Thu nhập cao từ nghề nuôi dúi

  • 07:06 | Thứ Ba, 07/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ những cặp dúi giống nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay anh Lê Hữu Như Ý (SN 1991, ở thôn Đồng Sơn, xã Sơn Hóa, Tuyên Hóa) đã sở hữu 2 trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Ly hương rồi lại hồi hương, quãng đường tìm kiếm cho mình và gia đình một sinh kế ổn định, với chàng trai trẻ Lê Hữu Như Ý không phải là dễ dàng. Ý vốn quê gốc ở Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp THPT, Ý rời quê lên TP. Đà Nẵng để phục vụ du khách theo các tour du lịch. Tại đây, Ý gặp và kết hôn với vợ mình (khi ấy cũng đang làm công nhân). Làm việc được vài năm, thì đúng lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, cả 2 đều không có việc làm. Năm 2019, vợ chồng Ý lại dắt díu nhau về quê sinh sống. Những ngày ở quê, Ý lên mạng internet tìm hiểu về kỹ thuật nuôi dúi. Đang thời gian rảnh rỗi, Ý quyết định mua dúi về nuôi thử nghiệm.
 
Ý nhớ lại, nói ngắn gọn là vậy, nhưng để có được cơ sở như ngày nay không phải là điều dễ dàng. Ban đầu, Ý mua giống dúi người dân trên địa bàn săn bắt được, với dự định nuôi giống dúi tự nhiên thuần chủng. Nhưng sau một thời gian, Ý nhận thấy dúi tự nhiên vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt, chậm lớn và hao hụt dần nên liền ra tỉnh Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi. Thời điểm đó, có người biết Ý nuôi dúi cho rằng, nuôi gì không nuôi lại nuôi dúi và không tin con dúi nhỏ bé ấy có thể tạo ra thu nhập để phát triển kinh tế cho gia đình.
Nghề nuôi dúi đã thay đổi cuộc sống và thu nhập cho gia đình anh Lê Hữu Như Ý.
Nghề nuôi dúi đã thay đổi cuộc sống và thu nhập cho gia đình anh Lê Hữu Như Ý.
Vượt qua điều tiếng, suốt gần 1 năm “ăn dúi, ngủ dúi”, Ý dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Cứ như vậy, Ý vừa tự tìm kiếm, học tập kỹ thuật nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm. 3 tháng sau, đàn dúi của Ý lớn nhanh và xuất chuồng. Lần này, Ý mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, diện tích chuồng trại nuôi dúi của Ý đã mở rộng lên đến 200m2, với 2 trại nuôi. Có thời điểm, số lượng đàn dúi trong chuồng trại của Ý lên đến 700-800 con.
 
Lê Hữu Như Ý cho biết, dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang đến giá trị kinh tế cao. Nhưng nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Thức ăn của dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, không bị ôi, thiu. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích và gây ô nhiễm môi trường, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ. Mỗi ô chuồng nuôi dúi được Ý dùng gạch lát nền gắn lại với nhau (kích thước chiều rộng và cao: 60 x 60cm). Thức ăn của dúi rất dễ kiếm, chủ yếu là tre, mía, ngô và rau, củ, quả. Nuôi trong vòng 3 tháng, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng từ 3-4kg (trung bình mỗi kg dúi thịt có giá khoảng 550 nghìn đồng). Còn dúi phải đến 8 tháng tuổi mới bắt đầu sinh sản.
 
Hiện tại, trang trại dúi của Lê Hữu Như Ý đang nuôi 2 loại dúi, dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác. Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, gần 3 năm nay, Lê Hữu Như Ý đã nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản để bán dúi giống. Theo Ý, trung bình mỗi năm, dúi sẽ sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Các loại dúi thịt và dúi giống của Ý hiện được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa ThiênHuế và một số tỉnh thành phía Nam. Mỗi năm, trại nuôi dúi của Ý thu lãi được trên 300 triệu đồng.
 
Từ thành công bước đầu, thời gian tới, Ý đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để tăng số lượng đàn, đồng thời hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận trang trại và đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa Nguyễn Quyết Tiến cho biết: “Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Hữu Như Ý là một trong những gương sáng trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm của mình, hướng dẫn cho nhiều gia đình muốn thử nghiệm mô hình nuôi dúi khá mới mẻ này. Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Ý đã phá thế chăn nuôi “độc canh” chỉ lợn, gà trên địa bàn, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Nhận thấy mô hình nuôi dúi là một hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, xã Sơn Hóa đã quan tâm, tạo điều kiện cho trang trại của anh Ý và nhiều người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi dúi, từng bước nâng cao thu nhập.
 
D.C.H

tin liên quan

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm

(QBĐT) - Chiều nay, 31/1, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Người dân tấp nập mua vàng ngày vía Thần Tài

(QBĐT) - Theo quan sát của phóng viên, hôm nay, 31/1 (tức mùng 10 tháng Giêng), rất đông người dân tập trung tại các tiệm vàng trên địa bàn TP. Đồng Hới để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài. 

Lãnh đạo tỉnh thăm một số đơn vị sản xuất công nghiệp đầu năm

(QBĐT) - Sáng 31/1, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm một số đơn vị sản xuất công nghiệp nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023.