên người dân ngại ra đường du xuân. Trong khi đó, lượng hàng hóa, đặc biệt là hoa, cây cảnh, các loại trái cây,... vẫn còn được bày bán rất nhiều.
Anh Phạm Thế Quốc đang rao bán số nải chuối còn lại để kịp về quê Quảng Trị ăn Tết.
Anh Phạm Thế Quốc đang rao bán số nải chuối còn lại để kịp về quê Quảng Trị ăn Tết.
Tại góc chợ Đồng Hới, anh Phạm Thế Quốc, một tiểu thương đến từ Quảng Trị đang tích cực mời chào khách mua chuối với giá hữu nghị. “Tết các năm, tôi bán được 300 buồng thì năm nay chỉ bán được có 100 buồng chuối. Giá cả thấp hơn so với những mùa Tết trước. Đầu mùa, giá bán 250 nghìn đồng/nải, giờ chỉ bán 50-70 nghìn đồng/nải. Cái gì còn giữ lại được chứ chuối thì chịu, phải bán nhanh, thu hồi một phần vốn để còn về quê ăn Tết”, anh Quốc cho biết. 
 
Còn trên đường Quách Xuân Kỳ, quầy hàng trái cây của chị Nguyễn Thị Thanh đang ngổn ngang các sản phẩm chuối, mía,... Chị Thanh chia sẻ: Mua thì đắt, bán thì rẻ. Sức mua ít mà những mặt hàng này người bán quá nhiều nên cơ bản nhà tôi giờ chỉ mong hòa vốn. Chuối, hoa quả năm nay nhiều người thua lỗ nặng.
 
“Năm nay nhuận, chuối chín sớm, không trúng vụ nên chở chuối về được thời gian bị chín hết. Mua buồng chuối mấy triệu đồng mà giờ bán nải được trăm, trăm rưỡi, có khi được mấy chục nghìn...”, chị Nguyễn Thị Hàn ngậm ngùi cho hay.
Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng chuối kêu lỗ.
Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng chuối kêu lỗ.
Không ít tiểu thương dự đoán sức mua ít hơn nên nhập hàng có tính toán, nhờ vậy đỡ phần nào tình trạng ế ẩm và không phải “ngồi trên đống lửa” trong ngày 30 Tết. “Mọi năm, mỗi gia đình mua dăm bảy nải thì năm nay chỉ mua khoảng 2 nải. Các mùa Tết trước, tôi nhập 70-80 buồng, Tết năm nay chỉ nhập 50 buồng thôi, vì vậy nên giờ bán gần hết rồi. Mình phải tính toán kẻo lỗ vốn nhiều”, tiểu thương Phạm Thị Phi chia sẻ.
 
Ông Võ Quốc Thịnh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đồng Hới cho biết: Ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, lượng cung hàng hóa những ngày Tết dồi dào, tuy nhiên sức mua ít. Các mặt hàng thời trang, như: giày, dép, may mặc... hết sức ế ẩm. Nhân dân đến chợ chủ yếu mua sắm đồ trang trí, nông sản, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày. 
Một góc trước chợ Đồng Hới trưa 30 Tết.
Một góc trước chợ Đồng Hới trưa 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại đoạn đường Quang Trung, lượng cây cảnh chưng ngày Tết, như: Đào, quất, cúc, mai,... vẫn còn được bày bán rất nhiều nhưng khách ghé mua lại rất ít. Anh Phan Kiều Hưng và nhóm bạn buộc phải gắn biển “xả hàng” trên sản phẩm của mình. Vốn là mặt hàng mà giá cả từng cây, cành,... lâu nay phụ thuộc vào gu thẩm mĩ, thị hiếu, cảm xúc của khách hàng, nay lại được bán với mức đồng giá cho tất cả các sản phẩm.
Mặt hàng hoa, cây cảnh cũng trong tình trạng phải
Mặt hàng hoa, cây cảnh cũng trong tình trạng phải "xả hàng".
“Tôi kinh doanh mặt hàng này nhiều năm rồi nhưng năm nay là ế nhất. Kinh tế khó khăn nên khách mua ít hẳn, chỉ còn 60% so với những mùa Tết trước đây. Làm vì quen nghề, đam mê thôi chứ buôn bán lời lãi chẳng bao nhiêu. Như tôi, lấy 1 cây này thêm chi phí vận chuyển, thuê bãi hết 500 nghìn/cây; giờ bán xả hàng đồng giá 400 nghìn, mong kiếm lại ít đồng vốn cho anh em”, anh Phan Kiều Hưng, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ.
Anh Phan Kiều Hưng cắt tỉa cây những lúc vắng khách.
Anh Phan Kiều Hưng cắt tỉa cây những lúc vắng khách.
Tết năm nay, anh Trần Công Hậu ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) nhập 400 chậu hoa cúc nhưng đến thời điểm trưa 30 Tết vẫn còn hơn 200 chậu, dù vị trí kinh doanh khá lợi thế, ngay trước cổng Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Anh buồn bã cho biết: “Chắc cuối mùa rồi cũng bán hết, nếu không thì tôi mang lên gửi ở chùa, chứ không đập đâu, vì đây công sức lao động, không nên lãng phí”. 
Hơn 200 chậu cúc của anh Hậu vẫn còn chờ khách đến mua.
Hơn 200 chậu cúc của anh Hậu vẫn còn chờ khách đến mua.
Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sức mua yếu. Bên cạnh đó, trước tình trạng hàng hóa ế ẩm, không ít khách hàng lại quyết định chi thêm tiền mua sắm, cũng là cách để ủng hộ các tiểu thương đỡ phần nào khó khăn, khi năm mới đã cận kề.
 
Một số hình ảnh ngày 30 Tết ở chợ Đồng Hới và khu vực bán hoa, cây cảnh trên đường Quang Trung (TP. Đồng Hới):
Vắng khách, những người bán hoa, cây cảnh tập trung đốt lửa sưởi ấm.
Vắng khách, những người bán hoa, cây cảnh tập trung đốt lửa sưởi ấm.
Vẫn còn rất nhiều cây cảnh ở sân nhà văn hóa cũ.
Vẫn còn rất nhiều cây cảnh ở sân nhà văn hóa cũ.
 
Hương Lê

tin liên quan

Chở "lộc biển" về bờ, ngư dân đón Tết đầm ấm

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh đánh bắt được các loại hải sản có giá trị cao, thị trường ưa chuộng, mang lại nguồn lợi lớn cho ngư dân.

Giấc mơ phía núi...

(QBĐT) - Những cánh rừng, ngọn núi cao án ngự bao đời các bản làng của đồng bào Bru-Vân Kiều ở phía tây nam huyện Lệ Thủy, đã khiến cho suy nghĩ, lối sống của họ còn lạc hậu, cổ hủ, nghèo đói và kinh tế-xã hội chậm phát triển. Nhưng giờ đây, nơi mảnh đất biên cương này, cuộc sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã có nhiều thay đổi khi các sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, hoạt động. Giấc mơ đổi thay từ phía núi với đồng bào Bru-Vân Kiều đã và đang dần hiện hữu…

Cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào A Rem xã Tân Trạch

(QBĐT) - Trong các ngày 6 và 7/2, Sở Công thương chủ trì phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình và các nhà thầu tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, hòa lưới điện quốc gia, cấp điện cho đồng bào A Rem tại bản Km39, xã Tân Trạch (Bố Trạch).